Hiểu lầm cơ bản về Đạo Phật: Đạo Phật bi quan

HT Thích Thanh Từ có dạy: Nhiều người hiểu lầm đạo Phật là bi quan. Tại sao như vậy? Điều này không phải không có lý do. Bởi họ thường nghe kinh Phật nói “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển cả”. Nghe có vẻ bi quan quá.

Theo tiến sĩ Alexander Berzin, nhà sáng lập trang Study Buddhism, giáo huấn đầu tiên mà Đức Phật ban cho là Tứ Diệu Đế, và điều đầu tiên trong số đó là “chân khổ”. Dù nói về sự bất hạnh, về những hình thức hạnh phúc bình thường, hay kinh nghiệm luân hồi bao trùm khắp nơi thì tất cả đều là khổ. Tuy nhiên, “khổ” là một danh từ khá khắc nghiệt trong tiếng Anh. Ý nghĩa ở đây là tất cả các trạng thái này đều bất toại nguyện và có vấn đề, vì mọi người đều muốn hạnh phúc và không ai muốn bất hạnh, nên phải khắc phục những vấn đề trong cuộc sống.

Khổ đau là hiện thực trong cuộc sống.

Khổ đau là hiện thực trong cuộc sống.

Có sự hiểu lầm là đạo Phật nói rằng có điều gì không ổn với việc cảm nhận hạnh phúc, nhưng hình thức hạnh phúc thông thường của chúng ta có những thiếu sót, chúng không bao giờ lâu dài, chẳng bao giờ toại nguyện, và khi chúng kết thúc thì chúng ta lại luôn muốn có nhiều hơn nữa. Nếu như có quá nhiều thứ mà mình ưa thích, chẳng hạn như thức ăn mà mình thích nhất, thì ta sẽ thấy chán, và không thấy vui khi ăn thêm nữa. Vì vậy nên đạo Phật dạy ta phấn đấu cho hạnh phúc xuất phát từ việc thoát khỏi tất cả những tình huống bất toại nguyện này. Điều đó không có nghĩa là mục tiêu cao nhất là không cảm thấy gì cả. Điều đó có nghĩa là có nhiều loại hạnh phúc, và những gì chúng ta thường trải qua, dù tốt hơn là bất hạnh, nhưng không phải là mức độ hạnh phúc đầy đủ nhất mà mình có thể trải nghiệm.

Trong bài thuyết giảng “Bản chất đạo Phật bi quan hay lạc quan“, HT Thích Thanh Từ nói: “Trong kinh A-hàm, Phật kể không chỉ một đời này chúng ta khóc, mà trong vô số kiếp luân hồi sanh đi tử lại, chúng ta đã từng khóc, cho nên nước mắt gom lại nhiều hơn nước biển cả. Mỗi một đời có thể tạm nói, chúng ta khóc chừng một lít nước mắt thôi, thì trăm ức muôn đời gom lại mới thành nhiều. Đức Phật vì muốn cảnh tỉnh con người đừng hiểu sai lầm rằng cuộc đời toàn là vui, mà còn có bao nhiêu đau khổ. Đã khổ ở đời này rồi khổ ở đời kế, nghĩa là không biết bao nhiêu đời khổ nhiều hơn vui. Qua câu nói này người ta cho đạo Phật là bi quan”.

“Nếu nói thẳng, đạo Phật không phải bi quan cũng không phải lạc quan, mà đạo Phật là đạo nói như thật và hành như thật. Chữ Phật là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là giác. Cho nên gọi Phật-đà tức là Giác giả hay người giác ngộ. Đức Phật do giác ngộ được lẽ thật, thấy biết lẽ thật nên chỉ dạy lại cho chúng ta lẽ thật ấy. Chúng ta là đệ tử Phật, tin lời lẽ của Ngài bằng lẽ thật, chớ không phải bằng tưởng tượng”, HT Thích Thanh Từ dạy.