Hiểu mình là giác ngộ

Có bao giờ bạn tự hỏi mình đã thực sự hiểu mình? Nếu chưa thì ta rất dễ tự làm khổ mình và làm khổ người.

Đạo Phật nói rằng tu là một tiến trình thay đổi và chuyển hóa; thay đổi điều chưa tốt thành tốt, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. Nhưng nếu không hiểu mình, làm sao ta thấy được gốc rễ của những phiền não khổ đau để mà chuyển hóa; làm sao ta biết mình có những thói quen không tốt, những khuynh hướng tiêu cực, những khuyết điểm của bản thân để mà thay đổi; và cả những điều tưởng chừng như là thật nhưng hóa ra hư ảo, giả dối…?

Vì vậy, hiểu mình căn bản nhất là nhận ra được những thói quen chưa tốt nơi mình để uốn nắn thành những thói quen tốt. Ẩn sâu bên trong mỗi người luôn tiềm tàng những khuynh hướng tiêu cực, vì vậy nhận ra được những khuynh hướng đó đòi hỏi chúng ta phải hiểu sâu hơn con người của mình. Triết gia cổ đại Hy Lạp, Socrate, nói rằng nhiệm vụ của một triết gia là tìm hiểu chính mình. Và phương châm sống của ông là “Hãy tự hiểu mình”.

Hiểu mình thì mới hiểu người, mới có thể cảm thông, bao dung và yêu thương người được.
Hiểu mình thì mới hiểu người, mới có thể cảm thông, bao dung và yêu thương người được.

Nếu không hiểu mình, nhiều khi ta lên án, chỉ trích người khác chính điều mà mình đang mắc phải. Đó là chiều sâu tâm lý bên trong, mà khoa phân tâm học gọi là sự “phóng chiếu”, nghĩa là ta gán  cho người khác những cái mà mình đang bị vướng kẹt trong lòng. Ta lên án điều gì đó nhưng chính ta lại mắc sai lầm chính ở điều lên án đó. Ví dụ, mình lên án, chỉ trích người hay cãi vã nhưng chính trong các buổi đàm thoại mình là người hay cãi vã nhất. Đôi khi chính bạn là người không rộng lượng nhưng lại đi chỉ trích người khác là keo kiệt, bủn xỉn. Chính bạn khát khao có được cái gì đó mà không được lại đi phê phán người khác khi họ đạt được nó. Đó là sự phản chiếu tâm lý tiêu cực ẩn sâu bên trong chúng ta. Như Simon Peter Fuller đã nói: “Những đặc điểm mà ta thấy khó chịu ở người khác lại thường là những khía cạnh tiêu cực của chính ta. Nếu xóa bỏ được những mặt tiêu cực đó rồi thì ta đã không thấy khó chịu khi nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của nó từ đối phương”.

Vậy làm sao nhận diện được những khía cạnh tâm lý tiêu cực ẩn sâu bên trong ấy? Là phải thường trực quán chiếu sâu sắc vào nội tâm mình. Nội quán, vì thế rất thiết yếu cho việc hiểu mình, hiểu con người bên trong mình. Hiểu mình là bước đầu quan trọng trong việc chuyển hóa tâm thức. Vì không hiểu mình, ta như kẻ lạc giữa rừng sâu, chẳng biết lối nào mà ra, chẳng biết sự vận hành của các tâm lý phiền não như thế nào để mà chuyển hóa chúng. Cho nên Thiền sư Thường Chiếu mới nói: “Người tu đạo nếu biết rõ về tâm mình thì sẽ phí sức ít mà dễ thành công. Người tu đạo nếu không biết gì về tâm mình thì chỉ phí công vô ích”.

