Hóa giải nỗi sợ bằng cách nào?
Nhưng cũng có người không sợ điện như thợ sửa điện, do họ hiểu được sự vận hành của nó; hoặc có những đầu bếp kêu vào bếp là niềm vui của họ; hoặc những thợ lặn hay tay bơi lội thì ra biển họ không sợ; hoặc số người chinh phục độ cao thì lên càng cao họ càng hứng thú. Qua đó cho ta thấy một điều: nỗi sợ hãi chỉ xảy ra khi chúng ta không hiểu rõ về một vấn đề nào đó một cách chi tiết và cụ thể. Nếu chúng ta hiểu rõ mọi quy luật thì sự sợ hãi sẽ biến mất.
Có hai thứ mà ta sợ nhất đó chính là sợ mất người thân và sợ mình chết. Chúng ta sợ mất người thân vì chúng ta không thấu hiểu được đó là quy luật tự nhiên của kiếp người, có sanh phải có mất, không sớm thì muộn. Chúng ta không thấy được quy luật nhân duyên, còn duyên thì ở hết duyên thì đi. Còn mình sợ chết là do bản thân mình không biết đi về đâu. Cái kế tiếp là không thấy cái chết chỉ là sự tiếp nối của vòng luân hồi. Nếu trong kiếp này nhìn lại chúng ta chỉ làm toàn việc thiện thì hà tất gì phải sợ, hãy nghĩ rằng cái chết đến chỉ là thay cái áo cũ để mặc cái áo mới tốt và đẹp hơn thôi.
Chết không phải là hết nhưng muốn có cái chết đẹp và tái sinh vào cõi tốt lành thì nguyên lý chúng ta cũng phải nắm cho kỹ những nguyên tắc như suy nghĩ, hành động, nói năng thiện lành, chăm làm các việc thiện thì sự sợ hãi sẽ biến mất.
Trong bài kinh “Sợ hãi và khiếp đảm” Đức Phật cũng chỉ dạy cách nhiếp phục sợ hãi như trên. Cho nên trong cuộc sống này chúng ta còn sợ hãi cái gì thì đồng nghĩa chúng ta thiếu kiến thức về nó, hãy trang bị để đối diện nó và nhiếp phục nó vậy.