Hiểu rõ về các phương diện của giới không sát sinh theo đạo Phật

Khi đã hiểu đúng về tạo nghiệp xấu cũng như cách hóa giải chúng trong nghề chăn nuôi thì bạn sẽ chủ động và tùy duyên hơn trong việc chuyển nghiệp cũng như chuyển nghề.

Hỏi: 

Từ năm 2020, tôi đã đầu tư trang trại nuôi tôm. Gần đây tôi có duyên lành được tìm hiểu Phật pháp, và có nghe rằng chăn nuôi cũng là nghề không nên. Vậy tôi mong được tư vấn để hiểu đúng về tạo nghiệp của nghề này, có cách gì hóa giải không? Đã trót đầu tư rồi, bây giờ tôi có nên duy trì công việc chăn nuôi hay dừng bỏ?

Làm nghề kinh doanh lụa, không giết các con tằm thì có sát sinh không?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đáp: 

Đức Phật hoằng pháp tại Ấn Độ trong xã hội nông nghiệp cổ đại, ngoài một số vua quan, Bà-la-môn và các gia chủ, đa phần đối tượng giáo hóa của Ngài là nông dân, chuyên trồng trọt và chăn nuôi. Chuyện những người nông dân chăn thả gia súc được Đức Phật giáo hóa còn lưu dấu trong kinh điển. Điều cần lưu tâm là Ngài khuyến khích từ bỏ sát sinh nhưng không ngăn cấm mưu sinh bằng chăn nuôi. Cụ thể, trong năm nghề tà mạng được Đức Phật khuyến cáo nên từ bỏ không có nghề chăn nuôi. Như vậy, hành nghề chăn nuôi (không giết mổ) tuy có tạo chút nghiệp xấu nhưng vẫn chấp nhận được.

Vấn đề nghiệp xấu phát sinh từ nghề thì bất cứ nghề nào cũng có, đã mưu sinh thì tất phải tạo nghiệp. Thế nên, trừ những nghề tà mạng ra, người Phật tử mưu sinh bằng các nghề nghiệp khác nhau cần chú trọng đến phương diện hóa giải nghiệp xấu của nghề chứ không phải bỏ nghề. Bỏ nghề khi mới dốc vốn đầu tư hoặc lúc điều kiện chưa cho phép có thể dẫn đến nhiều hệ lụy và gây tạo nghiệp xấu khác nhiều hơn. Nghề nuôi tôm (chăn nuôi nói chung) chắc chắn có việc tổn hại một số sinh mạng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc đầu tiên cần phải chấp nhận điều ấy, sau đó tìm cách hóa giải.

Hóa giải bằng cách nào? Trước cần hiểu rõ về các phương diện của giới không sát sinh theo đạo Phật. Trọng tâm của giới không sát hại chúng sinh là không giết người. Kế đến là cố tránh xa việc tổn hại các loài lớn như trâu, bò, heo, chó… Còn các loài côn trùng nhỏ nhít nếu vì hoàn cảnh hay vô tình tổn hại thì chí thành sám hối.

Mặt khác, nếu người nuôi rồi bán (mà không giết) chỉ bị khuyết giới mà không phạm giới, khuyết giới thì có thể sám hối. Theo Phật giáo, phạm giới sát sinh khi hội đủ năm yếu tố: Có một sinh vật (người hay động vật), sinh vật ấy còn sống, khởi tâm giết hại, tìm mọi cách để giết hại, sinh vật ấy bị chết. Như vậy, mặt trái của nghề chăn nuôi là có tạo nghiệp xấu, làm tổn hại sinh mạng nhưng có thể sám hối được.

Tiếp theo, sau khi đã thấy rõ mặt trái tạo nghiệp của nghề chăn nuôi rồi thì nỗ lực làm các việc tốt lành phước thiện ở các phương diện khác để bù lại. Nghiệp thiện ác do mình tạo ra có thể chi phối, tác động lẫn nhau để hình thành nên thực tiễn sinh động khổ vui của cuộc sống. Đây là điểm quan yếu trong việc chuyển nghiệp chứ không phải lúc nào cũng chăm bẵm vào chuyển nghề.

Bởi nếu có một nghề mà mặt trái tạo nghiệp ít nhưng chủ quan ỷ lại, không lo vun bồi thiện nghiệp ở các phương diện khác thì kết cục vẫn thiếu phước. Nghiệp tốt được tạo ra khi bớt tham, ít giận, biết xả buông, giúp người v.v…. Đức Phật dạy có mười thiện nghiệp tạo ra phước đức sung mãn. Đó là: Bố thí, trì giới, tu tập, cung kính, phục vụ, hồi hướng, tùy hỷ, nghe pháp, thuyết pháp, chánh kiến. Nếu siêng năng vun bồi phước đức sung mãn thì chút nghiệp ác của nghề sẽ được hòa tan, hóa giải.

Khi đã hiểu đúng về tạo nghiệp xấu cũng như cách hóa giải chúng trong nghề chăn nuôi thì bạn sẽ chủ động và tùy duyên hơn trong việc chuyển nghiệp cũng như chuyển nghề. Người Phật tử luôn soi sáng mọi việc với trí tuệ để giảm nghiệp xấu, tăng phước đức, nhằm xây dựng đời sống an vui.

Theo Giác Ngộ.