Hành trạng Thiền sư Hy Vận

Sư người tỉnh Mân – Phước Kiến, Hồng Châu, thuở nhỏ xuất gia trên núi Hoàng Bá tại bản châu. Trên trán Sư có cục thịt nổi vun lên như hạt châu, âm thanh trong trẻo, ý chí cao nhàn.

 

Thuở nhỏ ngài đã có khí chất khác người. Trên trán có cục thịt nổi vun lên như hạt châu là tướng đặc biệt của các bậc đại nhân. Chúng ta thấy hình ảnh chư Phật, chư Bồ-tát ở các nơi như Hồng Kông, Đài Loan trên trán có búi tóc cao, gọi là kế châu. Cho nên cũng có thể xem ngài như một vị Bồ-tát tái lai. Ngài xuất gia trên núi Hoàng Bá tại bản châu.
Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Đi dạo núi Thiên Thai, Sư gặp một vị tăng nói chuyện với nhau như đã quen biết từ xưa, nhìn kỹ là người Mục quang xạ. Hai người đồng hành, gặp một khe suối nước đầy chảy mạnh, Sư lột mũ chống gậy đứng lại. Vị tăng kia thúc Sư đồng qua. Sư bảo:

– Huynh cần qua thì tự qua.

Vị tăng kia liền vén y, bước trên sóng như đi trên đất bằng. Qua đến bờ, vị tăng kia xoay lại hối:

– Qua đây! Qua đây!

Sư bảo:

– Bậy! Việc ấy tự biết. Nếu tôi sớm biết sẽ chặt bắp đùi huynh.

Vị tăng kia khen:

– Thật là pháp khí Đại thừa, tôi không bì kịp.

Nói xong, không thấy vị tăng ấy nữa.

Sau khi xuất gia, ngài đi hành cước học hỏi các nơi. Đến núi Thiên Thai gặp một vị tăng nói chuyện với nhau như đã quen biết hồi nào, nhìn kỹ lại là người Mục quang xạ. Mục quang xạ là người chân đi hỏng đất, nói theo dân quê là hồn ma đó. Chư huynh đệ gặp người này chắc sợ lắm, nhưng ngài Hoàng Bá tiếp chuyện bình thường, lại thấy như quen biết từ hồi nào.

Trên đường gặp dòng nước chảy mạnh, người kia thúc qua. Ngài lột nón đứng trên bờ bảo: Huynh cần qua thì tự qua. Người kia vén áo đi phơi phới trên mặt nước như đi trên đất bằng. Qua tới bờ bên kia, xoay lại hối ngài Hoàng Bá qua mau. Ngài nói: Nếu sớm biết đã chặt bắp đùi huynh. Vị tăng ấy khen: Thật là pháp khí Đại thừa, tôi không bì kịp.

Đó là tư cách đặc biệt của một bậc tổ sư, là thầy của tông chủ tông Lâm Tế về sau.

Sư đến kinh đô nhờ người mách đến tham vấn Mã Tổ, đến nơi Mã Tổ đã tịch. Sư đến Thạch Môn lễ tháp, rồi tìm đến Bá Trượng.

Bá Trượng hỏi:

– Chững chạc to lớn từ đâu đến?

Sư thưa:

– Chững chạc to lớn từ Lãnh Nam đến.

– Chững chạc to lớn sẽ vì việc gì?

– Chững chạc to lớn chẳng vì việc khác.

Hoàng Bá hình tướng to lớn nên ngài Bá Trượng dùng từ “chững chạc to lớn” để hỏi. Ngài cũng dùng lại từ này để trả lời thầy

Chững chạc to lớn sẽ vì việc gì? Ngài đáp: Chững chạc to lớn chẳng vì việc khác. Bạch thầy, con đến đây không vì việc khác, không phải đi xem núi xem nước, mà đến đây chỉ một việc duy nhất thôi.

Sư liền lễ bái hỏi:

– Từ trước tông thừa chỉ dạy thế nào?

Bá Trượng lặng thinh.

Khi hỏi đến tông chỉ thì thầy lặng thinh, không nói chững chạc gì nữa.

Sư thưa:

– Không thể dạy người sau, dứt hẳn mất.

Bá Trượng bảo:

– Sẽ nói riêng với ngươi.

Bá Trượng đứng dậy đi vào phương trượng. Sư đi theo sau, thưa:

– Con đến riêng một mình.

Bá Trượng bảo:

– Nếu vậy, ngươi sau sẽ không cô phụ ta.

