Hiểu chánh pháp một cách cục bộ có hại ra sao?
Đáp:
Người bịt mắt sờ voi có nghĩa là, trong số họ, người nào sờ được bộ phận gì trên cơ thể con voi, thì người đó, kết luận voi là như thế: sờ chân kết luận voi giống cột nhà, sờ tai tưởng voi như cây quạt, sờ bụng cho voi là cái bao. Vì họ không thấy con voi một cách toàn diện. Thế là người nào cũng cho mình đúng, người khác sai. Và cố chấp vào định kiến của mình, mà họ sau đó, sinh ra mâu thuẫn.
Trong tu hành cũng vậy. Do hiểu chánh pháp một cách cục bộ, rồi tạo ra phương pháp thực hành cục bộ, đạt được kinh nghiệm cục bộ, mà họ tưởng đó là con đường duy nhất đi đến Sự Thật toàn diện, rồi thuyết phục người khác hành theo pháp môn phương tiện của mình, mà không biết đó chỉ là bịt mắt sờ voi, hay chính xác hơn, Đức Phật gọi là: người không biết đường lại dẫn đường cho người khác.
Chánh pháp luôn luôn toàn diện, không thể tách rời thành chi mạt (nhánh ngọn) nhỏ mà tu. Nhiều người tách giới riêng, định riêng, tuệ riêng, để tu rồi trở thành chấp giới, chấp định, chấp tuệ mà không biết rằng Bát Chánh đạo mà thiếu một chánh nào thì toàn bộ chiếc xe pháp không vận hành được nữa.
Giới – Định – Tuệ tuy ba mà một, Bát Chánh đạo tuy tám yếu tố mà không thể phân ly. Thân – Thọ – Tâm – Pháp mà tách ra để tu thì đúng là người mù sờ voi, thành ra mạt pháp là đúng.
Có một câu của người Do Thái rất hay: kinh nghiệm là từ, mà mọi người dùng để chỉ ra sự sai lầm của mình – một câu nói rất tế nhị nhưng cũng rất dễ hiểu.
Kinh nghiệm tạo thành kiến thức, nhưng kinh nghiệm mỗi người một khác, nên thường là cục bộ. Sự mâu thuẫn trong mối quan hệ xã hội, thường do sự khác biệt giữa các kinh nghiệm cục bộ này. Thí dụ như, khi trời nóng, mình mở quạt cho mát, nhưng thấy có người bị cảm ho không chịu được, liền tắt để người kia đỡ ho. Như vậy, không những không chấp vào kinh nghiệm cục bộ của mình, mà còn thông cảm với người khác. Nếu bảo thủ kinh nghiệm cục bộ của mình, thì rất dễ gây mâu thuẫn với người khác.
Thầy Viên Minh