Hạt cải chứa núi Tu di

Thứ sử Lý Bột ở Giang Tô sống vào triều nhà Đường, hỏi Thiền sư Trí Thường rằng: “Trong kinh Phật có nói, núi Tu di chứa hạt cải, tôi không hoài nghi, còn chuyện hạt cải chứa cả núi Tu di, đâu chẳng phải là lời bàn hư dối ư?”. 

 

Thiền sư Trí Thường nghe nói xong, Ngài cười hỏi: “Mọi người đều đồn rằng, ông đọc sách hơn vạn quyển, việc này có đúng thế không?”.

Lý Bột gật đầu nói: “Thật không sai!”.

Thiền sư làm ra vẻ không hiểu và cật vấn rằng: “Xem ra bộ óc của sứ quân lớn tương đương với cái sọ dừa, thế thì một vạn quyển sách nhét chỗ nào cho hết?”.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Lý Bột liền phủ phục lễ bái.

Ngày thứ hai Lý Bột lại hỏi Thiền sư rằng: “Trong thuyết giáo đại tạng kinh, việc khiến người hiểu rõ là ở phương diện nào?”.

Thiền sư liền đưa lên nắm tay thị ý: “Lãnh hội được không?”

Lý Bột mù tịt đáp: “Không hiểu!”.

Thiền sư nói: “Cái nắm tay này mà không hiểu nữa sao?”.

Lý Bột cung kính thỉnh giáo: “Xin Thiền sư chỉ bày rõ”.

Thiền sư khai thị nói: “Gặp người thích hợp thì ở giữa đường chỉ cho hắn, nếu không gặp thì tùy thuận theo đạo lý thế gian mà lưu bố đạo lý”.

Có vài việc phải từ sự mà nói, có vài việc phải theo lý mà hiểu. Lý sự rõ ràng không ngại, không luận là pháp thế gian hay xuất thế gian đều có thể thông đạt không sót.

Không luận từ xưa nay, không luận trong ngoài, phàm việc gì nếu hay lý giải rõ ràng, xử lý được tự nhiên thì cũng có thể muốn gì thì đều được kết quả và không còn trở ngại.

Thích Thiện Phước