Nếu thầy nhập vào chỗ lặng lẽ như vậy thì lấy gì dạy người sau? Thầy bảo việc tông thừa ta sẽ dạy riêng. Nói xong thầy đứng dậy vào phương trượng. Đệ tử liền đi theo và bạch “con đến riêng một mình đây”. Ông thầy biết đệ tử đã hiểu ý mình, mai này sẽ tiếp nói được tông phong.

Một hôm, Bá Trượng hỏi:

– Ở đâu đến?

Sư thưa:

– Nhổ nấm dưới núi Đại Hùng đến.

– Lại thấy đại trùng chăng?

Sư làm tiếng cọp rống. Bá Trượng cầm búa thủ thế. Sư vỗ vào chân Bá Trượng một cái. Bá Trượng cười to bỏ đi.

Bá Trượng thượng đường bảo chúng:

– Dưới núi Đại Hùng có con đại trùng, các ngươi nên xem. Lão Bá Trượng này hôm nay đích thân bỗng gặp và bị cắn một cái.

Đọc đến những hình ảnh này, tôi cảm thấy đời sống của các thiền sư ngày xưa thư thả, thông thoáng làm sao. Chúng ta ngày nay đâu được đi dạo núi. Thời điểm của mình, cuộc sống bề bộn quá. Bước ra thấy xe cộ rộn ràng, nhà cửa nghênh ngang, khung trời tịnh thanh bị khuất lấp đâu mất. Chúng sanh đã đưa đầy vọng tưởng, ý niệm, phiền não vào đó. Người ta đi trên đường phải học luật giao thông, đội nón bảo hiểm… mà tai nạn vẫn xảy ra hàng ngày. Người xưa bước theo lối mòn mà đi, không hề có xe ngược chiều lủi nhằm, cũng không ai đâm ngang hay bổ nhào vào người. Cứ thảnh thơi, tự tại mà đi.

Một khi chúng ta lột bỏ được ba mớ vọng tưởng, tay chân đầu óc mình thong thả biết bao nhiêu. Bây giờ bước ra nặng nề, trì trệ là vì mình quá lao lư, lăng xăng nhìn trước ngó sau. So sánh người thời nay với khỉ vượn có lẽ chưa chính xác lắm, mà còn hơn khỉ vượn gấp trăm ngàn lần. Tại sao? Vì khỉ vượn chỉ lăng xăng tay chân thôi, chớ con người lăng xăng cả tay chân lẫn cái đầu.

Thời buổi này cái đầu ai còn sáng, chưa bị thần kinh là phước lớn lắm. Không biết thiên hạ nghĩ cái gì, mà họ không nhận ra cha mẹ, anh em, thầy bạn… cứ đâm bổ vào nhau rồi nổi điên la hét rượt đuổi, không còn gì là đạo đức kỷ cương. Chúng ta vào được đạo tràng như thế này là hy hữu lắm giữa cuộc sống đảo điên hôm nay. Cho nên huynh đệ ráng tu, nương vào phước lực của Tam bảo, yên ở một chỗ tu hành. Đừng nghe tổ sư dạo núi, mình cũng muốn dạo núi. Nguy hiểm vô cùng. Bây giờ không có núi nào giống như ngày xưa để chúng ta dạo đâu. Núi non thời này cũng bị phố thị hóa hết rồi.

Bá Trượng hỏi: Ở đâu đến? Sư thưa: Nhổ nấm dưới núi Đại Hùng đến. Mùa mưa chư tăng đi nhổ nấm. Núi chỗ Bá Trượng ở tên là Đại Hùng. Hỏi: Lại thấy đại trùng chăng? Đại trùng là con thú lớn, như cọp beo chẳng hạn. Ngài Hoàng Bá bén nhạy phi thường, nghe hỏi vậy liền làm tiếng cọp rống. Bá Trượng cầm búa thủ thế. Vì muốn trị được chúa tể sơn lâm thì phải có người sơn lâm. Người sơn lâm thì có vũ khí là cái búa. Thầy trò quả thật xứng đáng. Ngài vỗ vào đùi Bá Trượng một cái, Bá Trượng cười to bỏ đi. Thủ thế thì thủ, nhưng chúa tể sơn lâm đã đớp được một miếng rồi, thầy cười vui vẻ.

Sư thượng đường dạy chúng: Dưới núi Đại Hùng có con đại trùng, các ngươi nên xem. Lão Bá Trượng này hôm nay đích thân bỗng gặp và bị cắn một cái. Nghĩa là Lão tăng hôm nay đã chọn được người kế thừa.

Sư ở chỗ Nam Tuyền. Một hôm, toàn chúng đi hái trà, Nam Tuyền hỏi:

– Đi đâu?

Sư thưa:

– Đi hái trà.

– Đem cái gì hái?

