Hòa thượng Thích Giác Toàn nói về việc phục dựng Di tích đắc đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang
Di tích đắc đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang tại Mũi Nai, Hà Tiên (Kiên Giang) – Ảnh: Pháp Đăng
Tròn 2 năm khởi công, “Di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang” tại Mũi Nai, Hà Tiên đã được xây dựng hoàn thiện, trang nghiêm.
Bài trên Báo Giác Ngộ
Sau nhiều năm chờ đợi giấy phép xây dựng, ngày 26-9-Canh Tý (2020), được sự chấp thuận của chư tôn đức lãnh đạo các cấp Giáo hội cũng như chính quyền tỉnh Kiên Giang và TP.Hà Tiên, Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ làm lễ đặt đá phục dựng “Di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang”. Tròn 2 năm khởi công, đến nay di tích đã được xây dựng hoàn thiện, trang nghiêm.
Nhân kỷ niệm “ngày hiện thân vào đời” lần thứ 99 của Tổ sư Minh Đăng Quang (26-9-Quý Hợi 1923 – 26-9-Nhâm Dần 2022), Hệ phái Khất sĩ trọng thể tổ chức khánh thành Di tích đắc đạo của Tổ sư. Dịp này,Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ đã dành cho báo Giác Ngộ cuộc trò chuyện. Nói về nhân duyên phục dựng di tích quan trọng của vị Tổ sư khai sáng Hệ phái Khất sĩ, Hòa thượng cho biết:
Hòa thượng Thích Giác Toàn – Ảnh: Bảo Toàn |
– Khoảng thời gian từ cuối năm 1943 đến đầu năm 1944, trong những ngày đầu khai mở giáo phái, Tổ sư Minh Đăng Quang có nhân duyên về tịnh tu tại Mũi Nai – Hà Tiên, nay còn dấu tích nơi Tổ sư ngồi tu thiền định. Trong quyển Minh Đăng Quang pháp giáo xuất bản năm 1962 có ghi nhận việc này. Vì thế, đối với Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ, đây là dấu ấn lịch sử rất quan trọng và thiêng liêng.
Do vậy, tháng 11 năm 2014, tôi thay mặt Hệ phái Khất sĩ lập hồ sơ, thủ tục xin phép và được chư tôn đức Giáo hội, quý cơ quan lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và TP.Hà Tiên cho phép khôi phục, tôn tạo di tích vào ngày 11-11-2020. Sau ngày đặt đá, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng bằng tinh thần hiếu đạo, hiếu hạnh với Tổ Thầy, chúng tôi đã cố gắng đảm bảo việc xây dựng được diễn ra theo tiến độ, kịp hoàn thành công trình đúng vào ngày “sinh trưởng vào đời” của Tổ sư.
Đây không chỉ là một sự kiện thiêng liêng, mà còn là niềm hạnh phúc lớn đối với tứ chúng đệ tử của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ trong nước và hải ngoại khi dấu ấn biển núi tâm linh (cạnh bờ biển) hơn 70 năm trước Tổ sư ngồi tu thiền định đã được phục dựng hoàn thiện.
* Xin Hòa thượng cho biết công trình tôn tạo phục dựng Di tích đắc đạo Tổ sư có ý nghĩa như thế nào đối với Tăng Ni, tín đồ Hệ phái Khất sĩ?
– Mục đích của việc phục dựng di tích là để dâng lên cúng dường, tưởng niệm ân đức Tam bảo và Đức Tổ sư khai lập Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, nay là Hệ phái Khất sĩ – thành viên sáng lập GHPGVN. Bên cạnh đó, Hệ phái chủ trương khôi phục di tích nhằm lưu lại kỷ niệm nơi vị Tổ sư – bậc khai tông giáo pháp Khất sĩ chứng ngộ lý pháp “Thuyền Bát-nhã” ngược dòng đời cứu độ chúng sanh. Sự kiện bừng ngộ chơn tâm này đúng vào ngày trăng tròn tháng 2 năm Giáp Thân (1944).
Nhà thơ Trụ Vũ đã nhắc đến sự kiện này ở phần thi hóa tiểu sử Tổ sư: “Kiết-già trên đỉnh xanh khơi. Quanh đầu hạnh, tỏa ngời ngời triêu dương. Chân tâm, chiếu kiến tỏ tường. Bản lai diện mục sáng gương trăng rằm”. Ngoài ra, di tích này còn mang ý nghĩa là địa điểm tâm linh lý tưởng cho khách thập phương ghé thăm chiêm bái, vừa mang tính thiêng liêng, vừa chuyển tải mạnh mẽ và sống động đạo lý “uống nước nhớ nguồn” nuôi dưỡng tâm hồn của những người hữu duyên.
* Bạch Hòa thượng, điểm nhấn của công trình này là gì? Ngoài ra, mô hình xây dựng tại đây có gì khác biệt so với kiến trúc đặc thù của các tịnh xá Khất sĩ?
– Điểm nhấn của công trình kiến trúc tại đây chính là nơi ghi nhận dấu tích một thời của một vị chân sư chứng đạo. Từ đó, ngài dấn thân hoằng hóa độ sanh mà vạch xuất phát lại là ghềnh đá Mũi Nai – Hà Tiên. Dấu tích nơi Tổ sư ngồi tu thiền định thuở xưa cạnh bờ biển, với triền núi trải dài, do vậy, khi tôn tạo di tích tôi đã cho xây dựng bức tường chắn vách núi để khắc họa tiểu sử Tổ sư và tiểu sử thi hóa, cùng các bài tưởng niệm Tổ sư vắng bóng v.v… bằng chữ đồng.
