Hành trình trên đất phương Nam
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Cà Mau – nơi cuối cùng cực Nam của Tổ quốc
“Hành trình đất phương Nam” là tên gọi chương trình do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức cho đội ngũ những người làm báo đoạt giải báo chí năm 2020, 2021, 2022 và cán bộ tuyên giáo, báo chí – xuất bản thành phố.
Chương trình tham quan thực tế tại các địa danh lịch sử, văn hóa của các tỉnh thành Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu và Cà Mau, từ ngày 15 đến 19-11.
Trong hành trình ý nghĩa này, mỗi nơi đi qua không chỉ để lại cảm xúc cho các thành viên trong đoàn về sự thấm đượm tình đất, tình người phương Nam, mà bên cạnh đó, còn có nhiều yêu thương được khơi nguồn, truyền trao.
Học bổng tiếp sức cho em
Trong lúc chờ nhận những phần học bổng được trao tặng bởi đoàn cán bộ “Về nguồn”, Lê Hoàng Yến, học sinh lớp 6, Trường Trung học cơ sở Trần Thị Lự, (tỉnh Bến Tre) tỏ ra vô cùng hồi hộp.
“Vì ba bỏ con đi, chỉ có bà ngoại và mẹ nuôi con. Mẹ con đi làm móng tay thuê cho tiệm tóc, kiếm tiền vất vả lắm. Có học bổng này, con biết là mẹ và bà rất vui vì con đang học tốt, bà và mẹ sẽ cảm thấy hết cực. Lúc ba bỏ đi, mẹ khóc rất nhiều. Khi con học giỏi mẹ lại cười, lúc làm mệt về, dù trễ, 7g, 8g tối mẹ thấy con đang học bài là mẹ vui. Cho nên con càng phải học giỏi. Con chỉ muốn mẹ hạnh phúc thôi”, Yến kể.
Nhận học bổng, cầm trên tay phong thư có đựng số tiền bên trong, Yến vui lắm. Em lấy tay vuốt cho bao thư thẳng thớm, nôn nao chiều đến thật nhanh để được khoe với mẹ.
Ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM trao tặng quà đến các em học sinh |
Dẫn cháu ngoại Phạm Gia Bảo, học sinh lớp 6, Trường Nguyễn Thị Nhân, xã Phú Mỹ (tỉnh Bến Tre) đến nhận học bổng, bà Trần Thị Lùn, 63 tuổi không khỏi xúc động. “Phần học bổng này với gia đình tôi có ý nghĩa lớn lắm!”. Vừa dứt lời, bà rút từ túi quần ra chiếc điện thoại đã hư mà lâu rồi chưa có tiền sửa để cháu học.
“Nhiều đêm thức trắng không ngủ được, nhắm mắt lại là nhớ lời cháu nói, ngoại ơi điện thoại hư, thầy nói liên lạc không được, con cũng không biết cách học bài”, bà nói mà không kiềm được nước mắt.
Bà kể mẹ của cháu Bảo bị khuyết tật, câm, điếc, bị dụ dỗ khi đi làm ở TP.HCM và sinh em ra đời. Bà Lùn đành ôm con, cháu vào lòng. Niềm an ủi, động viên lớn nhất của bà là cháu Bảo rất hiếu thảo. Có những ngày nhà hết gạo, hết mì, hết đồ ăn, bà thà đói chứ chưa để cháu đói. “Sáng tôi chiên cơm nguội cho cháu ăn đi học, cháu ăn luôn chừa lại một phần cho mẹ”, bà Lùn chia sẻ.
Nụ cười rạng rỡ của các em học sinh khi nhận học bổng
Chuyện về Bảo khiến người nghe xúc động hơn khi biết, từ lúc đi học đến nay, em chưa bao giờ xin tiền ăn vặt. Mẹ em thỉnh thoảng kết cườm, có được tiền cho em ăn bánh nhưng em lại dùng tiền đó để mua ngược lại cho mẹ.
“Con vui khi nhận học bổng, con cố gắng học giỏi vì như vậy con sẽ dễ có học bổng hơn, để có tiền đi học, vậy thì bà ngoại đỡ cực”, Bảo nói.
Xúc động hai chữ “nghĩa tình”
Trong những người đến nhận quà tri ân, ông Lê Thành Ứng, 80 tuổi ,người lính đặc công ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, không giấu được niềm vui, vì được chính quyền nhớ đến và được đoàn quan tâm.