Sư đưa con dao lên. Nam Tuyền bảo:

– Tất cả đi hái trà đi.

Chỗ ngài Nam Tuyền có rừng trà. Thường các tùng lâm ở núi có vườn trà, truyền thống đó đến nay vẫn còn. Tôi có xem một đoạn ghi hình thiền viện thời hiện đại ở nước ngoài. Một ngôi thiền viện xinh xắn trên ngọn núi không cao lắm, nhưng khá nổi tiếng. Trụ trì thiền viện này là một ni sư, đệ tử không đông nhưng sinh hoạt nề nếp, qui củ. Khu vực trồng trà của thiền viện rất hay. Phật tử dưới phố lên thấy chư ni đi hái trà cũng đi theo. Quý cô nhỏ nhắn đeo gùi hái trà thoăn thoắt. Ni sư trụ trì hướng dẫn cách rửa trà, làm trà, Phật tử ủng hộ phương tiện đóng thành gói đưa ra thị trường. Trà của thiền viện này là một loại danh trà. Huynh đệ ngồi thiền hay ngủ gục uống vào hết ngủ ngay.

Sinh hoạt của chư Tăng Ni ở thiền viện gần gũi với thiên nhiên lắm. Có khi các ngài vào rừng hái trà, có khi xuống thiền trang nhổ nấm… Nam Tuyền là đệ tử lớn của Mã Tổ, huynh đệ với ngài Bá Trượng, thuộc về bậc thầy của Hoàng Bá.

 

Nam Tuyền hỏi: Đi đâu? Sư thưa: Đi hái trà. Đem cái gì hái? Sư đưa con dao lên. Nam Tuyền bảo: Tất cả đi hái trà đi. Câu hỏi này tương tự như câu hỏi của Hòa thượng Trúc Lâm: “Khi bị vọng tưởng, con lấy cái gì trị?” Hoặc thấy người nào phụng phịu mắt đỏ hoe, hỏi: “Con ngồi thiền nhớ má, làm sao trị?” Ý tư là như vậy. Ở đây hỏi đi hái trà lấy cái gì để hái, ngài Hoàng Bá đưa con dao lên. Đúng rồi, đi hái trà thì phải có phương tiện. Hoàng Bá đã nắm được phương tiện ấy rồi, nên ngài Nam Tuyền gật đầu ngay “tất cả đi hái trà đi”.

 

Con dao là một loại vũ khí không chỉ để hái trà mà còn để chặt đứt dây mơ rể má phiền não. Người tu phải có kiếm trí tuệ. Tu pháp môn nào cũng lấy trí tuệ làm gốc. Muốn có trí tuệ thì phải định, muốn định phải thiền. Do vậy chúng ta tu thiền để được định, phát huy trí tuệ điều phục phiền não. Đầu tiên chúng ta nhập chúng, sống hòa hợp với huynh đệ, nấu cơm, quét sân, trồng cây, tưới cảnh v.v… dần dần tiến đến buông vọng tưởng, định tĩnh hiện tiền, trí tuệ sẽ tròn đầy. Nó là phương tiện độc đáo, siêu việt nhất của người tu.

Ngày xưa bà Ba là người ủng hộ cho Hòa thượng Vạn Đức đi học ở Huế, sau này bà cũng ủng hộ cho tôi. Hôm đó bà yếu, lúc đầu còn ở nhà thiền ni, sau được đưa về thất riêng. Tôi có đến tụng kinh cho bà. Hòa thượng vô thăm, ngài để xâu chuỗi lên ngực bà. Từ đó bà thiếp đi cho tới mất, rất êm dịu nhẹ nhàng. Pháp lực từ xâu chuỗi của một bậc tu hành chân chính có hiệu lực như vậy. Do công phu niệm Phật mà định tuệ của Hòa thượng tròn sáng, ảnh hưởng tốt đến bà Ba trước giờ phút lâm chung. Điều này tôi thấy rất rõ ràng.

Nghiệp lực của con người lớn lao lạ thường. Chúng ta đừng nghĩ rằng cả đời mình làm việc tốt, tu hành đàng hoàng mà đảm bảo cận tử nghiệp phút lâm chung tốt. Có khi nó tốt, có khi nó không tốt. Người tu cần phải quan tâm cận tử nghiệp của mình. Cận tử nghiệp là gì? Là nghiệp tập lúc mình hấp hối. Khi sắp bỏ thân tứ đại, những nghiệp nào chúng ta đeo mang suốt cuộc đời, nó hiện ra trước. Sự thực mà nói trong lòng chúng ta còn nhiều điều không dám trình với ai hết. Nếu có thì chỉ bộc bạch với Phật tổ thôi. Cho nên tới khi hiểm nguy nó hiện ra, ý thức lúc này yếu rồi, không thể che dấu được nữa. Những người bình thường thấy hiền lành nhưng trước phút lâm chung quơ tay quơ chân, la hét dễ sợ là do cận tử nghiệp, các thứ cù cặn từ trong tàng thức trồi ra.

