Hoằng pháp và tu học trong thời đại công nghệ 4.0
Trong thời đại công nghệ số, khi thế giới ngày càng liên kết chặt chẽ thì Phật giáo cũng không nằm ngoài sự kết nối có tính lan tỏa này.
Với chủ đề: “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển”, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới về mọi mặt của Phật giáo Việt Nam. Cùng với các tôn giáo khác, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã luôn gương mẫu và tích cực trong công cuộc xây dựng đất nước giàu đẹp, xây dựng đời sống văn hóa, đạo đức lành mạnh, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và bất hạnh trong cuộc sống, nhất là khi đất nước hứng chịu những tổn thương, mất mát cả người và tiền của trong đại dịch Covid-19. Những đóng góp thiết thực và đầy nghĩa tình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi dân tộc gặp nguy nan càng chứng tỏ Phật giáo là tôn giáo nhập thế, luôn gắn đạo với đời; có truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Trong thời gian cả thế giới phải hứng chịu những tổn thất to lớn, chưa từng có của đại dịch Covid-19, chúng ta càng nhìn thấy rõ nét hơn vai trò của công nghệ thông tin khi hầu hết các hoạt động đều phải trực tuyến. Và các hoạt động Hoằng pháp của Phật giáo cũng không ngoại lệ, khi một thời gian rất dài, các cổng chùa đều khép lại, các Phật tử đều phải nghe giảng pháp thông qua các sản phẩm công nghệ như máy tính bảng, điện thoại thông minh…
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, tác động đến phương thức sản xuất, làm thay đổi về bản chất các hình thái quan hệ xã hội, trở thành động lực, nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Sự hình thành và phát triển của không gian mạng đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Trong thời điểm dịch Covid-19 đã tạo ra những giãn cách bắt buộc để phòng chống lây lan của virus SARS-nCoV-2, cho nên việc sử dụng công nghệ đã trở thành phương tiện hỗ trợ đắc lực trong việc giao tiếp và Hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam.
Hoằng dương chính pháp từ lâu đã trở thành nhiệm vụ then chốt, quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Để có thể thực hiện tốt công tác này, Phật giáo Việt Nam không thể không thích ứng, tìm hiểu, tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật số, sử dụng hiệu quả công nghệ số làm phương tiện truyền bá giáo lý của đạo Phật. Những năm gần đây, Phật giáo Việt Nam cũng từng bước ứng dụng công nghệ trong tiếp cận Phật tử, nhất là giới trẻ. Nhiều cơ sở tự viện, cá nhân Tăng Ni, nhờ sử dụng công nghệ, mạng xã hội đã nối dài đạo tràng tu học trên không gian mạng. Tuy nhiên, bên cạnh sức mạnh về tốc độ tiếp cận và khả năng lan tỏa nhanh chóng, cách mạng công nghệ 4.0 cũng có những mặt trái và nhiệm vụ của chúng ta là phải cân nhắc trước mỗi sự việc. Vì vậy, chúng con thấy chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau:
Một là, việc sử dụng những tiện ích của internet, mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, các nền tảng trực tuyến, online… có thể thuyết giảng, hoằng pháp cùng một lúc cho số lượng lớn Phật tử không chỉ trong nước mà có thể kết nối với các Phật tử trên toàn thế giới mà không bị giới hạn ở không gian, thời gian; không bị ảnh hưởng bởi thiên tại, dịch bệnh; không sợ sai lệch nội dung truyền đạt đồng thời đẩy mạnh các hoạt động và phát triển tín đồ Phật giáo trong nước cũng như trên phạm vi toàn thế giới.
Tuy nhiên, cũng đã có một số Phật tử không đồng tình với những buổi lễ được phát trực tiếp trên mạng xã hội, hay việc quy y trực tuyến qua internet của một số tự viện bởi vì đối với nghi thức quy y, thụ giới cho thiện nam tín nữ, cần một buổi lễ trực tiếp sẽ có năng lượng đầy đủ và ý nghĩa hơn. Bên cạnh đó, trong những nghi lễ mang tính thiêng liêng, tất cả đều cần trang nghiêm trong từng cử chỉ, hành động, chi tiết nhỏ, thì việc phát trực tiếp cũng sẽ có thể có những sự cố ngoài ý muốn, như: Những góc quay mà Phật tử tham dự chưa được đồng đều trong những lần quỳ lạy, hoặc có cử chỉ chưa trang nghiêm như nói chuyện riêng, cười đùa, ngáp ngủ… Sự lộn xộn của Phật tử dự lễ ngẫu nhiên lọt vào khung hình có thể làm giảm sự cảm nhận tích cực của những Phật tử cũng như công chúng đang xem, theo dõi, gây khó chịu hoặc cao hơn là giảm niềm tin vào Phật pháp. Bởi vậy, với những buổi lễ, khóa lễ trực tuyến, cần có một đạo diễn hình chuyên nghiệp để tránh những hình ảnh ngoài ý muốn, thậm chí có thể trở thành đề tài phản động cho các thế lực thù địch.
