Hành trình tìm đạo trong tôi
Và với bức tranh tuổi thơ của tôi, mái chùa là một xâu chuỗi kỉ niệm đong đầy yêu thương và mang nhiều dấu ấn sâu đậm từ việc đi chùa cho đến dẫn tôi đến với đạo…
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
Thật vậy… từ xa xưa mái chùa đã gắn liền với hình ảnh của làng quê bình dị, đó không chỉ là một ngôi nhà tâm linh mà còn là một nét đẹp tâm hồn, một hình ảnh đặc biệt trong bức tranh thôn quê bình dị ấy. Và với bức tranh tuổi thơ của tôi, mái chùa là một xâu chuỗi kỉ niệm đong đầy yêu thương và mang nhiều dấu ấn sâu đậm từ việc đi chùa cho đến dẫn tôi đến với đạo…. Nó tựa như một chuyến hành trình dài đưa tôi đi mà đến tận bây giờ tôi vẫn khó trả lời, phải chăng tất cả bởi chữ “duyên”. Nhưng không sao, nó đã đi và đưa tôi như thế này đó…
Tôi đi… chùa từ thuở còn tấm bé mới lớp 1, lớp 2. Ông nội tôi trông nom nhang đèn cùng các cụ trong ngôi chùa làng và tôi nhớ rằng tôi đã được ông đèo trên chiếc xe đạp cũ đi chùa. Tôi đi không phải vì tôi muốn đi, mà vì không có người chơi cùng nên tôi đành theo ông vậy. Song không hiểu cái đi đó nó thành quen hay tôi thích, nhưng suốt quãng thời gian 5 năm học tiểu học tôi đã được nội đèo đi chùa trong những ngày nghỉ… Thật bình yên, tôi đi chùa như thế đó…
Tôi nhớ… có một kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên. Đó là ngày hội ở chùa, do các cụ có thuê trần thiết nên phải cử người trông nom qua đêm và nội tôi đã nhận. Và hôm đó, nội tôi đã lên chùa ngủ nhưng tôi đòi đi theo, bởi từ trước tới nay tôi luôn ngủ cùng nội, hễ hôm nào nội đi đâu xa không ngủ ở nhà là tối đến tôi lại khóc to: “Ông ơi, ông đâu rồi?!”
Thật buồn cười phải không mọi người. Cái đêm ngủ ở chùa đó tôi cũng đã khóc dù được ngủ cùng nội. Tôi khóc vì tôi sợ, sợ những ông tượng trong chùa, nhất là ông hộ pháp trừng ác. Nằm ở góc bên phải chùa, tôi thấy một ông tượng to râu dài, mặt đỏ, tay cầm đao kiếm, cưỡi sư tử; chuyển nằm sang góc phải tôi lại thấy một ông tượng cũng mặt đỏ, râu dài (đức ông); tôi đòi nằm vào bên trong thì chưa kịp nằm tôi đã đòi ra vì sợ, sợ những ông tượng đủ tư thế, đủ sắc thái: đứng, nằm, ngồi, to, gầy, buồn vui… Cuối cùng tôi đã đòi về, nhưng điều đó là không thể đành chấp nhận ngủ ở chùa và mân mê cổ áo ông thức suốt đêm…
Tôi thích… những câu chuyện “kì bí” về các đấng thần thánh, siêu nhiên dù tôi rất sợ. Tôi chú ý nghe từng câu khi có ai đó kể và để rồi đi “tường thuật” lại cho đám bạn cùng lớp nghe. “Cấm chỉ chỏ, chỉ vào về nhà ông tượng chặt cụt tay!” đó là câu nói mà không chỉ tôi chắc còn nhiều bạn nhỏ cũng được nghe người lớn dặn mỗi lần khi lên chùa như vậy. Tôi đã nghĩ ông tượng chắc ghê lắm. Thật buồn cười…
Tôi ấn tượng… đêm hội hoa đăng đầu tiên. Thời gian trôi qua, không còn là một cậu bé lớp 1, lớp 2 được nội đèo đi chùa bên chiếc xe đạp cũ “cọc cọc”, tôi đã là một cậu học sinh cấp 2. Năm tôi học lớp 8, được một bá trong cùng xã đưa về chùa Diên Quang (Quế Võ – Bắc Ninh). Tôi đã đi đến các ngôi chùa ở nhiều nơi khác nhau, nhưng ngôi chùa này đã mở ra cho tôi một cánh cửa mới, nó đẹp, nó lạ và nó ấn tượng đến lạ lùng. Thức trắng đêm hôm trước thao thức cùng đoàn về chùa. Xuống xe, tôi đã thốt lên rằng “Đẹp thật, các Thầy làm kì công quá, chưa bao giờ cháu thấy chùa nào làm đẹp như thế này”. Những dãy đèn hoa sen sáng hồng rực, tôn tượng Tây phương Tam Thánh trang trí lộng lẫy cờ hoa dưới ánh đèn mờ ảo. Tôi đã có một ngày trải nghiệm đầy thú vị, nghe pháp, tụng kinh, niệm Phật, … và đặc biệt là đêm hội hoa đăng dưới ánh sáng của hàng ngàn ngọn nến lung linh trong cái giá buốt se lạnh, tất cả đều bỡ ngỡ trong tôi.