Lúc đó nếu có những bậc thầy đạo cao đức trọng, công đức và uy lực lớn lao sẽ giúp cho người sắp mất nhẹ bớt phần nào nghiệp lực của họ. Pháp lực của người tu thường là xâu chuỗi, cây gậy, cái nón len hay đôi dép v.v… chứ không phải đồng hồ vàng, bát ngọc hay châu báu. Như Tế Điên Hòa thượng có cái quạt pháp lực vô song. Toàn thân ngài là thuốc. Người nào bị bệnh thầy thuốc chạy, ngài móc trong mình ra vò vò một cục đen thui, đưa họ uống. Đang ngắc ngư vậy mà chịu uống là tỉnh ngay.

Chúng ta bây giờ không có những thứ đó, chỉ có đồng hồ đeo tay. Đồng hồ của mình chẳng những không có tác dụng cứu độ ai, mà còn gây phản cảm cho Phật tử nữa. Phật tử tìm đến học đạo là học gương hạnh tu hành của mình, chứ đâu có học cách phục sức đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo đó. Họ sẽ nhắc nhở mình dẹp mấy thứ đó đi. Tại sao? Vì họ ở ngoài đời vướng mấy thứ đó mệt lắm, thấy mình tu mà vướng họ thương, không đành lòng để như vậy. Cho nên huynh đệ nhập chúng tu học rồi đừng có đeo cái gì hết, chướng mắt thiên hạ lắm.

Hôm nọ, Nam Tuyền bảo Sư:

– Lão tăng ngẫu hứng làm bài ca “Chăn Trâu”, mời Trưởng lão hòa.

Sư thưa:

– Tôi tự có thầy rồi.

Ngài Nam Tuyền rất thích khí lượng của Sư nên muốn kết duyên. Ngài thưa thẳng “tôi tự có thầy rồi.”

Sư từ giã đi nơi khác. Nam Tuyền tiễn đến cổng, cầm chiếc mũ của Sư đưa lên hỏi:

– Trưởng lão thân to lớn mà chiếc mũ rất nhỏ vậy?

Sư thưa:

– Tuy nhiên như thế, đại thiên thế giới đều ở trong ấy.

Nam Tuyền bảo:

– Vương lão sư vậy.

Sư đội mũ ra đi.

Thiền sư Nam Tuyền có vẻ quý mến Sư, nên một lần mời hòa kệ. Lần sau khi ngài từ giã đi, ngài Nam Tuyền đích thân đưa tới cổng, mặc dù lớn hơn ngài. Nam Tuyền cầm mũ của ngài đưa lên nói thân to lớn mà sao cái mũ nhỏ vậy. Ngài thưa tuy nhiên như thế đại thiên sa giới trùm hết trong đó. Ngài Nam Tuyền bảo: Vương lão sư vậy, tức là khí phách của ông giống như tôi vậy. Vương lão sư là Nam Tuyền tự xưng trong pháp hội của ngài. Hoàng Bá nhận lại cái mũ đội lên đầu ra đi.

Sau, Sư về trụ trì tại Hồng Châu chùa Đại An. Đồ chúng tìm đến rất đông.

Có lần, Sư tránh chúng tìm đến chùa Khai Nguyên cũng ở Hồng Châu. Tướng quốc Bùi Hưu vào chùa thấy hình vẽ trên vách, hỏi thầy trụ trì:

– Vẽ cái gì đây?

Thầy trụ trì đáp:

– Vẽ hình cao tăng.

Bùi Hưu hỏi:

– Hình có thể thấy, cao tăng ở đâu?

Thầy trụ trì không đáp được.

Bùi Hưu hỏi:

– Trong đây có thiền nhân chăng?

Thầy trụ trì đáp:

– Vừa có một vị tăng vào chùa đang làm việc, in tuồng thiền giả.

Bùi Hưu bèn xin cho gặp. Thấy Sư, Bùi Hưu nói:

– Hưu vừa có một câu hỏi, chư đức tiếc lời, giờ thỉnh thượng nhân đáp thế một câu.

Sư bảo:

– Mời Tướng công hỏi lại.

Bùi Hưu lặp lại câu hỏi trước.

Sư dùng tiếng trong thanh gọi:

– Bùi Hưu!

