Hòa thượng Thích Gia Quang nói về đặc trưng tu tập của Phật giáo Khất sĩ Việt Nam

“Đường hướng tu tập mà Tổ sư vạch ra cho hành giả thực hành để đạt đến sự giải thoát không ngoài các điều mà chư Phật ba đời thực hiện”, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin – Truyền thông T.Ư, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội nói.

 

Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo khoa học “Hệ phái Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, lịch sử truyền thừa và những đóng góp”, diễn ra sáng 5-11, tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, P.An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM), Hòa thượng Thích Gia Quang khẳng định, dù Phật giáo Khất sĩ ra đời và phát triển mới gần 80 năm nhưng đã gây dựng được một hệ thống tổ chức khá đồ sộ từ Tăng số đến số lượng tịnh xá ở trong và ngoài nước.

Theo Hòa thượng, thông qua bộ Chơn lý, có thể rút ra đặc trưng trong tu tập mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã hướng dẫn cho hàng đệ tử, gồm 4 điểm.

Cụ thể, Tổ sư Minh Đăng Quang đã chọn giáo lý Trung đạo, hành trì tứ y pháp làm nền tảng cho sự tu tập; thứ hai là hạnh trì bình khất thực. Thứ ba ngài khuyến tấn chư Tăng Ni hãy cùng nhau sống chung tu học, để cùng bảo vệ, tôn trọng và giúp đỡ, cùng dắt dìu nhau tu sửa thân tâm, buông bỏ chấp ngã, diệt trừ cái ta ích kỷ nhỏ hẹp. Và, cuối cùng là tu tập nhiếp phục, thanh lọc thân, khẩu, ý cho trong sạch.

 

Hòa thượng Thích Gia Quang phát biểu tại hội thảo

Hòa thượng Thích Gia Quang phát biểu tại hội thảo

Hòa thượng Trưởng ban Thông tin – Truyền thông Trung ương nhận định, Tổ sư Minh Đăng Quang là tấm gương sáng lưu truyền cho hậu thế soi chung để rồi mỗi người nhất là hàng đệ tử của Tổ sư đều tự phát nguyện dũng mãnh, tiến bước theo chân ngài tu tập và hành đạo, để đi đến chân trời giác ngộ, giải thoát.

“Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, với tuổi đời còn rất trẻ nhưng Tổ sư đã lập nên một sự nghiệp đạo pháp như vậy, quả là phi thường và hy hữu! Cuộc đời, công hạnh tu tập, tư tưởng cũng như bước đường hành đạo của Tổ sư thật là kiệt xuất!”, Hòa thượng nhấn mạnh.

Được biết, Hội thảo “Hệ phái Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, lịch sử truyền thừa và những đóng góp” là một trong những sự kiện trong hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đức Tổ sư Minh Đăng Quang diễn ra từ ngày 4 đến 10-11-2023 (nhằm ngày 21 tới 27-9-Quý Mão), tại Pháp viện Minh Đăng Quang.

Với chủ đề trên, Ban Tổ chức đã đón nhận trên 170 bài tham luận, chia làm 4 nhóm chủ đề (4 diễn đàn) để cùng thảo luận, làm sáng tỏ tư tưởng Phật học, lịch sử truyền thừa và những đóng góp của Hệ phái Khất sĩ đối với Đạo pháp và Dân tộc.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Trong suốt những ngày diễn ra Đại lễ còn có tọa đàm nội bộ, chủ đề “Nhìn lại các thành tựu và những biến thể của Phật giáo Khất sĩ ngày nay”; lễ ký kết giữa Hệ phái Khất sĩ với Ban Văn hóa Trung ương về thực hiện 4 đề án; lễ trao học bổng cho Tăng Ni sinh Khất sĩ của Quỹ Pháp học Khất sĩ.

Đặc biệt, còn có các khóa lễ cầu nguyện, tưởng niệm, trùng tụng Chơn lý; thi trắc nghiệm về cuộc đời, tư tưởng của Tổ sư Minh Đăng Quang và lịch sử Phật giáo Khất sĩ; pháp thoại, từ thiện, lễ hội hoa đăng tưởng niệm Tổ sư và các Pháp tử của ngài; tái hiện trì bình khất thực truyền thống, cầu nguyện âm siêu dương thái; hành hương chiêm bái các thắng tích Phật giáo Khất sĩ…

Đại biểu dự Hội thảo

Đại biểu dự Hội thảo

Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn. Ngài sinh lúc 10 giờ tối ngày 26 tháng 9 năm Quý Hợi (1923) tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Có duyên lành Phật pháp từ nhỏ, ngài trải qua quá trình tu hành và chứng đạo. Đầu năm 1948, nhân duyên hội đủ, Tổ sư khởi phát chuyến du hành đầu tiên do ngài hướng dẫn, có hơn 20 Tăng Ni trực chỉ vùng Sài Gòn, Gia Định – Chợ Lớn. Từ đó, gót chân hành đạo của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang rộng lần ra từ phạm vi làng này sang làng khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Ngài phát nguyện “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp”, noi gương Phật Tăng xưa sống đời phạm hạnh giải thoát. Trong những buổi thuyết pháp, ngài luôn kêu gọi tăng đồ trở về với giới luật “nên tập sống chung tu học”. Ngài kêu gọi nhân loại hãy thương yêu nhau, “không tự lấy để trừ tham, không tự làm để tránh ác”. Những thời pháp của ngài còn ghi lại trong bộ Chơn lý (gồm sáu mươi chín tiểu luận). Ngài đã khéo léo dung hợp tư tưởng giáo lý, đưa ra con đường trung đạo giúp cho mọi tầng lớp trong xã hội nhận chân giá trị của Đạo Phật.

Ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954), ngài rời tịnh xá Ngọc Quang (Sa Đéc) đi với một vị sư già và một chú điệu qua tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long), rồi qua tiếp Cần Thơ. Nhưng khi đến Cái Vồn (Bình Minh, Vĩnh Long) thì bị một số người ngoại đạo bắt đi biệt tích. Trước đó, Tổ sư có từ giã đệ tử để đi tu tịnh tại núi “Lửa” một thời gian. Bấy giờ đệ tử mới biết rõ ra lời nói của ngài đi tu tịnh núi “Lửa” chính là lời cảm nhận mầu nhiệm của Tổ sư.

Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư kiến lập là một trong 9 tổ chức, hệ phái thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có nhiều đóng góp cho Đạo pháp, Dân tộc, trong tinh thần “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

Lưu Đình Long