Hãy thắp sáng đời mình bằng Chánh pháp với tuệ giác vô ngã
Thế Tôn khẳng định mỗi người có mặt trên đời với một hoàn cảnh và thân phận khác nhau là do nghiệp của chính họ, không do bất kỳ ai khác chi phối hay tham dự vào.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rừng Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự Lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất Lai, là sự chứng ngộ quả Bất Lai, là chứng ngộ quả A-la-hán. Của một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Một người, phần Như Lai [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.48)
LỜI BÀN:
Thế Tôn xuất hiện nơi đời là một sự kiện hiếm có, chưa từng có, như hoa Ưu đàm tương truyền 3.000 năm mới nở một lần. Ngài là Phật nhưng cũng là một con người, một người vi diệu.
Vi diệu là vì Ngài đã trải qua vô lượng kiếp hành Bồ tát đạo, từ địa vị chúng sanh Ngài bước lên tôn vị Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ hoàn toàn, phước trí trang nghiêm, trời người đều cung kính. Ngài có mặt ở đời là sự xuất hiện của mắt lớn, thấu suốt khắp cả thế gian bằng tuệ giác vô ngã vĩ đại.
Trước Thế Tôn, tư tưởng Vệ-đà thống trị xã hội Ấn Độ cổ đại, làm tê liệt não trạng con người với niềm tin mù quáng vào quyền năng sáng tạo của Phạm Thiên (Brahma). Mỗi con người hiện hữu trên thế gian với một hoàn cảnh riêng là do ý muốn của Phạm Thiên.
Mọi sự vật sinh thành hoại diệt cũng không ngoài tôn ý của đấng Tối cao, giữ quyền năng sáng tạo. Con người không thể thay đổi số phận và càng không thể chuyển hóa thân tâm, nói chung là không thể “bẻ nạng chống Trời” mà chỉ cúi đầu tuân phục và làm đẹp lòng Phạm Thiên thông qua tế lễ và cầu nguyện.
Khi mắt lớn Thế Tôn xuất hiện, bằng tuệ giác của bậc đã giác ngộ và giải thoát, Ngài chỉ rõ cho nhân loại rằng không hề có sự sáng tạo của các đấng thiêng liêng ở trên trời. Đó chỉ là một sự ám ảnh tập thể của nhóm người chỉ biết tin mà không cần hiểu, không muốn thấy.
Thực chất sự sinh thành và hoại diệt của vạn pháp là do Duyên sanh. Đủ duyên thì sinh ra, có mặt và hết duyên thì tan hoại, biến mất mà không cần có sự sáng tạo của bất cứ thế lực siêu nhiên nào.
Con người cũng vậy, hoàn toàn không phải do Phạm Thiên hay các đấng thiêng liêng sinh ra và có toàn quyền chi phối thân phận của họ. Với tuệ giác của mắt lớn, Thế Tôn khẳng định mỗi người có mặt trên đời với một hoàn cảnh và thân phận khác nhau là do nghiệp của chính họ, không do bất kỳ ai khác chi phối hay tham dự vào. Và nghiệp có thể chuyển được, nếu cá nhân biết hướng các suy nghĩ, lời nói và hành vi của tự thân về nẻo thiện.
Cho nên, mỗi người “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Hãy thắp sáng đời mình bằng Chánh pháp với tuệ giác vô ngã để xua tan vô minh tăm tối.