Thời chiến, ông Lê Thành Ứng thực hiện nhiệm vụ thực địa, nắm tình hình lực lượng của địch, gỡ bom mìn. Trong một lần gỡ mìn, không may ông bị thương cụt mất một bàn tay và tay còn lại chỉ còn một ngón. Ông được xác định thương tật 85%, thương binh hạng ¼.
Khi nhận được thư mời đến dự lễ của đoàn đến thăm, ông Ứng mừng lắm. Ông được người bạn chí cốt chở từ nhà đến hội trường. Trong niềm xúc động, ông Ứng nói mãi lời cảm ơn món quà nghĩa tình: “Chúng tôi cần vầy thôi là đủ ấm lòng lắm rồi”.
Niềm vui của người lính đặc công Lê Thành Ứng nhận quà tri ân
Tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau – nơi cuối cùng cực Nam của Tổ Quốc, đoàn chọn điểm phát quà tại Trung tâm Văn hóa ấp Mũi. Thư mời 8g30 nhận quà, từ lúc 7g chú Võ Thành Cường đã đến.
Để đến nơi nhận quà, chú Cường xin nghỉ làm thuê buổi sáng, nhận xong tranh thủ về xúc cát, đá cho chủ. Chú nghĩ, một phần quà cỡ ba trăm ngàn như mọi khi được lãnh, khi biết bao thư một triệu đồng, chú nghẹn ngào: “Quà lớn nhất đó giờ tôi nhận. Nhận quà như thấy Tết về, vui vì mình đang sống trong tình yêu thương”.
Chú kể, con trai vừa mất hơn một tháng, chú chạy đôn đáo mượn tiền làm đám tang cho con. Lúc đi mượn tiền, chú cũng không biết là làm thuê mấy năm mới trả nổi nhưng vẫn quyết định vay, để lo cho con tươm tất. Vì sự hiền lành của chú mà cán bộ ai cũng thương. Khi có cơ hội luôn tiếp sức, nhớ đến chú.
“Hàng năm, Thành ủy TP.HCM đều tổ chức chương trình ‘Về nguồn’ cho các phóng viên, biên tập viên tiêu biểu của thành phố thăm các khu di tích cách mạng, khu tưởng niệm các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng thực hiện công tác an sinh xã hội.
Những phần quà tuy không nhiều, nhưng là tấm lòng của anh em cán bộ tuyên giáo, báo chí đối với bà con nhân dân. Đây không chỉ là tình cảm mà thật sự là trách nhiệm, nhằm thể hiện tinh thần ‘uống nước nhớ nguồn’. Chúng tôi mang tấm lòng đó đến với bà con, mong bà con cố gắng vượt qua khó khăn để có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM
Nguyễn Tấn Phong
Người dân nhận quà xúc động, ông Trương Văn Sệ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đất Mũi lại càng xúc động hơn, ông nói: “Đoàn Tuyên giáo, Báo chí – Xuất bản TP.HCM không ngại đường xa đã đến với người dân Đất Mũi, gửi tặng những phần quà cho bà con và các em học sinh. Mặc dù ông Nguyễn Tấn Phong nói, 100 phần quà, mỗi phần giá trị chỉ có 1 triệu, đó là giá trị vật chất nhưng với chúng tôi, giá trị về tinh thần thì không thể đong đếm được”.
Những phần quà tuy không nhiều về vật chất nhưng lại có ý nghĩa rất lớn lao với người đang cần, là sự tri ân người lính, sự tiếp sức nâng đỡ cho hoàn cảnh khó khăn và là động lực để những đứa trẻ nhà nghèo, hiếu thảo vượt khó, vươn lên. Học bổng của đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí TP.HCM sẽ là nhịp dẫn, là cánh tay nối dài, cổ vũ và lan tỏa, để hoạt động nhân văn, nghĩa tình này sẽ được nhiều tổ chức, nhiều cá nhân chung tay.
Với 100 phần quà và học bổng đoàn trao tặng cho người dân và học sinh, chúng tôi chỉ biết nói lời tri ân vô cùng. 2 năm qua ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ không trồng trọt được, không chăn nuôi được, không làm thuê được. Việc hỗ trợ của đoàn là động lực cho huyện tiếp tục nỗ lực chăm lo cho người dân”.
Ông Phạm Thanh Truyền,
Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc