Hoá giải hận thù từ bi yêu thương, chánh hạnh hưởng lạc đời này và đời sau

Bất kể ai đến với tôi đều có duyên với tôi, duyên ân tình, hoặc duyên oán hận. Nếu chư vị đến với tôi vì nghĩa ân tình (bà con, người thân từ kiếp trước) thời xin đừng làm cho tôi sợ hãi, lo âu, và hãy vì tôi làm những việc tốt lành, an tâm cho tôi, thời cả hai đều được lợi lạc.

Nếu chư vi đến đây vì oán hận tôi, do những kiếp sống trước hay trong quá khứ ở đời hiện tại, tôi vì vô tình hoặc không hiểu biết (vô minh) gây khổ đau cho quý vị, thời tôi xin thành tâm sám hối, và từ đây phát tâm thực hành những công đức lành để hồi hướng cho chư vị. Xin chư vi thương tình bỏ qua cho những lỗi lầm mà tôi do vô minh hay vô tình gây ra, làm cho chư vi chịu nhiều khổ đau. Kể từ nay, chúng ta kết duyên lành trở thành bạn bè, thân hữu cùng nhau vun bồi cội phước để hiện đời được an ổn, tương lai tái sanh vào cảnh giới thù thắng hơn.

Nam Mô A Di Đà Phật 

Đức Phật có dạy:

Lấy hận diệt hận thù

Đời này không có được

Không hận diệt hận thù

Là định luật ngàn thu”

(Kinh Tiểu Bộ. Pháp cú số 5)

Vì thế, chúng mình hãy xóa bỏ thù hận, cùng nhau trở thành thân hữu, bạn bè để cuộc sống hiện đời được an bình, tương lai được tươi sáng hơn.

Nếu quý vị không chịu bỏ qua, và tiếp tục gây khổ đau cho tôi, thời tôi cũng không oán hận chư vị vì tôi hiểu nợ có vay có trả, do kiếp trước tôi làm chuyện quấy xấu với quý vị. Tuy nhiên, khi một người thành tâm nhận biết lỗi lầm, thành tâm sám hối mà không được quý vị lượng tình tha thứ, mà tiếp tục quấy rối tinh thần và thể chất tôi, gây nguy hại cho tôi, là ác hạnh, bất thiện hành. Dẫu tôi không oán hận nhưng hành động xấu ác của chư vị phải chịu hậu quả do luật nhân quả tự nhiên vốn vậy, và nói đúng hơn do chúng sanh thừa tự nghiệp (nghiệp thiện, hay bất thiện do mình làm) như lời dạy của Đức Phật trong Tăng Chi Bộ Kinh như sau: “Ta là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là thai tạng của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ quy hướng của nghiệp; phàm nghiệp gì ta sẽ làm, thiện hay ác ta sẽ thừa tự nghiệp ấy.” (Tăng Chi Bộ Kinh. Chương Mười Pháp. V. Phẩm Mắng Nhiếc.(VIII) (48) Các)

Khi chư vị oán hận là tâm hướng tà, chắc phải chịu khổ đau như lời Phật dạy, được ghi lại trong Thánh Điển Pali trong Kinh Pháp Cú, Kinh Tiểu Bộ, Pháp Cú 42:

Oan gia hại oan

Kẻ thù hại kẻ thù

Không bằng tâm hướng tà

Gây ác cho tự thân.

Khi chư vị có ác tâm gây khổ đau cho người, đặc biệt là người nhận lỗi và sám hối (Thế Tôn dạy: Có hai hạng người đáng quý và khó gặp ở đời : Người không bao giờ phạm lỗi; và người gây ra lỗi lầm, biết nhận lối, sám hối và không tái phạm nữa), thời ác nghiệp của chư vị càng nặng nề thêm. Hiện chư vi do đời trước làm ác, mới thọ thân dạ xoa, ngạ quỷ kém phước báu, nay lại còn gây nghiệp tội, thời nghiệp xấu của chư vị càng nặng nề hơn, tức là chư vị đi từ tối tăm này đến tối tăm hơn, tương lai sẽ tái sanh vào cảnh giới kém cõi hơn, có thể địa ngục hoặc ngạ quỷ kém phước báu hơn nữa, hay bàng sanh…

Đấng Thiện Thệ, Thiên Nhân Sư dạy rằng:

Ác hành không nên làm,

Làm xong, chịu khổ lụy

Thiện hành ắt nên làm

Làm xong, không ăn năn”

(Pháp Cú 314. Tiểu Bộ Kinh _Khuddhaka Nikàya)

Tốt đẹp và khả hỷ nhất là xóa bỏ hận thù để được an lạc trong hiện tại, đời vị lai tái sanh vào thiện thú: cõi trời hay loài người, như lời dạy của Bậc Ứng Cúng, Bậc Tuệ Tri mọi pháp, Bậc Toàn Thiện, Toàn Giác:

Giận sẽ nguôi ngoai và hài hòa chung sống

Xóa căm hờn đâu phải bởi căm hờn

Xóa căm hờn chính là bởi yêu thương

Luật niên trường cho ta niềm hỷ lạc.

(Tiểu Bộ Kinh. Tiền Thân số 371)

Vì thế, hãy làm theo Chơn Chánh Pháp Vi Diệu, Chơn Ngôn của Bậc Chánh Đẳng Giác (Khó thay nghe Diệu Pháp, Khó thay, Phật ra đời), thời sẽ bớt khổ đau, bớt phiền muộn, và sống hiền, sống hỷ, sống chan hòa trong niềm hỷ lạc yêu thương.

Nói chung quy lại chúng ta nên sống theo Chánh Hạnh (yêu thương, tha thứ, không làm hại ai), không sống theo Tà Hạnh (gây đau khổ, gây oán hờn, hận thù, gây hoang mang, gây lo sợ cho người) bằng cách hành theo lời Phật dạy, như được ghi lại trong Pháp Cú 169, Thánh Điển Pali như sau:

Hãy khéo sống chánh hạnh

Chớ sống theo tà hạnh

Người Chánh hạnh hưởng lạc

Cả đời này, đời sau.

Mong chúc chư vị và mọi loài sống an lành, hạnh phúc.

Tâm Tịnh