Hãy đón nhận Đề-bà-đạt-đa

Ảnh minh họa

 Devadatta, phiên âm Hán Việt quen thuộc ở nước ta là Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) vốn là anh em họ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, từng gia nhập Tăng đoàn thời Đức Thế Tôn tại thế.

 

Devadatta giữa chúng ta

Sau khi trực tiếp yêu cầu Đức Phật giao phó Tăng đoàn cho mình lãnh đạo không thành, ông đã mượn thế lực của vua A-xà-thế để thực hiện âm mưu ám hại Đức Phật bằng cách cử sát thủ đến, thả voi say, lăn đá từ sườn núi… Nhưng những sát thủ hay những chú voi đều được Đức Phật cảm hóa hoặc run sợ trước uy nghi của Ngài, trở thành vô hại, chỉ có hòn đá lăn làm Ngài bị tổn thương nhẹ.

Devadatta sau đó lập nhóm riêng và đề ra những nguyên tắc “khổ hạnh”, thường được nhắc đến như biểu tượng chỉ cho những người giới hạnh không nghiêm, gây chia rẽ hay nghi kỵ trong Tăng đoàn và trong quần chúng.

Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, giữa bao chuyện nhiễu nhương, chúng ta vẫn nghe, vẫn thấy trong những câu chuyện ngoài đời hay trên mạng xã hội những bình phẩm về đạo hạnh của tu sĩ này nọ. Thậm chí cực đoan theo kiến thức đơn thuần rồi phủ nhận các giá trị tâm linh, mà với Phật giáo, nếu không thực hành thì khó có thể lãnh hội được.

Hãy nhớ Devadatta xuất gia chân chánh, nhưng chưa chứng đắc các thánh quả, nên tâm ông chưa thuần tịnh. Mỗi khi tâm đưa được điều phục cho thuần tịnh thì vẫn còn có thể bị danh, lợi, quyền thế chi phối và che lấp tâm trong sáng ban đầu. Vì tham vọng lãnh đạo mà ông đánh mất lý tưởng xuất gia chân chánh của mình.

Ở một góc độ khác, chúng ta có thể nói rằng Phật tái sinh nơi nào thì Devadatta tái sinh nơi ấy. Nhưng đừng vì thế mà hoảng hốt, lo lắng. Bởi như Đức Phật từng dạy: “Chính vì Ta thường gặp Devadatta nên chóng chứng đạo Bồ-đề”. Cũng như bóng tối làm ánh sáng thêm nổi bật, Devadatta chính là mặt tối trong mỗi người chúng ta.

Bi kịch đời người xảy ra khi con người không biết giới hạn lòng tham. Ai biết một người dù hạnh phúc và yên ổn nhưng khi tham dục bị ngăn cản thì trở thành bất mãn và phẫn nộ. Trước khi nhập Niết-bàn, Ðức Thế Tôn đã nhắc nhở: “Như thịt thúi nơi ung nhọt… Nếu bệnh nhân không sớm lo chạy chữa, để lâu sanh trùng độc thì phải chết… phàm phu phải sớm lo điều trị tham ái, nếu chần chờ không tinh tấn thì sẽ bị đọa” (Kinh Ðại Niết-bàn, phẩm Thanh hạnh, bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh).

Bị vướng mắc vào tham dục, lúc nào con người cũng nghĩ về mình: làm sao để đẹp đẽ, giàu sang, có địa vị cao…, từ đó họ bất chấp mọi thủ đoạn kể cả tước đoạt hạnh phúc quyền lợi của người khác. Đó là nguồn cơn của tệ nạn tham nhũng, trục lợi và phe nhóm như chúng ta thấy xảy ra gần đây, bất chấp lợi ích quốc gia và số đông.

Rộng hơn, có kẻ mưu đồ chiếm lĩnh đất đai thiên hạ, ngang ngược xâm phạm chủ quyền, bất chấp công luận thế giới.

