Hoa sen nở rộ
Hàng ngày đi làm, con ngang qua một đầm sen, vốn trước kia là một vùng đất trũng nằm giữa khu dân cư, cỏ mọc um tùm. Bỗng một ngày, người ta phát quang hết cỏ dại, cải tạo lại đất.
Rồi một ngày, ở một góc của khoảng đất sình lầy ấy, mọc lên những chiếc lá sen đầu tiên. Rồi những búp sen dần nhú ra khỏi mặt nước để đón nắng mặt trời và bung nở sắc hồng tươi thắm.
Chỉ sau vài tuần, khu đất rậm rạp trước kia trở thành một đầm sen đầy hương sắc, níu giữ những ánh mắt vội vã trên con đường tấp nập mỗi sớm mai.
Một hồ sen đã nở giữa lòng thành thị xô bồ. Thật thanh tịnh và bình yên.
Con chợt nhớ sao những ngày mẹ mang về bó ngó sen đặt trong chiếc thúng, như món quà nho nhỏ sau một ngày mẹ dầm mưa dãi nắng trên cánh đồng. Con nhớ vị ngọt mát thanh khiết của củ sen mới lấy dưới hồ, anh họ chăn trâu về ghé sang đưa cho. Con nhớ cả sự háo hức chờ đợi khi hái những bông hoa sen mới nở, rồi bỏ một nắm trà vào bên trong, cẩn thận buộc lại. Hôm sau, trà đã ướp trong sen được lấy ra, ủ trong ấm nước nóng, mùi hương từ trà sen chỉ ngửi thôi đã thấy thật dễ chịu, nhẹ nhõm. Và những chiếc lá sen được biến thành ô che nắng che mưa cho tụi trẻ con giàu trí tưởng tượng.
Dường như, hoa sen đã thấm đẫm vào tuổi thơ của chúng con, thấm đẫm vào trong đời sống sinh hoạt, văn hóa của người Việt Nam.
Nhưng, hoa sen đâu chỉ có vậy.
“Vươn mình tươi thắm đóa hồng sen
Dẫu chịu bùn tanh chẳng lụy hèn
Sống cõi vàng thau đầy cặn bã
Nhưng lòng trắng bạch khó nhơ đen.
Mang màu quyến rũ nơi đầm nước
Giữ nét uy nghiêm dưới tháp đèn
Nắng đội mưa dầm thân ngạo nghễ
Hương lồng theo gió tiếng đời khen”. (1)
Chính khí chất thanh cao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” ấy đã khiến hoa sen được coi là quân tử của các loài hoa, và trở thành một trong tám biểu tượng của Phật giáo.
Đức Phật đã dùng hình tượng hoa sen để làm lời dạy các đệ tử:
“Như giữa đống rác nhớp
Quăng bỏ trên đường lớn
Chỗ ấy hoa sen nở
Thơm sạch, đẹp ý người
Cũng vậy giữa quần sanh
Uế nhiễm, mù, phàm tục
Ðệ tử bậc Chánh Giác
Sáng ngời với Tuệ Trí.” (2)
Đó là bài học lớn từ hoa sen, ở trong đời mà không nhiễm thói đời, ngược lại phải luôn nỗ lực tu học rèn luyện, để đạt tuệ trí sáng ngời để vượt lên cứu mình, cứu người.
Khi chưa hiểu Đạo Phật, con vẫn thường đến chùa cầu xin Phật điều này điều kia, coi Phật như một ông thần có quyền năng ban phước giáng họa. Sau này có duyên lành trở thành Phật tử, con mới hiểu rằng, Ngài cũng là một con người bằng xương bằng thịt như chúng ta, nhưng đã dùng trí tuệ vượt lên trên mọi ái nhiễm, ràng buộc để trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, bậc thầy của trời và người.
Cách đây 2566 năm, khi Phật thành đạo dưới cội cây Bồ Đề, một đóa hoa sen thanh cao, ngời sáng nhất đã xuất hiện nơi cõi thế gian này. Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, đã có biết bao những đóa sen nương nơi mạch nguồn ấy, nối tiếp, bừng nở, đem đạo lý giác ngộ, giải thoát vào trong cuộc đời.
Như Hòa thượng Thích Thanh Từ đã viết về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông: “Hai ngài là hai mầm sen chôn sâu trong vũng bùn ngũ dục, vươn lên khỏi nước nở tròn tươi thắm và tỏa ra mùi hương tinh anh thanh khiết bủa khắp cả trần gian”.(3)
Và mỗi chúng con cũng đang là những mầm sen còn ẩn tàng trong bùn, trong nước. “Đã là mầm sen thì mầm sen nào cũng có khả năng vươn lên khỏi bùn, khỏi nước và trổ hoa tươi thắm hương thơm ngào ngạt. Đã là con người thì con người nào cũng có khả năng thoát khỏi dục lạc ô nhiễm, thức tỉnh tu hành và đạt thành đạo quả”.(3)
Dù có thể hiện tại, mỗi chúng con thật quá tầm thường, nhỏ bé. Nhưng “những cánh bướm bé nhỏ rung động mong manh cũng có thể tạo nên những trận cuồng phong mãnh liệt thức tỉnh mọi người”.(4)
Cũng giống như hồ sen kia. Ban đầu chỉ là một vùng đất trũng, cỏ mọc um tùm, người ta phát quang hết cỏ dại, cải tạo lại đất. Rồi một ngày, những chiếc lá sen đầu tiên mọc lên ở góc hồ. Lại một ngày, đóa sen đầu tiên bung nở. Rồi dần dần, chúng lan ra khắp hồ. Cái đầm lầy ngày nào biến thành một hồ sen nở rộ đầy hương sắc.
“Tạ ơn Phật đã mang về chân lý
Đưa từ bi, soi ánh sáng vào đời
Một đóa sen thay nghìn lời như thế
Cõi Ta Bà, con bớt thấy lẻ loi”(5)
Chú thích:
(1): Khuyết danh
(2): Pháp cú 58-59.
(2): Bước đầu học Phật – Hòa thượng Thích Thanh Từ.
(3): Muôn kiếp nhân sinh 1 – Nguyên Phong.
(5): Tạ ơn – Thượng tọa Thích Chân Quang.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Phạm Thị Nhung; địa chỉ: Chung cư Flora Fuji, đường D1, Phường Phước Long B, Thành phố Thủ Đức, Hồ Chí Minh.
Thoại Ngọc