Hiểu mình, thì không như việc hiểu biết thông thường như sở thích và đam mê của mình là gì, mà hiểu rằng mọi sự an vui hạnh phúc hay khổ đau phiền muộn đều do tâm thức mình tạo tác nên. Tâm ta tạo nên mọi thứ và chính tâm ta trải nghiệm những điều ấy. Ngài Kalu Rinpoche nói: “Chẳng gì khác ngoài tâm tạo ra vũ trụ và chẳng gì khác ngoài tâm trải nghiệm điều ấy”. Sự việc này không tốt, con người này thật đáng ghét, đó là tâm ta tạo nên sự việc không tốt và con người đáng ghét đó; và chính tâm ta trải nghiệm sự bực tức, khó chịu và giận ghét đối với chúng, chứ không hề thực có con người, sự việc đáng ghét hay xấu nào cả. Xấu hay tốt, đáng ghét hay dễ thương là tùy vào cảm xúc và nhận thức của ta. Ta có cảm xúc yêu thương, quý mến với người nào thì người đó là dễ thương. Còn cảm xúc khó chịu, giận tức với ai đó thì họ là người đáng ghét. Vậy nên Shakespeare mới nói: “Không có sự vật hiện tượng hay hoàn cảnh tốt hay xấu mà chính cách nghĩ của con người khiến nó xấu hay tốt”. Nhận thức được như vậy thì ta không còn oán trách hoàn cảnh hay con người làm  cho mình khổ nữa. Chỉ cần bạn không còn oán trách hoàn cảnh hay ai khác nữa về nỗi khổ đau của mình, thì nỗi đau khổ ấy lập tức hóa thinh không!

Thì hóa ra, các tâm lý phiền não như bất an, lo lắng, sợ hãi, sầu muộn… đều chẳng thật có, chúng chỉ là những cảm xúc lao xao bắt nguồn từ việc nhận thức sai lạc của ta mà ra. Đúng hơn, chúng như những con sóng ảo ảnh trên bề mặt tâm thức của ta vậy. Ấy thế mà bấy lâu nay ta cứ lầm tưởng chúng là thật có để rồi để chúng xô đẩy làm mình quay cuồng mãi trong mệt mỏi và khổ đau. Chỉ cần bạn giác ngộ được rằng phiền não bất an chỉ là những ảo ảnh và nở nụ cười đầy tỉnh thức trên môi, thì sự bất an phiền muộn ấy sẽ tan biến như làn khói tan vào hư vô, chỉ còn lại một nội tâm an bình tĩnh lặng!

Ngài Huệ Khả khi chưa chứng đạo, một hôm tham kiến Tổ Bồ-đề-đạt-ma, cầu ngài an tâm cho mình. Tổ bảo: Đưa tâm đây ta an cho. Ngài Huệ Khả tìm tâm chẳng thấy nó đâu. Tổ bèn nói: Vậy là ta đã an tâm cho con rồi đó. Ô hay, tâm đã không có thì phiền não bất an làm sao thật có! Lời khai thị ấy của Tổ một lần nữa khẳng định với chúng ta rằng những phiền não bất an chỉ là hư vọng mà thôi! Vậy thì, khi có phiền não bất an sinh khởi trong tâm, hãy thức tỉnh tự nhủ, chúng là hư giả, không thật, thì tự dưng chúng biến mất không còn tác động tiêu cực lên mình được nữa. Ai giác ngộ được sự thật này, người đó thoát khỏi mọi sầu đau!

Hiểu mình thì mới hiểu người, mới có thể cảm thông, bao dung và yêu thương người được. Hiểu mình, là khi ai đó có những hành động, cử chỉ, lời nói làm mình bị tổn thương, khiến trái tim mình đau nhói, là hiểu rằng nếu ở vào hoàn cảnh, điều kiện nhận thức như của người đó thì chắc mình cũng sẽ có những hành động, cử chỉ, việc làm tương tự như họ. Hiểu được như vậy thì tự dưng trong ta dâng lên một niềm bao dung, yêu thương rất lớn. Cái thương nảy mầm từ cái hiểu, cái biết là như vậy.

