Hiểu đúng thọ trì đúng

Học Phật, học giáo lý để làm gì? Học không phải để thi. Không phải để hí luận, để luận thuyết. Không phải để chứng minh sự hiểu biết, để chứng tỏ sự uyên bác. Vậy học để làm gì? Học để Ttu. Đơn giản vậy.

 

Nhưng tu để làm gì?

Để thoát khổ. Tu không phải để làm thầy. Không phải để làm trụ trì. Không phải để mong sự chứng đạt điều mông lung, phù phiếm gì mà đơn giản: để vượt thoát bệnh tật, khổ ách, những phiền não không bao giờ dứt. Tu là sửa, vì vậy mới có thuật ngữ tiểu tu, trung tu, đại tu. Chính vì không biết sửa cho nên hỏng hóc, nên bệnh tật triền miên, con người hóa thành thứ nam châm hút lấy vụn kim loại ( lậu hoặc) và bệnh.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Sao nhiều người tu vẫn bệnh? Vẫn đến bác sĩ?

Tu cần, rất cần sự hiểu biết tu đúng và tu sai. Đề tài này ta sẽ trở lại vào dịp khác. Nhưng có thể hiểu đại khái. Tu sai là vẫn bệnh, vẫn khổ, vẫn tai ách, vẫn còn nguyên dục lậu ( tham), hữu lậu ( sân), vô minh lậu (si).

Tu đúng là hiểu đúng, thọ trì đúng. Cái đúng trước tiên là đoạn diệt lậu hoặc. Hiểu đúng, tư duy đúng để tiếp nhận giáo lý của Đức Phật không  quá khó, bởi những điều Phật thuyết đều là pháp hành cụ thể, đơn giản, dễ hiểu.  Đáng tiếc, rất nhiều người học Phật có một sai lầm cơ bản cố nhồi nhét những điều mông lung, trừu tượng, chiêu nạp thật nhiều sở tri, sở đắc để thuyết giảng, để hí luận, để hơn thua mà không “tiêu hóa” những pháp hành cụ thể kia. Một đời người chỉ như cái chớp mắt, biết có còn tiếp tục mang thân người này nữa không mà cứ phí hoài trong tranh biện, hơn thua để rồi mãi chìm đắm trong luân hồi sinh tử.

Tu cần có tôn chỉ rõ ràng, bất di, bất dịch: hướng đến đoạn diệt lậu hoặc.Tâm vô lậu, hết lậu hoặc là tâm bất động trước cảm thọ và ác pháp. Tâm bất động trước cảm thọ và ác pháp là khi thân và tâm trở thành một khối, thuần tịnh, không cấu uế, vô thượng, tối thắng. Chúng ta thường dễ bị mờ, nhòe, lóa mắt trước những thuật ngữ , và vì “cố nuốt” để “thuộc bài” nên không để tâm lắng nghe những điều nôm na mà Phật dạy để rèn luyện, tu tập. Hãy nghe cách nói chuyện của Đức Phật trong Đại kinh Saccaka. “Này Aggivessana, dầu cho lời nói của Ông có vẻ trịch thượng và khiêu khích, nhưng Ta sẽ trả lời cho Ông”. Đó là lúc Đức Phật luận đàm với Saccaka, một người biện luận thiện xảo, hay luận chiến và trước đó đã từng dè biểu Phật-Pháp-Tăng. Trong kinh này, Đức Phật ôn tồn kể lại tiến trình  tìm cầu đến các vị thầy Alara Kalama và sau đó với Uddaka Ramaputta để thọ giáo về thiền vô sắc. Rất cụ thể, rất rõ ràng. Lần lượt các vị thầy là đạo sư nhưng đã xem ngài ngang hàng và tôn sùng với sự tôn sùng tối thượng “Hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!” Chưa tìm được hướng đi đến an tịnh đạo lộ, vô thượng tối thắng. Đức Phật tiếp tục mày mò cho hướng đi của mình. Đại kinh Saccaka đến 15 trang, hơn 8.000 từ. Diễn đạt toàn bộ quá trình tu tập cam go, vượt qua 4 tầng thiền hữu sắc. Với cách biểu đạt nhiều điệp ngữ, lặp lại khiến người đọc dễ mệt mõi, rối trí. Nhưng độc đáo ở chỗ nhiều điệp ngữ nhưng nôm na, đơn giản. Những người học Phật hiện nay thường dễ đi lạc vào ma trận kinh sách rối rắm, tù mù, mông lung, trừu tượng là vì vậy.

