Hóa trang thành ma quỷ, có phải đang xúc phạm cõi âm không?

Người đã mất cũng là người, cũng có phẩm giá và danh dự. Dù có khi họ là một vong hồn ẩn náu trong góc nhà, dù có khi họ là một vong hồn vất vưởng ở đầu ngõ, dù có khi họ là một vong hồn trên cây cao, nhưng họ cũng có giá trị của một sinh thể trong trời đất.

Cả nhà quây quần quanh Tươi vừa sợ vừa mừng. Tươi đã biến thành con người khác, mà theo cách Tươi nói thì thầm thì cô đang được linh hồn của người anh trai chết trẻ nhập vào. Những lời nói và phong cách đang diễn ra thì đúng là không còn của Tươi nữa, nhưng có phải của người anh trai chết trẻ thì chẳng ai biết, vì lúc đó anh mới có 7 tuổi. Mẹ khóc rấm rứt vì xúc động và tin chắc rằng đó là đứa con trai chết trẻ của mình, vì anh nói ra được chuyện mà chỉ có bà biết đó là lần bà bế anh đi xem hát ở ngoài đình thế nào lại mất một chiếc dép nên hai mẹ con khi về đi chân không.

Người bố thì vẻ mặt thương cảm nhưng cũng cố dò tìm có điểm nào đáng ngờ không.

Bố hỏi:

– Nếu con đúng là Hưng thì nói cho bố biết con bị bệnh gì mà chết.

Giọng của Tươi nghe lạ lạ, ánh mắt xa vắng:

– Lúc đó bác sĩ bảo con bị viêm phổi nặng, nhưng không phải, con bị ông chú Thành bắt đi để phụ giúp chú trông coi nhà cửa dưới này.

Người bố kêu lên:

– Đúng là ông nội có người em trai tên Thành đã chết từ lâu.

Tươi gật gù nói tiếp:

– Con nhớ bố mẹ và thương các em. Này Tú, cô người yêu mà em định cưới không tốt đâu nhé. Cô có người tình nữa tên là Khanh ở bên phố đấy. Em bỏ đi.

Tú giật mình nói:

– Đúng là có lần em thấy tin nhắn của tên Khanh này, hỏi thì cô chối biến.Tươi lại nói:

Tươi lại nói:

– Này Tú, em đi bộ đội là hay đấy, trở về được nhiều cơ hội may mắn. Còn bố đừng đi uống trà ở quán cô Sương nữa nhé, cô ấy nhiều bồ, không khéo đánh ghen nhau mất mặt cả.

Thế giới cõi âm nhìn từ giáo lý đạo Phật

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bố đỏ mặt. Mẹ trừng mắt nhìn bố.

Tươi lại nói:

– Ba năm nữa con sẽ đầu thai vào một gia đình ở xã bên, vì nhà họ cầu con mà lại biết làm phúc. Mẹ hỏi:

– Cõi âm ở dưới đấy như thế nào con?

– Cõi âm thì khác lạ nhiều so với cõi dương, nhưng ai có phúc thì cũng sung sướng, ai kém phúc thì cũng vất vả.

– Thế địa ngục là sao con?

– Địa ngục là nơi giam giữ những người tạo tội nặng ở trên đời lúc còn sống. Trong đó hình phạt khiếp lắm.

– Còn cõi trời là sao con?

– Cõi trời thì con không biết, cũng chỉ nghe nói, ở cao lắm, dành cho những người lúc sống biết tu hành đạt được nội tâm thánh thiện.

– Thế tháng bảy cúng cô hồn thì các vong hồn có ăn được không con?

– Làm sao ăn được hở mẹ. Họ có biết tụng kinh đâu, rồi người sống giành giật hết cả. Các vong đến nhìn rồi lại bỏ đi vất vưởng đói khổ.

– Thế muốn cho các vong hồn ăn thì phải tụng kinh gì con?

– Phải có những người tu hành có đức độ tụng kinh và cho phép ăn thì các vong hồn mới ăn được ạ.

– Bây giờ mẹ thấy bọn trẻ bắt chước bên Tây làm lễ hội ma gì đó, hóa trang thành ma quỷ trong một ngày đó, nghĩa là sao con?

– Đó là xúc phạm người cõi âm đấy ạ. Đâu phải ai chết rồi cũng xấu xí ghê rợn vậy đâu. Các vong hồn chứng kiến lễ hội ma mà rất tủi thân. Chẳng cúng gì cho các vong mà chỉ trêu các vong như là thứ gì ghê ác vậy.