Hiểu mình là biết rằng mình là người không hoàn hảo, tốt ở điểm này thì có thể chưa tốt ở điểm kia. Thì người cũng vậy, tốt ở điểm kia nhưng có thể khiếm khuyết ở điểm nọ. Hiểu thấu sự không hoàn hảo của mình, của người, thì tự nhiên ta mở lòng bao dung với nhau hơn, không còn nhìn vào khiếm khuyết, lỗi lầm của nhau mà công kích nhau nữa. Nên nhớ rằng, trên thế gian này, ngoại trừ Đức Phật và các bậc thánh nhân ra, tất cả chúng ta đều là người không hoàn hảo. Hiểu được như vậy thì tình thương, lòng bao dung cũng tự khắc nảy sinh trong trái tim ta.

Có thể nói rằng nền tảng căn bản của đạo đức được đặt cơ sở trên việc hiểu mình. Hiểu mình thì mới hiểu người, từ đó có những hành động phù hợp với mình, với người, đó là đạo đức. Triết gia người Đức, Kant, nói rằng quy luật đạo đức thì nằm trong lòng mỗi người, chứ không phải nơi mệnh lệnh của tôn giáo. Cho nên việc hiểu mình là điều quan thiết để có những hành động đạo đức. Đức Phật dạy rằng việc suy xét về tự thân là khởi đầu  cho một hành động đạo đức. Ngài nói: “Những gì mình không ưa thích, không vừa ý thì người khác cũng thế”. Xét mình hiểu người như vậy thì tự nhiên ta không đem cái điều mình không muốn, không thích mà trao cho người khác nữa. Có lẽ cũng từ sự chiêm nghiệm triết lý hiểu mình, hiểu người này mà Đức Khổng Tử đã đúc kết thành câu nói thời danh: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhơn”, điều mình không muốn thì đừng trao cho người. Đó là đạo đức. Đạo đức ấy bắt nguồn từ việc hiểu mình, hiểu lương tri của mình.

Việc hiểu mình là tiền đề căn bản cho mọi sự tu tập chứng ngộ chân lý và đạt đến hạnh phúc tối hậu. Nếu không hiểu mình thì không thể hiểu người, hiểu cuộc đời, hiểu thế gian. Đức Phật dạy rằng nếu ta đi tìm sự giác ngộ chân lý, giải thoát mà tìm ở ngoài ta thì không bao giờ có thể đạt tới được, dẫu có trải qua trăm ngàn vạn kiếp, đi khắp càn khôn vũ trụ. Nhưng chính ở đây, nơi tấm thân này, trong tâm hồn này, ta quay về đó để quán chiếu thật sâu sắc thì mọi sự thật, chân lý, hạnh phúc chân thực đều hiển lộ. Ngài nói: “Trong chính thân thể dài hơn một thước này, cùng với tri giác và trí năng của nó, Như Lai tuyên bố thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường thực hành dẫn đến sự chấm dứt thế gian”.

Thế gian ở đây, theo ngài Narada, là ám chỉ tình trạng khổ đau. Và vì vậy lời tuyên bố ấy của Đức Phật được xem là phát biểu theo công thức của Tứ diệu đế. Nhưng ta cũng có thể hiểu, thế gian ở đây là chỉ cho thế giới vũ trụ, trong đó mọi nguyên lý hình thành, vận hành tồn tại và sự hủy hoại của nó Đức Phật đều thấy biết rõ ràng thông qua con đường nội quán. Điều này như Carl Jung cũng đã từng nói: “Tầm nhìn của bạn sẽ trở nên sáng rõ chỉ khi bạn nhìn vào bên trong tâm hồn mình”.

Và Novalis cũng có nói, con người mang cả vũ trụ nơi mình, và việc lặn sâu vào bên trong chính mình là cách tốt nhất để con người cảm nhận được bí ẩn của thế giới. Cho nên, nhìn vào bên trong, thấu hiểu chính mình thì thông tỏ hết vạn sự bên ngoài, đạt đến chứng ngộ và giải thoát trọn vẹn.

Hoàng Nguyên