Hai là, Phật giáo Việt Nam có thể bắt kịp và thích nghi nhanh với xu hướng thời đại toàn cầu hóa như: Trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, thực tế ảo, sử dụng robot thuyết giảng … mang lại cảm giác tiện ích và gần gũi với Phật tử; củng cố niềm tin, tâm lý, ý thức tôn giáo; việc tuyên truyền đức tin Phật giáo gắn với hình ảnh trực quan sinh động dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc, làm cho Phật tử cảm nhận như đang trực tiếp tương tác; đồng thời có điều kiện để suy ngẫm, chiêm nghiệm, đối chiếu, so sánh những điều đã được truyền dạy với thực tế sinh động diễn ra trong đời sống hàng ngày. Nhưng các buổi Hoằng pháp online, hay sử dụng công nghệ trong thuyết giảng, chia sẻ Phật pháp, thực hiện các nghi lễ tâm linh, chỉ nên diễn ra trong những thời gian, tình huống bất khả kháng như khi có dịch bệnh, thiên tai…, hay phát chiếu trực tuyến phục vụ cho những Phật tử ở xa, mong muốn tham dự buổi lễ nhưng không có điều kiện tới chùa. Với những buổi hoằng pháp, tụng kinh, ngồi thiền, pháp thoại, pháp đàm… có sự tham dự cùng nhau của quý thầy và Phật tử, của đại chúng đồng tu sẽ mang lại năng lượng chuyển hóa tốt hơn. Không nên lạm dụng công nghệ trong: cúng dường, truyền giới…, vì đó là những khóa lễ, nghi thức cần sự có mặt trực tiếp (chứ không phải trực tuyến).
Ba là, trong tương lai, các tôn giáo sẽ dần chuyển từ phương thức truyền thông “truyền thống” sang sử dụng tiện ích của truyền thông “công nghệ”, “truyền thông số”, ứng dụng công nghệ để truyền bá quan điểm, tư tưởng của tôn giáo nhằm thu hút sự quan tâm của xã hội, từng bước củng cố niềm tin của đại chúng. Bởi vậy, Phật giáo Việt Nam cần đồng hành và khuyến khích Tăng Ni, Phật tử sử dụng internet, ứng dụng công nghệ thông tin trong các công việc phật sự. Bên cạnh đó, có thể sử dụng dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI)… để áp dụng vào việc số hóa các đầu sách, tài liệu, nhất là đối với công tác lưu trữ các tài liệu, tư liệu cổ về Phật pháp nhằm sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị những tài liệu quý được nhanh chóng, an toàn, không bị giới hạn về không gian và thời gian. Ví dụ như nguồn tư liệu Hán Nôm, chúng có nguy cơ bị mai một rất nhanh trong bối cảnh chữ Quốc ngữ gần như hoàn toàn thay thế. Đó là chưa kể việc diện tích các tự viện ngày càng bị thu hẹp cũng làm cho loại sách vốn chiếm nhiều không gian này ngày càng khó gìn giữ, bảo quản.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tới đặc điểm của Phật tử tại Việt Nam, đa phần là những người lớn tuổi. Việc số hóa các tài liệu, tư liệu, sách cổ… thành tư liệu điện tử thì nhóm Phật tử này sẽ khó có thể tiếp cận. Chính vì thế, nên ảnh ấn những đầu sách đã được số hóa theo đúng bản gốc. Sau đó tư liệu sẽ in được lại trên chất liệu giấy để ấn hành, phát hành.
Trong thời đại công nghệ số, khi thế giới ngày càng liên kết chặt chẽ thì Phật giáo cũng không nằm ngoài sự kết nối có tính lan tỏa này. Nếu như chúng ta sử dụng công nghệ mạng internet, sử dụng mạng xã hội để Hoằng pháp thì chúng ta có thể mang ánh sáng chính pháp đến với nhiều người ở khắp mọi nơi một cách nhanh nhất so với việc Hoằng pháp truyền thống như từ trước đến nay. Nhưng bên cạnh mặt tích cực của công nghệ và sức mạnh của internet, cũng không nên cực đoan chỉ nghĩ đến xây dựng kênh hoằng pháp trực tuyến (online), làm nhiều cách để nổi tiếng, có đông tín đồ, mà quên mất cốt lõi của một hành giả là tu tập. Chính vì thế, trong tình trạng bình thường mới, chúng ta nên khuyến khích Phật tử đến chùa hơn là chỉ ôm máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng… để theo dõi khóa lễ, nghe giảng pháp trực tuyến, từ đó giúp Phật tử có lòng tin Tam bảo, hiểu sâu sắc hơn và có đời sống đạo sâu đậm hơn trên bước đường tu học của mình.
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Kạn