Hình tướng bên ngoài hay tâm địa bên trong?
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Từ Phụ đã khẳng định với tứ chúng rằng: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp nói năng hoặc hành động, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe.”
Lời Phật dạy thật đơn giản, nhưng rõ ràng và đầy đủ. Người con Phật không còn gì nữa để mà nghi nan hay vấn đáp. Lời dạy ấy đã trả lời thẳng cho câu hỏi: “Hình tướng bên ngoài hay tâm địa bên trong?” Trước khi nhập diệt, Đức Thế Tôn lại một lần nữa nhắn nhủ tứ chúng rằng: “Sở dĩ ta không muốn chỉ định bất cứ ai làm người truyền thừa là vì ta muốn rằng trong bất cứ tình huống nào, người tu theo Phật cũng nên luôn nhớ một điều: y pháp bất y nhân.” Lại một lần nữa Thế Tôn dùng chỉ một cụm từ năm chữ, nhưng chứa cả một triết lý sống tu thực tiển. Suốt dòng thời gian hành đạo bốn mươi chín năm của Đức Phật, Ngài luôn chỉ dạy cho chúng đệ tử những cái rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày như đi đứng nằm ngồi, vân vân.
Tuy nhiên, Ngài khẳng định oai nghi tế hạnh không có nghĩa là gò bó hay trau chuốc cho dáng vẻ bên ngoài, mà oai nghi tế hạnh phải toát ra từ phạm hạnh bên trong. Những lời vàng ngọc của Thế Tôn mới hôm nào đây hãy còn vang vọng thế mà hôm nay có lắm kẻ vừa mới biết phần nào giáo lý đã tưởng mình siêu đẳng, đi ngược lại với những lời Phật dạy, chỉ ngày ngày trau chuốc cho hình tướng bên ngoài cho oai nghi bệ vệ mà quên hẳn tâm mình đang chất chứa đầy những rác rưởi của thường tình thế tục. Chúng sanh trong cõi Ta Bà mang thân nghiệp khác nhau, nên hình tướng bên ngoài cũng khác nhau. Tuy nhiên, tâm vẫn làm chủ tất cả, tâm tạo tác, tâm gây nghiệp thiện ác. Trong trạng thái giải thoát của tâm, không có chỗ đứng cho hình tướng bên ngoài. Dù bề ngoài có “đầu tròn áo vuông” mà không chịu sống tu theo “tam thường bất túc” (ăn, mặc, ngủ nghỉ không được sung túc) thì những con người ấy vẫn còn tham dục tràn đầy.
Ăn là để sống để tu chứ không phải để khoái khẩu; mặc làm sao cho đủ ấm chứ không phải cho đẹp cho sang nên cần chi quần là áo lụa; ngủ nghỉ để có sức khỏe sống tu nên cần chi chăn êm nệm ấm… Kỳ thật có sống được trong “tam thường bất túc” thì nội tâm chúng ta mới thao thức về sự giải thoát của mình và của người. Dù xuất gia hay tại gia, người con Phật chơn thuần nên luôn nhớ rằng hình tướng bên ngoài không giúp chúng ta giải thoát, chỉ có tâm địa bên trong mới có khả năng đưa chúng ta đi xuống hay đi lên mà thôi. Chính vì thế mà Đức Phật thường dạy trong các kinh điển của Ngài: “Đệ tử Phật, dù xuất gia hay tại gia, phải tu hành tinh tấn, thượng cầu Bồ Đề, hạ hóa chúng sanh, phải buông bỏ danh lợi, phải ngày đêm nhớ luật vô thường, phải nắm lý vô ngã, phải cần tu như lửa đốt đầu, luôn sống thanh tịnh, hòa hợp, phải luôn giúp người hướng thượng, phải tự lợi lợi tha, phải tự giác, giác tha rồi đi đến giác hạnh viên mãn”
Dù bề ngoài uy nghi bệ vệ mà tâm địa xấu xa ô nhiễm, mục hạ vô nhân, bươi móc lỗi người, ngã mạn cống cao, luôn so sánh phân biệt, luôn mang thành kiến định kiến, luôn đố kỵ ganh ghét, luôn tham lam bỏn xẻn… thì cái uy nghi bệ vệ đó chỉ là phong thái của loài ma trơi không hơn không kém. Người Phật tử chơn thuần phải luôn nhớ rằng: “nước biển chỉ thuần một vị mặn và giáo pháp Như Lai chỉ thuần một vị giải thoát.” Tuy nhiên, giáo pháp nầy chỉ giúp cho con nguời giải thoát nếu con người ấy biết quay vào bên trong để gột rửa, để phản quang tự kỷ hay để tu tâm dưỡng tánh. Giáo pháp nầy chẳng có ích lợi gì cho những kẻ hướng ngoại cầu hình, hay những kẻ chỉ biết ngày ngày trau tria bồi bổ cho cái thân nầy. Cũng như vậy, giáo pháp nầy chẳng giúp ích gì được cho những kẻ học kinh nhằm thỏa mãn óc tò mò, những kẻ lượm lặt được dăm ba mớ kiến thức trong nhà thiền rồi đem ra nhàn đàm hý luận chứ không chịu tu hành.
Hãy luôn quán sát tự tâm từng giờ từng phút từ ý nghĩ, lời nói đến hành động. Ba đời chư Phật và chúng sanh không sai khác, ngặt nỗi chúng ta bị tập khí làm mờ ám và ngoại cảnh giao duyên khiến tự tánh đã mờ càng mờ thêm. Chúng ta mang danh Phật tử nhưng ít ai chịu nhìn thẳng vào những lời Phật dạy. Phật và chư Thánh Tăng ngày xưa nào có để ý gì đến hình tướng bên ngoài, nào có thờ cúng lễ bái thần quyền. Hơn nữa chính Đức Phật đã dạy rõ ràng trong các kinh điển của Ngài rằng về phần tâm linh thì chúng sanh và Phật đều bình đẳng như nhau, về cuộc sống thực ngoài đời thì không có giai cấp khi máu của chúng sanh đều đỏ như nhau. Như vậy ai có quyền bắt ai phải thờ cúng hay lễ lạy mình?
Chúng ta, hàng Phật tử hậu bối, sở dĩ lễ kính chư Phật là để tỏ lòng biết ơn các Ngài đã vì thương xót chúng sanh mà thị hiện, ban cho chúng ta giáo pháp tuyệt vời, lễ bái là để tự nguyện noi theo gương các Ngài mà tu tập cho thành Phật như các Ngài, chứ đâu phải u mê chạy theo hình tướng bề ngoài, dù là hình tướng của các Ngài đi nữa cũng chỉ là những thứ huyễn giả chứ có gì đâu mà chúng ta chạy theo? Phật tử chơn thuần hôm nay quyết dùng trí dũng của người con Phật để phá tan bóng tối vô minh đã xô đẩy chúng sanh vào chỗ mê tín theo những tập tục quái dị và không cần thiết cho cuộc sống cuộc tu của chính mình.
Thiện Phúc