Mặt khác, diện tích và độ cao xây dựng hạn chế nên chánh điện được xây dựng với mô hình tứ giác, bên trong là tháp gỗ 13 tầng thờ Đức Phật Thích Ca, hai bức tường phía trước là những bức ảnh liên hệ đến cuộc đời và đạo nghiệp Tổ sư; mặt hậu di tích tôn trí bức tượng Tổ sư ngọa thiền (ở giữa), hai tòa lục giác (hai bên) tôn trí tượng Tổ sư đứng.
Bên cạnh đó, Di tích đắc đạo sẽ là điểm nhấn của phong cách kiến trúc hài hòa giữa con người và thiên nhiên, như một cành hoa đạo lý tô điểm cho tình làng nghĩa xóm địa phương, như một nét chạm trổ tinh tế nơi cảnh trí hồn thiêng sông núi, góp phần vào không gian văn hóa tâm linh xứ sở Hà Tiên, tô bồi cho non sông nước Việt thêm màu đạo đức thanh lương.
* Được biết, di tích trên mang đậm dấu ấn về cuộc đời tu hành đắc đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang. Do vậy, Hệ phái Khất sĩ có kế hoạch gì nhằm giúp Tăng Ni, Phật tử thế hệ hậu học có được nền tảng lịch sử Tổ thầy và sơn môn pháp phái?
– Dự kiến sau khánh thành, mỗi năm các giáo đoàn sẽ về di tích luân phiên tổ chức khóa tu thiền cho Tăng Ni, Phật tử từ một tuần đến mười ngày. Đối với những người con trong ngôi nhà Khất sĩ thì Di tích đắc đạo có công năng trị liệu và chuyển hóa tâm hồn, góp phần giúp người tu cân bằng giữa vật chất và tinh thần, giữa náo động và tĩnh tại.
Việc tổ chức khóa tu tại đây, một mặt để giữ gìn mạch sống thiêng liêng, duy trì giềng mối Phật pháp; một mặt củng cố nội lực Tăng đoàn Hệ phái Khất sĩ, thắp sáng ngọn đèn Chơn lý. Chính không gian trầm mặc và tĩnh lặng của vùng biển núi tâm linh sẽ là môi trường cộng tu lý tưởng, vừa giúp cho thế hệ hậu học quán chiếu tự thân, vừa được các vị giáo thọ trau dồi thêm kiến thức về gia tài Pháp bảo, cũng như hành trạng của Tổ sư và các Đức Thầy.
Tôn tượng Tổ sư trì bình khất thực – Ảnh: Pháp Đăng |
“Hôm nay mình được vẻ vang, nhớ ơn Thầy Tổ gian nan buổi đầu”, những người thọ ơn giáo dưỡng trên lộ trình giải thoát trong tông môn Khất sĩ phải luôn tâm niệm điều này, bởi đó là sự tri ân, nhớ ân; là sự tiếp nối, kế thừa những di sản cao quý mà Tổ sư để lại và cũng là điều mà chư tôn đức giáo phẩm Hệ phái mong mỏi nơi Tăng Ni, Phật tử thế hệ tân học.
* Để bày tỏ tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, tính đến thời điểm này, Hệ phái Khất sĩ đã xây dựng hoàn thiện các di tích liên hệ đến cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư. Do vậy, công tác bảo trì, bảo tồn các di tích trên sẽ được Hệ phái vận hành theo phương thức nào?
– Có thể nói, bốn di tích lịch sử gắn liền đến cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang hiện được chư tôn đức giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ xây dựng hoàn thành, đó là: (1) Tổ đình Minh Đăng Quang (Tam Bình, Vĩnh Long) – Nơi sinh trưởng Tổ sư; (2) Di tích hoằng pháp độ sanh – tịnh xá Mộc Chơn (Phú Mỹ, Tiền Giang); (3) Tổ đình tịnh xá Ngọc Viên (Xóm Chài, TP.Vĩnh Long) – Nơi đánh dấu Tổ sư vắng bóng; (4) Di tích đắc đạo tại Mũi Nai – Hà Tiên này.
Việc kiến thiết xây dựng đã thực hiện xong, vấn đề còn lại là công tác bảo trì, bảo tồn các di tích cũng được chư tôn đức đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Do vậy, tại Di tích đắc đạo này, chúng tôi chủ trương thành lập Ban Quản lý để Phật sự được vận hành suôn sẻ, đáp ứng như cầu tu – học của tứ chúng.
Dịp khánh thành này, Hệ phái sẽ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Công tác phát huy Pháp bảo và bảo tồn các di vật, di tích liên hệ đến cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang”, qua đó xây dựng một tiêu chuẩn nhất định trong việc đánh giá, định hướng giữ gìn các di vật của Tổ sư, đồng thời thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng và phát triển các di tích liên hệ trên sao cho hài hòa, phù hợp với kiến trúc văn hóa của Phật giáo Khất sĩ, Phật giáo Việt Nam.
* Chân thành cảm ơn Hòa thượng!