Hãy buông tay, khi không còn có thể dung hòa

Một vị thiền sư khả kính đã từng dạy rằng, có thấu hiểu mới có yêu thương. Chúng ta không thể yêu thương khi không thực sự thấu hiểu về nhau. Khi thấu hiểu, khi yêu thương một cách chân thành, người ta sẽ tìm cách dung hòa trong đối đãi với nhau, để giữ gìn và duy trì một mối quan hệ.

Do vậy, khi không còn có thể dung hòa với nhau, hãy mạnh dạn buông tay nhau, kết thúc mối quan hệ ấy. Điều này nên làm trong cả tình bạn, tình yêu. Vì sao? Bởi khi không thể dung hòa với nhau, gượng gạo duy trì cái “danh xưng” cho mối quan hệ, vì nhiều lý do khác nhau, cũng đều là gây đau khổ và tổn thương cho nhau. Đến một lúc nào đó, khi sự tổn thương cho nhau quá nhiều, quá lớn thì sự hao mòn mà cả hai gây ra cho nhau, do nhau mà có, nếu không trở thành hiềm hận thì cũng là nỗi đau khó buông bỏ, khi bản thân mỗi người đã mắc cạn với lòng mình bởi quá nhiều khổ đau đi qua.

Đi cùng nhau trong cõi vô thường do nhiều nhân duyên. Nếu có quán chiếu nhân duyên, biết tập lắng nghe, hiểu và thương, ta sẽ khiến cho các mối quan hệ của mình được bình yên, chất lượng hơn - Ảnh minh họa của Huệ Trần

Đi cùng nhau trong cõi vô thường do nhiều nhân duyên. Nếu có quán chiếu nhân duyên, biết tập lắng nghe, hiểu và thương, ta sẽ khiến cho các mối quan hệ của mình được bình yên, chất lượng hơn – Ảnh minh họa của Huệ Trần

Nếu bạn đến với một người vì sự hấp dẫn giới tính, hãy dừng lại chuyện tình này khi bạn thấy đối phương không còn hấp dẫn nữa. Hãy nói rõ với đối phương của mình và chấm dứt quan hệ này, để bản thân không phải chịu đựng sự nhàm chán cảm xúc giới tính từ đối phương, cũng không phải đến một ngày nào đó bạn có đối tượng mới, rồi đối phương của bạn đau thêm nỗi đau bị phản bội, và bạn cũng trở thành người bất tín, bất nghĩa.

Nếu đã quá mệt mỏi vì sự khác biệt trong tính cách, ứng xử, quan điểm sống và không thể thay đổi để dung hòa, bạn cũng hãy nói thẳng thắn với nhau để dừng lại mối quan hệ này.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một cuộc hôn nhân nhiều xung đột. Và trong tôi có đứa trẻ bị tổn thương. Xung đột hôn nhân của ba mẹ tôi mà tôi nhận thức được là từ khi tôi 7, 8 tuổi. Mâu thuẫn của ông bà không dừng lại ở phạm vi gia đình riêng, nó đưa cả hai dòng họ nội ngoại vào cuộc, để bênh vực và giành lẽ đúng cho con mình, đại diện cho danh dự gia đình hai phía. Và như thế, anh chị em tôi trở thành nạn nhân của cuộc chiến này, trong sự ghẻ lạnh của quyến thuộc hai bên – cho đến khi tôi 21 tuổi, ông bà ly hôn, ở tuổi ngót nghét 50 – để quyết liệt chấm dứt danh nghĩa là vợ chồng của nhau.

Tôi nghe nói lại rằng, mẹ tôi đã xách giỏ rời nhà chồng về nhà ngoại khi chị tôi vừa lên 2 tuổi. Sau đó, bà quay trở về, và ba anh chị em tôi ra đời. Tôi nghĩ, thiện chí và lòng thấu hiểu, yêu thương, dung hòa dành cho nhau nhỏ hơn những điều khác. Rồi vui buồn tiếp nối, tôi đã thực sự ám ảnh với những câu nói trong cơn phẫn nộ cùng cực của ông bà. “Tao sẽ giết chết nó rồi đi tù tao cũng chịu”; “Tao sẽ tự tử chết đi, để mẹ mày và tụi bây làm gì thì làm…”; “Tao và nó không đội trời chung kiếp này”; “Mày nghe theo lời nó thì đừng nhìn mặt tao”; “Tao vì tụi bây mà chịu khổ ở cái nhà này quá nhiều rồi…”.

Đến bây giờ, khi 38 tuổi – ngẫm mình đã sống gần 20 năm trong một cuộc chiến quá khốc liệt, trong sự lớn lên, trưởng thành của một con người. Sợ hãi, chênh chao, đớn đau… là những gì còn lại trong nửa đời người đã qua, của cả bốn anh chị em tôi. Khi nhắc đến ông bà, là sự sợ hãi và những giọt nước mắt chảy ra từ trong vô thức, của những nỗi đau đã khoắm sâu vào tâm khảm, những điều mà chúng tôi đang học cách xả buông, mỗi ngày…

Thế nên khi không còn thương yêu nhau, khi không thể dung hòa vì nhau, tốt nhất là hãy buông tay nhau, buông đi cái thỏa mãn ái dục mình có từ đối phương, buông đi cái danh dự hay danh xưng rỗng không… bởi trong sự sân hận, bất mãn chúng ta dù cố ý hay không, cũng đang làm tổn thương biết bao con người xung quanh, nhất là những con người trong giềng mối thế gian.

Vậy nên, hãy mạnh dạn buông tay, khi không còn thương!

Huệ Trần