Bùi Hưu:

– Dạ!

Sư bảo:

– Ở chỗ nào?

Bùi Hưu ngay nơi đó ngộ được ý chỉ như được hạt châu trên búi tóc, bèn thỉnh Sư vào phủ kính thờ làm thầy.

Ngày xưa Hòa thượng Trúc Lâm giảng đến nhân duyên này, ngài có thả một dấu than. Dấu than đó là gì? Thiền sư Hoàng Bá đang ở với đồ chúng đông đảo lại bỏ đi, chứng tỏ sự ồn ào của đại chúng đã ít nhiều ảnh hưởng đến công phu của ngài. Người chịu trách nhiệm lãnh đạo rất nhọc. Chúng siêng tu siêng học, không có vấn đề gì thì tuy nhọc nhưng cũng vui. Ngược lại, chúng quậy quọ không chịu tu hành, thì ngoài cái nhọc còn thêm sự chán nản. Điều này cho chúng ta thấy đôi khi Phật sự đa đoan cũng làm trở ngại cho công phu tu tập của mình.

Đến chùa Khai Nguyên, ngài âm thầm làm việc theo chúng, không ai biết ngài là đệ tử đích truyền của tổ Bách Trượng, trụ trì một tổ đình nổi tiếng khắp tùng lâm. Thời này Bách Trượng là đỉnh cao của sơn môn, cho nên mọi người đều nể nang. Hồi xưa một tăng nhân đến thiền viện nào cũng vậy, xin vào thiền đường thì phải chấp nhận và tuân thủ quy củ. Là thiền tăng đi hành cước các nơi thì phải biết quy củ. Đó là gì? Tới giờ thọ trai đi thọ trai, tới giờ công tác phổ thỉnh thì đi công tác cùng đại chúng. Người ta làm gì mình làm nấy. Ngài Hoàng Bá từ đạo tràng bỏ đến đây, vào chùa âm thầm làm một tăng nhân bình thường.

Tướng quốc Bùi Hưu đến chùa gặp thầy trụ trì, thấy hình vẽ hỏi hình gì, thầy trụ trì bảo hình cao tăng. Bùi Hưu vừa là tướng quốc vừa là Phật tử, rất am hiểu thiền lý. Nghe vậy ông hỏi: Hình có thể thấy, cao tăng ở đâu? Câu hỏi này thật độc đáo. Thầy trụ trì không đáp được. Bùi Hưu hỏi tiếp: Trong đây có thiền nhân chăng? Thầy trụ trì nói vừa rồi có một thầy vào đây, dáng vẻ giống thiền sư. Bùi Hưu xin được gặp vị ấy. Mời ra đúng là lão sư Hoàng Bá.

Thấy Sư, Bùi Hưu thưa: Hưu vừa có một câu hỏi, chư đức tiếc lời, giờ thỉnh thượng nhân đáp thế một câu. Cách nói rất khéo, chư tôn đức tiếc lời không đáp câu hỏi của con, chứ không nói thầy trụ trì bế tắc. Ngài Hoàng Bá bảo Bùi Hưu hỏi lại, ông liền lặp lại câu hỏi trước. Sư dùng giọng trong thanh gọi: Bùi Hưu! Bùi Hưu: Dạ. Sư bảo: Ở chỗ nào? Ngay đây Bùi Hưu ngộ đạo. Ngộ cái gì? Ngộ tánh nghe. Vị cư sĩ này nhận ra được hạt châu trên búi tóc, lâu nay ẩn trong đó mà không biết. Ông vui mừng vô hạn, kính trọng tôn ngài Hoàng Bá làm thầy, thỉnh về phủ phụng dưỡng, thưa hỏi Phật pháp.

Sách Uyển Lăng Lục diễn tả tâm cầu đạo tha thiết của tướng quốc Bùi Hưu khi gặp được ân sư, thật đáng trân trọng. Dù đa đoan quốc sự mà ông vẫn dành thời gian phụng thờ bậc thầy đã khai đạo, hướng dẫn mình thành tựu đạo lý siêu thoát. Những gì được nghe được học từ thầy, ông chịu khó biên chép lại, ngõ hầu lợi ích đời sau, chứ không chỉ hân hưởng cho riêng mình. Tác phẩm Uyển Lăng Lục của ngài Hoàng Bá giảng dạy, do ông biên tập thành. Thật là tâm hạnh lợi tha rộng lớn, rất đáng tán dương.