Sau khi Phật chứng đắc A-la-hán, có đến 1250 tì kheo đến xin thu nhận, giáo hóa. Sau khi xem xét, ngài tổ chức đợt “sát hạch” là chỉ nhận 500 tì kheo Về sau, trong số này toàn bộ chứng đạt 90 là A-la-hán (tứ thiền), 90 đắc Thiền Định (tam thiền) còn lại 320 chứng giới luật (sơ thiền). Chứng giới luật là thế nào? Trong lộ trình giới-định-tuệ thì giới là bước đầu tiên vượt thoát tất cả những đắm nhiễm thông thường, thân tâm an lạc, nhẹ nhàng. Có vẽ như đó là một ước mơ đối với nhiều người, không còn bệnh tật, không còn phiền não, không còn sợ hãi, khiếp đảm…Có thực vậy sao? Ta trở lại với kinh Tất cả lậu hoặc. “Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý và không như lý tác ý. Này các Tỷ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.”

Có như lý tác ý và không như lý tác ý. Đơn giản điều này chỉ người tu hay không tu, tu thử thiếu sự tinh tấn. Thường xuyên tác ý, tu tập: dục lậu chưa sanh không sanh khởi, dục lậu đã sanh được trừ diệt. Dục lậu là toàn bộ sự đắm nhiễm trên thân, trên tâm, tạo thành những cảm thọ ( Kể cả thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ) Cảm thọ trên thân là những đau nhức, tê buốt… trên tâm là những phiền não, u buồn, lo lắng, suy tư…Kể cả thọ lạc là bởi ngay cả thọ lạc cũng chỉ là những cảm giác thích thú, khoái cảm lúc đầu để vận chuyển cái thỏa mãn dục tính, cái ham muốn. Nó đi qua năm dục trưởng dưỡng (sắc, thinh, hương, vị, xúc). Con người luôn đắm nhiễm tập khí với danh lợi sắc thực thuỳ. Chính vì hiểu rõ đến tường tận 7 pháp đoạn trừ lậu hoặc mà pháp đầu tiên tri kiến là sự hiểu biết cơ bản để ngăn, để vượt qua những cám dỗ của ngủ dục lạc. Chỉ cần sống đời sống thiểu dục tri túc với 3 hạnh ăn ngủ độc cư và 3 đức nhẫn nhục-tuỳ thuận-bằng lòng vậy là đã xong giai đoạn một. Ở trần cảnh ta gọi ác pháp là lậu hoặc còn ở thân, ở tâm thì hóa thân là cảm thọ là thứ cần nhận diện, để tác ý đoạn diệt vì chính cảm thọ là “từ tính” đang “tăng trưởng”, đang mạnh dần lên từng ngày từng giờ. Thực hiện tứ chánh cần cũng chính là như lý tác ý . Sự hóa thân, sự đổi tên của các phạm trù, các khái niệm là điều bạn cần hiểu. Hiểu để tu tập. Hiểu để thọ trì. Hiểu để tinh tấn nhiếp phục, đoạn diệt thật sạch lậu hoặc ở thân, ở tâm. Chỗ nào còn dính mắc, chưa thông, bạn xem lại để thật hiểu. Phải tiêu hóa được. Tiêu hóa bằng được. Không phải “ăn thật nhiều” để hóa mỡ thừa, để hóa “phân sống”, thành người “uyên bác, thông tuệ” mà bệnh tật đè nghiến bạn ra chờ ngày về với tử thần.

Bạn triền miên bệnh tật là vì vậy.

*Bài dự thi trên được gửi từ Phật tử Nguyễn Công Dinh, địa chỉ: 137/21 Lê Hồng Phong tổ 49 Khu 5 Phú Lợi -TDM Bình Dương.

Kỳ Nam