Tôi mê mẩn… và như lắng đọng tâm hồn trong từng lời kinh, tiếng kệ xen kẽ nhịp mõ, tiếng chuông nhịp nhàng. Mỗi lần tụng kinh và xướng lên hồng danh của đức Phật và Bồ Tát, lòng tôi cảm thấy đầy an lạc và hoan hỷ. Tôi hiểu và thấy thích thú với cảnh giới Tây phương trong kinh A Di Đà, với hạnh nguyện của Quán Thế Âm Bồ Tát bao dung, từ bi, say sưa trong lời dạy của Đức Thế Tôn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa,… Thật vi diệu…
Tôi phát nguyện… hành trì theo pháp môn Tịnh Độ cầu giác ngộ, giải thoát. Tôi nguyện sẽ tụng kinh, ăn chay, đi chùa, phóng sinh, tránh ác làm lành,… Tôi cũng nguyện sẽ trở thành người con chính thức của Đức Phật (quy y Tam Bảo) sau khi đã dự đủ 3 khoá hoa đăng vía đức A Di Đà tại chùa Diên Quang. Và tôi đã làm như thế, để ngày 13 tháng 11 năm Quý Tỵ, là ngày tôi như được sinh ra lần thứ hai trên cõi đời này, tôi đã trở tàhnh người con của đức Phật từ bi. Ôi! Sung sướng thay, hạnh phúc thay. Con xin cảm tạ tri ân mái chùa Diên Quang đã dẫn con tới đạo Phật và xin tri ân công đức tới vị thầy Bổn sư khả kính, Thượng toạ Thích Chân Tính, người mà con ngưỡng mộ nguyện một lòng ơn nhớ. Tôi cũng nguyện, sẽ lấy đạo Phật làm ngôi nhà Tâm linh của mình, suốt một đời quy ngưỡng “sống để dạ chết mang theo”…
Tôi buồn… mỗi khi nhớ tới cánh cửa chùa làng đìu hiu vắng lặng. Về chùa Diên Quang, tôi thấy một khung cảnh tu tập đầy hoan hỷ, an lạc, nó được thể hiện rõ trên khuôn mặt của mọi người khắp các tỉnh thành lân cận về cộng tu. Dưới những lời giảng của quý Thầy, trong câu niệm xưng danh chư Phật, Bồ Tát, tôi nghĩ mình như đang ở Tây phương vậy. Tháng nào cũng thế, ngôi chùa như đông vui và trang nghiêm quá. Tôi luôn mong ngôi chùa làng quê tôi cũng sớm được như vậy…
Tôi mơ… một ngày nào kia giáo pháp của đức Phật sẽ được lan toả trên vùng quê tôi. Tôi mơ lời kinh, tiếng kệ, nhịp mõ, tiếng chuông sẽ ngân vang hàng ngày, nếu nó trở thành hiện thực… giáo pháp đức Phật sẽ được xương minh nơi vùng đất vô minh bị che lấp bởi trăm nghìn thứ tà đạo:hầu bóng Tứ phủ, tìm hài cốt tâm linh, đạo Bác Hồ, đạo Âm Thanh Phật sống Trần Tâm,… . Tôi cũng mơ rằng sẽ có những buổi cộng tu chào đón hàng nghìn Phật tử khắp nơi về tu tập như chùa Diên Quang vậy. Ôi, thật hạnh phúc và sung sướng vùng quê tăm tối, mọi người biết đi chùa lễ Phật, tụng kinh thường xuyên, không còn là quy y Tam Bảo rồi lấy điệp cả năm không lên chùa một lần như hiện tại. Diễm phúc và trang trọng biết bao… được quy y Tam Bảo, chính thức mang trong mình giọt máu hồng của Đức Thế Tôn, tôi cảm thấy tâm hồn tôi luôn an trú trong tình yêu thương bao bọc của Đấng Từ phụ hiền lành, bác ái. Việc quy y Tam Bảo như một chiếc đòn bẩy công năng giúp tôi biết vươn lên và sống tốt trong đời sống hiện tại và tìm tới sự giải thoát trong tương lai. Tôi luôn tâm niệm về luật nhân quả và luôn hướng tới cảnh giới A Di Đà ở thế giới Tây phương như trong kinh A Di Đà nói. Để rồi, tôi luôn nhớ bốn câu thơ mà Đức Phật đã dạy trong một lần nghe pháp của quý Thầy:
Không làm các việc ác
Siêng làm các hạnh lành
Giữ tâm ý tịnh thanh
Là lời chư Phật dạy…
Nguyện cầu mười phương Tam Bảo gia hộ cho thế giới hoà bình, quốc gia hưng vượng.
Nguyện cho tất cả loài người sống trọn trong tình yêu thương đùm bọc sẻ chia, nguyện cho tứ chúng Phật tử sống trọn trong sự an lạc, giác ngộ và mong cầu giải thoát…
Nam mô A Di Đà Phật.
PT.Tịnh Sơn