Chúng ta thấy thời nào cũng có những vị cư sĩ tu hành ngộ đạo, chứ không chỉ riêng giới xuất gia. Bên cạnh các vị Bồ-tát tái lai, thị hiện tổ sư học đạo, hành đạo, ngộ đạo thì cũng có những tịnh nhân cư sĩ, bận bịu việc triều chính nhưng vẫn nuôi dưỡng được công phu đắc lực. Người dân bình thường lo toan cho gia đình thôi, đã than công việc trói buộc như gông cùm, không tu được. Hà huống những vị đa đoan công vụ quốc gia đại sự, biết bao nhiêu việc nhưng vẫn học đạo, ngộ đạo như thường. Cho nên chúng ta hãy xét nét lại mình, xem một ngày tu sống của chúng ta có đúng chưa, xứng đáng chưa mà cố gắng nỗ lực.

Có hôm Bùi Hưu hỏi:

– Thế nào là Phật?

Sư đáp:

– Tức tâm là Phật, không tâm là đạo. Chỉ không có cái tâm khởi động niệm, có không, dài ngắn, ta người, năng sở…

Tướng quốc hỏi: Thế nào là Phật? Ngài đáp: Tức tâm là Phật, không tâm là đạo. Y như tôn chỉ của Mã Tổ Đạo Nhất. Chỉ không có cái tâm khởi động niệm, có không, dài ngắn, ta người, năng sở… Một câu này tu hành cho đến nơi đến chốn là đủ để ngộ đạo.

Làm sao được không tâm? Đừng có tâm khởi động niệm tức là đừng khởi vọng tưởng, không chạy theo trần cảnh. Chúng ta đang thực hành đây. Học ngài Hoàng Bá chính là học pháp môn ruột của mình. Tâm ở đâu, làm sao để không dấy khởi lao theo trần cảnh? Đừng thấy có mình thiệt, có trần cảnh thiệt thì không lao theo. Nghe những lời dạy này chúng ta nghiệm lại, thấy Hòa thượng Trúc Lâm dạy không khác với chư tổ ngày xưa. Ngài bảo tuy mình tu thiền nhưng phải lấy kinh giáo làm thước đo, xem công phu như vậy có đúng không, chính xác chưa mới yên lòng tu. Cho nên huynh đệ phải chịu khó học tập.

Tâm vốn là Phật, Phật vốn là tâm, tâm như hư không, sở dĩ nói: “Chân pháp thân của Phật ví như hư không.” Không nên cầu riêng, có cầu đều khổ. Giả sử trải qua số kiếp như cát sông Hằng tu hành lục độ vạn hạnh, được Phật Bồ-đề, cũng không phải cứu cánh. Vì cớ sao? Vì thuộc về nhân duyên tạo tác, nhân duyên nếu hết trở lại vô thường. Sở dĩ nói: “Báo, Hóa không phải chân Phật, cũng không phải nói pháp.” Cốt biết tâm mình không ngã không nhân, xưa nay là Phật.

Ngài trả lời thẳng thắn tâm là Phật. Tâm đó không dấy khởi động niệm, không chạy theo trần cảnh, không bị vọng tưởng dẫn đi. Đó là tâm thể rỗng rang sáng suốt.

Bùi Hưu hỏi:

– Tâm đã xưa nay là Phật, lại cầu tu lục độ vạn hạnh chăng?

Sư đáp:

– Ngộ tại tâm, không quan hệ gì lục độ vạn hạnh. Lục độ vạn hạnh đều là cửa hóa đạo, là việc bên tiếp vật độ sanh. Giả sử Bồ-đề, chân như, thật tế, giải thoát, pháp thân, thẳng đến thập địa, bốn quả vị Thánh đều là cửa hóa độ, không quan hệ Phật tâm. Tâm tức là Phật, nên nói: “Tất cả trong cửa tiếp độ, Phật tâm là bậc nhất.” Chỉ không tâm sanh tử phiền não v.v… tức không cần đến pháp Bồ-đề v.v… nên nói: “Phật nói tất cả pháp để độ tất cả tâm, ta không tất cả tâm đâu dùng tất cả pháp”.

Từ Phật đến Tổ không luận việc gì khác, chỉ luận một tâm, cũng nói là “Nhất thừa”, nên nói: “Tìm kỹ mười phương lại không có thừa khác, chúng sanh này không còn nhánh lá, chỉ toàn hạt chắc”. Bởi vì ý này khó tìm, nên tổ Đạt-ma sang xứ này đến hai nước Lương, Ngụy mà chỉ có một mình Huệ Khả đại sư thầm tin tâm mình, ngay một câu nói liền lãnh hội “tức tâm là Phật”. Thân tâm đều không, ấy là đại đạo. Đại đạo xưa nay bình đẳng, nên nói “tin sâu chúng hàm sanh đồng một chân tánh”. Tâm tánh không khác, tức tánh tức tâm, tâm không khác tánh, gọi đó là Tổ. Lại có câu: “Khi nhận được tâm tánh, nên nói không nghĩ bàn.”