Vị ngọt của trần thế khiến chúng ta vọng tâm chạy theo tám ngọn gió chướng, xa rời Phật tâm của mình như gã cùng tử quên mất hạt ngọc trong tay áo. Trong kinh Khổ ấm thuộc Trung A-hàm, Ðức Phật cũng đã mô tả một cách rất sống động về tai hại của tham ái: “Quả thật vậy, này chư Tỳ-kheo, do tham ái vua này gây chiến với vua kia, hoàng tử với hoàng tử, tu sĩ với tu sĩ, dân với dân, mẹ gây gổ với con, con gây gổ với mẹ, cha cãi với con, con cãi với cha, anh chị em với nhau, bạn bè với bạn bè… Họ giành giật bêu xấu nhau, thậm chí còn thù nghịch nhau, dùng các binh khí giết hại lẫn nhau, để sau đó nhận lấy hậu quả kẻ chết, người sợ hãi, rồi sanh ra hối hận – đau đớn khốn cùng”.

Qua thế giới thông tin hôm nay, chúng ta đang chứng kiến hàng ngày hàng giờ những tội ác trên. Nguyên nhân là do những tâm sở bất thiện, trong đó tham ái là hàng đầu, gây ra những áp bức, bất công làm rối loạn xã hội. Luật pháp, các biện pháp trừng trị cũng chỉ là tạm thời, chỉ có “… đào sâu và bứng tận gốc rễ của tham dục” mới là giải pháp nền tảng và lâu dài cho chính trong mỗi người và sự ổn định của xã hội.

Trở lại câu chuyện Devadatta, Đức Phật chẳng xử phạt gì. Ngài chỉ nói với Tăng chúng là Devadatta không còn là thành viên của Tăng đoàn nữa. Vì sao? Với tuệ giác, Đức Phật nhìn thấy ông trong nhiều kiếp, nhiều đời, nhìn thấy Phật tính và khả năng thành Phật của ông.

Chuyện xưa kể rằng khi Devadatta gần chết, một nỗi hối tiếc không ngừng giày vò tâm tư ông. Ông bước về hướng tịnh xá Kỳ Viên để xin Phật tha lỗi, nhưng chân ông bỗng dính chặt vào mặt đất, ngã quỵ, và lửa địa ngục đã phụt ra, phủ lên linh hồn lẫn thể xác của ông. Sau khi nghe kể lại về cái chết ấy, Đức Phật nói “Mặc dù Devadatta có nhiều hành động xấu, nhưng những phạm hạnh ông thực hiện trong thời gian đầu làm Tỳ-kheo, dưới sự hướng dẫn của Như Lai, vẫn trổ quả tốt trong tương lai”.

Nghĩa là khả tính thành Phật trong Devadatta vẫn còn. Cũng như Phật tính trong lòng chúng ta ai cũng có, chỉ vì vô minh và tham dục che lấp mà chúng ta không nhận ra được mà thôi. Phật biết Devadatta trong vô lượng kiếp, cụ thể trong 60 kiếp, không đọa ba đường ác nữa, đi đến trong cõi trời người, sau được thân người, cắt tóc râu đi tu, mặc ba pháp y, sau thành một vị Bích-chi Phật…”.

Việc Devadatta được thọ ký thành Phật cho chúng ta thấy rằng, không có gì mà không cải thiện được. Vạn vật luôn luôn vô thường. Trở thành giác ngộ giải thoát, hay trở thành sa đọa trầm luân, đều do chính ta. Đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở, “Ta là nơi nương nhờ của ta”(Attàhi attano nàtho), hay ta là đấng cứu tinh của chính ta, và làm gương cho người khác. Câu chuyện của Devadatta có thể cho những ai, dù nhất thời phạm tội, vẫn còn một hy vọng, rằng khi đã biết quay về nẻo chánh là có lối thoát!

Hãy đón nhận Devadatta

Hãy xem Devadatta là người người bạn tốt vì như tinh thần mà luận Bảo vương Tam muội đề cập, “Hãy lấy ma quân làm đạo bạn; lấy kẻ tệ bạc làm người giúp đỡ; lấy người chống đối làm bạn giao du”, huống hồ Devadatta là người từng xuất gia. Trong kinh ghi “Do người bạn tốt Devadatta mà làm cho Như Lai hoàn bị sáu pháp ba-la-mật, bốn tâm vô hạn, ba mươi hai tướng quý, tám mươi vẻ đẹp, thân màu hoàng kim, mười đại năng lực, bốn sự không sợ, bốn sự nhiếp hóa, mười tám sự đặc biệt, sức mạnh thần thông, sức mạnh tuệ giác, trở thành Bậc Biết khắp và đúng, hóa độ sâu rộng các loại chúng sinh, toàn là do người bạn tốt Đề-bà-đạt-đa (Kinh Pháp hoa, bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Quang). Nghĩa là nhờ Devadatta mà Phật thành Phật và Devadatta cũng sẽ thành Phật. Vì Devadatta luôn có mặt bên ta, trong ta, như một thử thách, một chướng ngại phải vượt qua, khiến người tu hành chân chánh thêm dũng mãnh, tinh tấn.

Về việc thực hành khổ hạnh theo Devadatta, chúng ta nhớ khi Đức Phật cảm thấy sự khổ hạnh không có ích, không liên hệ gì đối với đời sống xuất gia, cũng không giải quyết được nỗi khổ của con người, Ngài quyết định từ bỏ phương pháp tu tập khổ hạnh, đi đến dòng sông Ni Liên Thiền, thọ nhận bát sữa cúng dường. Ngài đã dạy:

“Này chư Tỳ-kheo, có hai cực đoan mà người tu sĩ không nên thực hành. Thế nào là hai?

Một – Lợi dưỡng dễ duôi trong dục lạc là thấp hèn thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân, không liên hệ đến mục đích giải thoát.

Hai – Ép xác khổ hạnh là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân và đưa đến tổn hoại.

Con đường Trung đạo, này chư Tỳ-kheo mà Như Lai đã chứng ngộ tránh xa cực đoan, đem lại pháp nhãn và tri kiến, đưa đến tĩnh lặng, liễu ngộ, toàn giác và Niết-bàn”. (Kinh Chuyển Pháp luân)

Phương pháp giải quyết các nguyên nhân gây ra sự bất an, rối loạn chính là con đường Trung đạo hay Bát chánh đạo. Khổ hạnh như Devadatta chủ trương cũng là một cực đoan cần tránh và ngược lại, xa hoa cũng hại chúng ta. “Thế nhưng hiện nay xa hoa đang lộng hành trong xã hội. Coi chừng xa hoa đang âm mưu giết ta. Hãy cảm ơn Đề-bà-đạt-đa đã kéo lui ta về trung đạo… Ăn, mặc, ở, sống hãy lui trở về trung đạo, nếu ta không làm được, ấy là ta ly khai với Đức Phật trong lòng chúng ta”, như Giáo sư Cao Huy Thuần đã viết trong lời tựa cho sách Tôn giả Devadatta của cố Hòa thượng Thích Trung Hậu.

Trung đạo không chỉ là quan điểm sống của Phật giáo, biểu thị tinh thần cởi mở không cố chấp, nó còn là một hệ thống triết học thâm sâu của Phật giáo Đại thừa… Trung đạo là tránh xa những biên kiến và cực đoan. Hãy nhớ tất cả đều do nhân duyên sinh khởi, mà sự sống chỉ là dòng sinh hoạt biến động, hòa hợp liên tục vô cùng.

Nhà sử học kiêm triết gia người Anh Arnold Toynbee từng nhận định: “Sự say mê kỹ thuật của con người thế kỷ XX đã dẫn đến việc phá hủy môi trường sống và đe dọa hủy diệt loài người. Vì vậy con người thế kỷ XX cần phải đi theo con đường trung đạo, con đường của sự tiết chế. Hơn 25 thế kỷ qua, đạo Phật đã tồn tại và phát triển dựa vào tôn chỉ và đường hướng như thế và đã mang lại thái bình cho nhiều quốc gia và dân tộc ở châu Á.

Chúng ta hiểu rằng do lòng tham như đã nói ở trên, do khao khát chiếm hữu và thỏa mãn ước mơ, có khi là cuồng vọng mà có những kẻ lãnh đạo bất chấp đạo lý, lịch sử hay địa lý, tự tuyên bố mình có chủ quyền trên vùng biển nọ trời kia, gây nên những nghiệp bất thiện như tranh chấp, mưu đồ xâm lăng nước khác có nguy cơ dẫn đến chiến tranh.

Mỗi khi tư duy lấy con người làm trung tâm và các giải pháp được mệnh danh cho sự phát triển thì lại kích thích lòng tham, tiêu thụ thì đó là nguyên nhân dẫn đến những khủng hoảng mang tính toàn cầu: nạn ô nhiễm môi sinh, hạn hán, lũ lụt, sự cạn kiệt tài nguyên và các vấn nạn khác mà thế giới chúng ta đang phải gánh chịu.

Theo A. Peceel và D. Ikeda trong Before it is too late: “Đã đến lúc chúng ta đánh giá lại toàn bộ quan điểm và tình thế hiện nay của chúng ta, ngay cả khi điều này có làm lung lay lòng tin chúng ta về cuộc cách mạng vật chất và về những khái niệm chúng ta đã đề ra cho sự tiến bộ, giàu có và văn minh trong thời đại ngày nay…”. Xã hội càng phát triển, thì con người càng rơi vào khủng hoảng, vì suy thoái về đạo đức và môi sinh. Con người chỉ biết lao vào tìm kiếm những phát minh mới, những thành tựu về “trí tuệ nhân tạo” mà theo Stephen Hawking, nó sẽ vượt qua loài người. Điều ấy ông không biết là họa hay phước cho nhân loại.

Rốt cuộc còn lại câu hỏi: Con người có hạnh phúc hay không? Ðây là vấn đề muôn thuở mà các quốc gia đang đi tìm dù Ðức Phật đã giải đáp cách đây 2.500 năm về trước. Ngài dạy rằng con người chỉ thật sự hạnh phúc khi đã đoạn tận lòng tham ái và chấp thủ.

Ðức Phật dạy: “Chúng ta là kết quả của những việc chúng ta làm bây giờ”, điều này có nghĩa là chúng ta chịu trách nhiệm mọi điều trong đời sống của chúng ta, không ai tu tập thay cho mình cũng không ai có thể cởi bỏ mọi ràng buộc, đau khổ thay cho mình.

Thế giới đang mở ra kỷ nguyên kỹ thuật số, nhiều quốc gia tiên tiến chuyển hướng theo chủ nghĩa tư bản có ý thức (conscious capitalism) mà những nguyên lý căn bản của nó nhằm khắc phục những điểm yếu của chủ nghĩa tư bản trước đây về bất công xã hội, về phân hóa giàu nghèo, thì chúng ta vẫn đang mò mẫm bước đầu trong một thứ chủ nghĩa tư bản “hoang sơ” mang màu sắc thân hữu, bị chi phối bởi những nhóm lợi ích, có hại cho kinh tế về lâu dài và cả môi trường, thậm chí an ninh, quốc phòng nếu nhìn trên bình diện rộng.

Nhìn những dự án thủy điện hay những dự án khai thác tài nguyên đang tàn phá rừng và những dự án du lịch “cưỡng bức” cảnh quan một cách tàn nhẫn, thiếu trách nhiệm, chúng ta tự hỏi con đường chúng ta cần đi dường như xa rời “trung đạo” khi thiếu hài hòa với nhân sinh và thiên nhiên. Chúng ta sẽ chết vì xa hoa, chứ không vì khổ hạnh!

Chúng ta phải hiểu sự thật duyên sinh hay nguyên lý cộng sinh của mọi sự hiện hữu. Nhận thức rõ (chánh kiến), hoạch định đời sống theo hướng tri túc (chánh tư duy), kiềm chế tiết độ (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng), phát huy năng lực nội tâm (chánh niệm, chánh định )… Đây là nếp sống mà tu sĩ và cư sĩ hay bất cứ ai muốn sống hạnh phúc trong xã hội, hòa hợp với môi trường, trân trọng thiên nhiên và để lại di sản cho thế hệ mai sau. Còn không, chúng ta sẽ không chỉ bất an trong đời sống hôm nay mà còn di họa cho mai sau.

Nhờ hòn đá của Devadatta lăn xuống đầu mình mà chúng ta cảnh giác. Cảm ơn Devadatta vì đã buộc chúng ta trở về trung đạo: đó là con đường chúng ta phải đi để đánh thức khả tính thành Phật trong lòng mọi người, nếu muốn có một xã hội hòa hợp, chan chứa tình người và đáng sống.

Và đừng lo lắng, hoảng sợ, đề phòng mà hãy đón nhận những Devadatta trong cộng đồng chúng ta đang sống hôm nay với tâm từ ái và tinh tấn!