Hiểu thế nào về bản năng
Mong Sư Ông, chư Tăng và quý Đạo hữu được trọn thành Phật Đạo!
Câu hỏi:
Con kính bạch trên Sư Ông,
Ở dưới đây con thấy có một vị nói rằng: “Khi trở về chính mình thì con khám phá ra bản năng sẵn có rất tuyệt vời thầy ạ…”. Như con đọc trong đoạn chia sẻ đó thì vị này đã hiểu và hành đúng (từ “thận trọng” cũng rất đúng), con không dám có ý kiến gì về việc thực hành Giáo Pháp của vị ấy; song con chỉ muốn lưu ý đôi chút về vấn đề ngôn từ. Số là con đã suy ngẫm nhiều để phân biệt rõ “Tùy duyên thuận pháp” với “phản xạ theo bản năng”. “Bản năng”, theo như con hiểu, là hành vi có tính phản xạ đã được huân tập do vô minh từ vô thỉ kiếp (kinh sách), do thói quen (Krishnamurti) hoặc là do “cơ chế sinh tồn” của người tiền sử đối diện với các nguy hiểm, thú dữ,… trong sinh hoạt hằng ngày. “Bản năng” này đã được di truyền đến người ngày nay và vẫn có ích trong nhiều khía cạnh của đời sống, chủ yếu là việc tự vệ, song nếu để mình bị đánh đồng với bản năng thì lại là không tốt. Mà dường như là đánh đồng với lý trí, bản năng, hay cảm xúc đều là có hại vậy.
Con ví dụ là nếu lắng nghe đúng nhu cầu của cơ thể, thì chỉ ăn vừa đủ, mà có chất lượng, nhưng nếu bị phản xạ theo bản năng thì cứ lên cơn thèm là ăn… thành ra bị thừa cân ạ. Hoặc thi đua, phấn đấu mà thiếu định tĩnh thì thắng rất dễ kiêu căng, thua thì dễ nản lòng, tuyệt vọng hoặc có cả thù hận nữa ạ. Vậy nên, theo con nghĩ, “tùy duyên thuận pháp” là “thận trọng, chú tâm, quan sát” tổng thể các nội, ngoại duyên đang hiện hành (trên cả hai bình diện Chân Đế hoặc Tục Đế), để từ đó có thể nói năng và hành động hợp lý, sáng suốt và đúng với đạo đức, lương tâm nhất trong mọi tình huống khác nhau ạ. Song, nói thì dễ làm thì khó, con xin phép lưu ý vậy để tránh độc giả hiểu sai về ngôn ngữ (vì bản thân con cũng có cách hiểu khác về từ “bản năng”), chứ không dám phủ nhận chỗ sáng tỏ của vị kia ạ.
Trả lời:
Bản năng hiểu theo nghĩa gốc là khả năng bẩm sinh của cơ thể sinh học như sinh ra ai cũng sẽ biết lật, bò, ngồi, đứng, đi v.v… thậm chí đạt được 50% những hoạt động cơ bản của đời sống. Đó là loại bản năng tự nhiên “trời sinh” sẵn có trong muôn loài vạn vật, 50% còn lại do mỗi chúng sinh thủ đắc được từ huân tập. Bản năng bẩm sinh tự nhiên có sẵn trong tự tánh đúng là khi tâm rỗng lặng trong sáng thì nó tự ứng một cách vô vi vô ngã nên không cần rèn luyện mà rất chính xác, như phản xạ tự nhiên chẳng hạn. Còn bản năng thủ đắc thì do rèn luyện hay huân tập từ kinh nghiệm nên hữu vi hữu ngã, và là phản xạ có điều kiện, vì vậy cũng có thiện-ác, đúng-sai, lợi-hại… Có lẽ phần lớn biểu hiện bản năng thủ đắc theo nghĩa xấu nên thường bị xem là thấp hèn. Nhưng thực ra, bản năng sinh tồn tự nhiên vốn là đúng tốt.
Theo: Trung tâm Hộ tông
HT. Viên Minh