Bố chen vào hỏi:

– Thế con có gặp họ hàng mình dưới đó không?

– Có người gặp, có người không bố ạ. Nhưng xuống đó rồi thì ai cũng phải lo phận nấy, phải gắng làm việc chấp tác tu hành cầu phúc để sau này còn có phúc mà đầu thai làm người gặp đạo của thánh hiền mà tu tiếp ạ. Bố sẽ sống thêm 15 năm nữa, mẹ sẽ sống thêm 23 năm nữa. Từ đây đến ngày đó bố mẹ gắng tu hành làm các việc phúc cho nhiều nhé. Chết xuống dưới đấy ai cũng than thở là phải chi lúc sống biết tu hành làm phúc. Có phúc rồi thì chết hay sống đều sung sướng. Kém phúc rồi thì ở chỗ nào cũng khổ.

Mẹ hỏi:

– Thế mấy bác ở cạnh nhà mình hay đi hầu các vị thánh nhập xác mặc quần áo đẹp nhảy múa ban lộc là sao hở con?

– Đó chỉ là tái hiện lại nghi lễ ngày xưa mà thôi chứ làm gì có thánh nhập về vui nhộn vậy ạ. Thánh chỉ về trong kín đáo và chỉ về khi có việc rất cần thiết. Các Thánh còn phải lo tu hành nữa chứ.

Cả nhà nói chuyện thêm một chốc rồi Tươi ngã vật ra vì vong hồn bay ra khỏi…

Ta không biết gì về cõi giới sau khi chết. Không biết thì không có nghĩa là không có. Chết chưa bao giờ là hết, vì lúc chết chưa phải là mọi sự công bằng trên đời đã giải quyết xong. Bộ phim chỉ được quyền chấm dứt khi mọi ân oán đã giải quyết xong. Còn cuộc đời này mọi người cứ lần lượt chết mà các ân oán tội phước của họ vẫn chưa giải quyết xong, thế nên, bộ phim chưa được hết, còn phải tiếp diễn ở hình thức khác.

Có thể cõi chết rất khác biệt so với cõi sống này, nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ Công bằng. Ai làm phúc thì được sung sướng, ai gây tội thì chịu đau khổ. Đặc điểm của các vong hồn là họ nhìn thấy ta, thậm chí biết được ý nghĩ của ta. Còn ta thì ngược lại, không nhìn thấy họ, không biết gì về họ. Hai cõi âm dương cách trở là thế.

Tuy nhiên văn hóa đông phương, đặc biệt là Việt Nam rất coi trọng người đã mất. Dù không nhìn thấy nhưng người Việt Nam vẫn kính trọng, cúng kiếng, hương khói đầy đủ khiến cho người mất rất ấm lòng. Còn các nền văn hóa khác thì hiểu về cõi chết khác hơn nên cư xử khác hơn. Họ chỉ đứng trước mộ, đặt ít hoa, rồi quay về. Đến ngày Halloween thì trẻ em hóa trang thành ma để tưởng nhớ người mất, hơi bị khôi hài. Cách tưởng nhớ đó cạn cợt và không trân trọng.

Người đã mất cũng là người, cũng có phẩm giá và danh dự. Dù có khi họ là một vong hồn ẩn náu trong góc nhà, dù có khi họ là một vong hồn vất vưởng ở đầu ngõ, dù có khi họ là một vong hồn trên cây cao, nhưng họ cũng có giá trị của một sinh thể trong trời đất. Có khi họ đói kém và cần ta cúng cho ăn, có khi họ có uy lực phù hộ ta vài việc gì đó, nhưng họ vẫn là các chúng sinh đáng yêu đáng quý. Thái độ đạo đức của ta là hiểu họ, thông cảm họ, yêu quý họ, giúp đỡ họ, cúng kiếng cho họ, và tạo điều kiện cho họ được nghe đạo lý của thánh hiền. Họ cũng còn chưa hiểu đạo lý lắm, có khi họ cũng sân si đủ thứ, nhưng ta hãy thương yêu họ cái đã. Rồi ngày nào ta cũng đi về cõi đó mà.

Nếu bây giờ ta có thái độ trọng thị các vong hồn trong cõi đó thì sau này khi về cõi đó, ta cũng sẽ được trọng thị xứng đáng vậy.

  Nguồn: Nền tảng đạo đức – Đạo đức, 107: Lễ hội ma.

Thiền Tôn Phật Quang.