Sau này, Tướng quốc Bùi Hưu đến trấn Uyển Lăng lập đại thiền uyển thỉnh Sư làm hóa chủ ở đó. Vì mến núi cũ nên Sư vẫn để hiệu là Hoàng Bá([1]).

Bùi Hưu hỏi tâm xưa nay là Phật, như vậy có cần tu lục độ vạn hạnh không? Ngài đáp: Ngộ tại tâm không liên quan gì lục độ vạn hạnh. Tu là ngộ nơi tâm mình, không dính mắc, không quan hệ gì đến lục độ vạn hạnh. Gốc của sự tu là như thế, tất cả các pháp cho dù là Bồ-đề, Niết-bàn, giác ngộ giải thoát… cũng là phương tiện bên ngoài. Ngài lặp tới lặp lui, dẫn kinh dẫn luận của Phật tổ đều để chỉ quan trọng là ngộ được tâm. Ngộ được tâm là không để cho các dấy khởi vọng tưởng điên đảo dẫn mình chạy theo hình thức bên ngoài.

Lục độ vạn hạnh đều là cửa hóa đạo, là việc bên tiếp vật độ sanh. Giả sử Bồ-đề, Chân như, thật tế, giải thoát, Pháp thân, thẳng đến Thập địa, bốn quả vị Thánh đều là cửa hóa độ, không quan hệ Phật tâm. Ngài xác định rõ ràng lục độ vạn hạnh cho đến giải thoát, pháp thân, bốn quả thánh đều là cửa hóa độ, là việc lợi sanh, chẳng phải tâm tánh của mình.

Khi Phật tử đến hỏi đạo thì vị trụ trì hướng dẫn Phật pháp theo nhân duyên, căn cơ sâu cạn của Phật tử. Hoặc nói pháp bố thí, trì giới, tinh tấn, thiền định… Để làm gì? Để dẫn dắt những người hữu duyên này vào đạo. Tuy nhiên đối với đại chúng đã xuất gia tu học tại thiền viện thì hướng dẫn cho huynh đệ nhận và sống lại với tâm thể của mình.

Trong nhân duyên hoằng pháp lợi sanh thì phải thuyết pháp, giảng kinh, luận, sử, ngữ lục v.v… Tuy nhiên những pháp ấy là cửa phương tiện, để từ đó chúng ta nhận ra tâm. Không nên nghĩ rằng mình ở chùa lâu năm, học nhiều kinh điển đại thừa là xong việc. Học nhiều nhưng không biết yếu chỉ, không vào được thì đâu có giá trị và lợi ích gì. Người xưa nói học mà không tu như đãy đựng sách.

Chỉ không tâm sanh tử phiền não v.v… tức không cần đến pháp Bồ-đề v.v… nên nói: “Phật nói tất cả pháp để độ tất cả tâm, ta không tất cả tâm đâu dùng tất cả pháp”. Sở dĩ chúng ta tu là để trị phiền não. Do phiền não che đậy khiến tâm tánh mờ tối, nên Phật tổ lập bày phương tiện chỉ dạy, cho chúng ta dẹp trừ nó. Lục Tổ nói rõ, có tất cả tâm là do có phiền não, sự vướng mắc trần cảnh. Bao giờ hết phiền não thì khỏi nói Phật pháp gì nữa.

Vì tiếp độ chúng sanh nên Phật tổ phải nói. Nói chừng nào chúng ta nhận ra, hiểu được, vào được, sống được với tâm chân thật mới thôi. Bởi làm mãi như vậy, nên Phật bảo trải qua ba vô số kiếp mới thành tựu vô thượng Bồ-đề. Chúng ta không tới ba vô số kiếp đâu, mà là bốn năm vô số kiếp gì đó. Chỉ nói thôi, không chịu tu thì số kiếp nào mà tính nổi.

Thứ bảy tu, thứ sáu lo nấu cơm, chuẩn bị bàn ghế, chỗ ngồi, chỗ ăn. Tháng này như vậy, tháng sau như vậy. Nếu tháng này có việc lủng củng, tháng sau khắc phục không để như vậy nữa. Cho nên sau ngày tu, sư phụ thăng tòa hỏi đệ tử hôm qua khâu cơm nước có thiếu không, xe cộ để đúng chỗ chưa… Mở cửa hóa đạo kiểu này không biết bao giờ mới hội ngộ tổ sư. Ngộ lắm, tới lúc ông thầy nói không ra hơi, thì đệ tử lại tụng cho nghe. Giống như bây giờ mình tụng kinh cho Phật nghe vậy. Thầy trò cứ thế mà làm, chỉ tới chừng ấy thôi. Thật đáng thương và cũng đáng trách!

