Hoạnh tử: Nỗi đau và tiếng chuông nhắc nhở!

Từ lâu, chữ ký trong các email của mình tôi chọn câu: “Là người, ai cũng phải chết! Biết vậy để sống cho tốt”. Câu này là lời nhắc nhở sâu sắc đối với tôi, nhất là kể từ khi học Phật, thực tập pháp môn của Thiền sư Nhất Hạnh.

 

Tôi dừng lại, nhìn sâu và thấy rõ, tất cả chúng sinh, trong đó có mình, có sinh (do duyên hợp) thì sẽ có hoại (chết, do duyên tan). Và vì mình không biết trong vô lượng thỉ kiếp trước đã từng gieo trồng nghiệp xấu tốt nào nên tôi luôn trong tâm thế chuẩn bị đón nhận tất cả quả xấu tốt, ngay cả đó là quả xấu nhất.

Có lần, tôi bị tai nạn gãy cả 2 ống xương ở phần chi dưới, nhìn đôi chân quặt quẹo của mình, tôi nghĩ ngay đến việc hồi nhỏ đã từng bắt ếch nhái, bẻ chân, trụng nước sôi các “bạn” ấy. “Vậy thì giờ, mình bị vậy cũng còn nhẹ quá”. Nhờ quán niệm điều này, tôi không còn sợ hãi, lo lắng, cũng không trách cả người đã lái xe va vào mình khiến tai nạn xảy ra.

Một người thoát nạn vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội tối 13/9. Ảnh: VnExpress.net.
Một người thoát nạn vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội tối 13/9. Ảnh: VnExpress.net.

Qua vụ đó, tôi còn quán chiếu thêm, may mà mình chỉ bị gãy chân, vẫn còn giữ lại được cái mạng này – là cái thân người (khó được) – theo lời Phật dạy, để có “phương tiện” tu tập tiếp.

Với thân người, chúng ta, mỗi ngày vẫn đang tạo nghiệp (lành, dữ) trên cả ba phương diện (ý, khẩu, thân) thông qua suy nghĩ, lời nói, việc làm. Từ đó, tưới tẩm những hạt giống tương ứng đã tích lũy trong tàng thức; đồng thời gieo trồng thêm vào đất tâm những hạt giống mới.

Nếu tin nhân quả thật sâu, sống được với lý nhân quả, khi gặp sự cố bất như ý ta biết quán chiếu để tháo gỡ – không trách trời trách người – biết mọi thứ đều là nhân-duyên-quả, để bình thản, nhẹ nhàng hoặc bình thản, nhẹ nhàng nhất có thể. Khi biết mình là chủ nhân của những biểu hiện này, ta sẽ biết sám hối, vững chãi chịu đựng. Rồi mọi thứ sẽ qua. Vì vô thường. Và quan trọng, nhờ tin sâu nhân quả, dù gặp bất trắc cỡ nào ta cũng không thối tâm lành, vẫn tiếp tục gieo hạt giống tốt, kiên nhẫn, an yên trong mọi hoàn cảnh.

Thực tế, cuộc sống xung quanh đầy những nỗi khổ niềm đau. Có những cái chết khiến ta giật mình, bàng hoàng, thương xót. Trong đó, có những cái chết được gọi tên là chết yểu, chết sớm, chết không đúng thời, khi chưa hết tuổi thọ kiếp này đã chết. Đó là những trường hợp “hoạnh tử”.

Theo quan niệm của Phật giáo Bắc tông, trong Kinh Dược Sư, có nói đến chín thứ hoạnh tử gồm:

1. Bệnh mà không có thầy thuốc rồi chết;

2. Bị Luật Vua tru lục mà chết (phạm tội bị xử tử hình);

3. Phi nhân đoạt tinh khí mà chết;

4. Lửa cháy mà chết;

5. Nước nhận chìm mà chết;

6. Ác thú ăn thịt mà chết;

7. Té xuống sườn núi mà chết;

8. Bị thuốc độc, bùa chú mà chết;

9. Ðói khát ép ngặt mà chết.

Đối với người-có-tu, tức có học và hành lời Phật dạy, có thể ngăn ngừa được một số loại hoạnh tử bằng lối sống, sự phản tỉnh của mình trước các “dấu hiệu” của chết yểu. Ví dụ, khi bệnh nặng đổ ra ở tuổi còn trẻ thì người đó có thể buông tất cả để sám hối, hành thiện. Đôi khi, nhờ sự buông và nỗ lực thực tập ấy mà có mầu nhiệm: tự cứu được mình khỏi chết, lại được trường thọ, thay đổi tư duy, lối sống.

Trong bài “Khảo biện về kinh Dược Sư” của Thượng tọa Thích Chúc Phú, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dịch thuật Trí Tịnh – Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam có lưu ý đáng ngẫm:

“Trong kinh Phật thuyết cửu hoạnh, Phật dạy rằng, nếu như gặp phải voi say, ngựa chứng, bò điên, xe cộ, rắn độc, hầm hố, nước, lửa, chiến loạn, người say, kẻ xấu cũng như bao điều tệ ác khác… nếu bậc có trí tuệ thì sẽ biết và tránh các nhân duyên đó để bảo toàn tính mạng…

Tụng kinh để trú tâm trong thắng pháp, để hiểu lời Phật dạy và sau đó thực hành. Diệu dụng của pháp Phật chính là ở đây. Siêng năng trì tụng kinh điển nhưng không thực hành, thì tuy có phước đức, nhưng rất nhỏ nhoi và khó có thể đem đến những kết quả ưu thắng”.

Mong rằng, trước hoạnh tử của người khác, mỗi chúng ta xem đó là lời nhắc nhở, tiếng chuông nhắc mình bớt tham-sân-si, trau dồi giới-định-tuệ để mỗi ngày sống đều là ngày an, ngày vui, mỗi bước chân đều là những bước thong dong đi vào Tịnh độ, một miền tĩnh an “bây giờ và ở đây”…

Lưu Đình Long