Hiểu tâm trong Phật giáo Nguyên Thuỷ
Là một vị đại giác ngộ, đức Phật Thích Ca nhận ra đời người ai cũng khổ. Khổ là một chân lý. Hễ có thân là có khổ, mà khổ do đâu sanh? Đó là do tâm con người sanh ra.
Muốn diệt khổ, trước hết chúng ta phải tìm hiểu khi nào tâm giúp con người được an lạc hạnh phúc, khi nào tâm khiến con người ưu phiền sầu não. Nghĩa là phải tìm hiểu tâm là gì và dụng của tâm ra làm sao?
Kinh Pháp Cú (Dhammapada), Phẩm Song Yếu, Đức Phật xác nhận tâm là ông chủ, tâm chỉ huy, tạo tác hành động của con người. Nếu con người hành động nói năng theo sự chỉ huy xấu xa của tâm thì sự khổ sẽ theo nghiệp xấu đến với người ấy như bánh xe lăn theo chân con vật kéo, không tránh né vào đâu được. Ngược lại nếu nói năng hay hành động với tâm thanh tịnh thì người đó được vui vẻ hạnh phúc như bóng theo hình. Đoạn văn đó như sau:
“1. Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo.
Như vậy, chỉ một tâm mà có nhiều trạng thái khác nhau, tựu trung xếp thành hai loại. Tâm gây đau khổ, trong nhà Phật ví tâm đó là hồ nước đục, là tâm ô nhiễm, là tâm của kẻ phàm phu. Tâm giúp an lạc hạnh phúc cho con người, trong nhà Phật ví tâm này như hồ nước trong, là tâm thanh tịnh của bậc thánh.
Theo đạo Phật, con người là một hợp thể của năm uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, gọi chung là Danh Sắc. Sắc là vật chất nên không có cái biết. Cái Biết theo Phật giáo Nguyên Thủy do đức Phật thuyết là cái biết của Tâm, tức cái biết của Thọ, Tưởng, Hành, Thức. “Biết” trong đạo Phật gọi là “Thức”. Thức là sự biết, sự nhận thức phân biệt của sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần sẽ phát sinh các thức như: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.
Thích Nữ Hằng Như