Từ Phật đến Tổ không luận việc gì khác, chỉ luận một tâm, cũng nói là “Nhất thừa”, nên nói: “Tìm kỹ mười phương lại không có thừa khác, chúng sanh này không còn nhánh lá, chỉ toàn hạt chắc”. Bởi vì ý này khó tìm, nên tổ Đạt-ma sang xứ này đến hai nước Lương, Ngụy mà chỉ có một mình Huệ Khả đại sư thầm tin tâm mình, ngay một câu nói liền lãnh hội “tức tâm là Phật”. Chỉ được một người thầm tin tâm mình là tổ Huệ Khả. Ngài Hoa Đình Thuyền Tử thì nói: “Cả đời câu, chỉ được nửa người thánh thôi.” Các thiền sư nói nghe in tuồng lạ lùng lắm, mình không hiểu nổi nhưng nghiệm lại thấy rất hay. Ý tư, ngôn cú của các ngài thậm thâm vi diệu vô cùng.

Tổ Bồ-đề-đạt-ma từ Ấn Độ sang mang chí cả đến hai nước Lương Ngụy. Thời Tam quốc, đất Trung Hoa chia làm ba: Đông Ngô, Tây Thục, Bắc Ngụy. Đông Ngô của Tôn Quyền, Tây Thục của Lưu Bị, Bắc Ngụy của Tào Tháo. Ngày xưa Khổng Minh chọn đất Ba Thục tức Tây Thục cho Lưu Bị, nhưng duyên phúc không bền nên dưới Lưu Bị, Á Đẩu quá dở không nắm giữ được nghiệp lớn. Vì vậy Tào Tháo gồm thâu hết về phía Bắc. Cho nên nói hai nước Lương Ngụy, chứ thực ra nước Lương chỉ là một tiểu quốc thuộc Bắc Ngụy mà thôi.

Đại sư Huệ Khả trước đó hiệu là Thần Quang, được diễn tả như một hiệp sĩ dũng cảm phi thường. Nhân duyên đưa đẩy ngài đến Tung Sơn, gặp tổ sư Bồ-đề-đạt-ma đang ngồi nhìn vách suốt chín năm tại đây. Ngài ngộ đạo trong đêm đứng dưới tuyết phủ thấu đầu gối. Xứ mình sáng mai khoảng 18 tới 200C mà bà con đã trùm đầu trùm mặt kín mít rồi, thử tưởng tượng trên rừng núi tuyết phủ thấu đầu gối, mà đứng cả đêm như vậy thì con người này thế nào? Sử diễn tả không những thế mà còn chặt một cánh tay dâng lên Tổ Đạt-ma để cầu pháp. Thật là hoàn toàn phủi sạch tất cả nợ nần trần duyên bên ngoài. Cho nên sau này người đời ca tụng là tráng sĩ chặt tay trên Tung Sơn. Do vậy nói tổ Đạt-ma từ Trung Ấn sang chỉ được một người. Đó là tổ sư Huệ Khả vậy.

Thân tâm đều không, ấy là đại đạo. Đại đạo xưa nay bình đẳng, nên nói “tin sâu chúng hàm sanh đồng một chân tánh”. Tâm tánh không khác, tức tánh tức tâm, tâm không khác tánh, gọi đó là Tổ. Lại có câu: “Khi nhận được tâm tánh, nên nói không nghĩ bàn.” Ngay đêm ngài đứng trong tuyết thấu đầu gối thì nhận được tâm tánh. Tu cả đời mà chưa nhận ra chỗ này nên ngài lang bạt khắp nơi tìm thầy chỉ dạy. Nghe uy danh tổ sư ở Tung Sơn, ngài đến đó với một ý chí lẫm liệt phi thường. Nhờ thế mà được thầy chỉ thẳng tâm tánh.

Chỉ như thế nào? Ngài thưa: “Tâm con không an, xin thầy an tâm cho con.” – “Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho.” Ngài tìm tâm không ra. Làm sao ra được, vì nó là vọng tưởng mà. Cho nên ngài xoay lại thưa với thầy: “Con tìm tâm không được.” Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.”

Một bài pháp ngắn nhưng là một thanh gươm trí tuệ cực bén, chặt một phát là đứt ngang, khiến ngài ngộ đạo tức thì. Tổ sư đổi tên từ Thần Quang sang Huệ Khả. Chỉ có tổ sư mới chỉ thẳng như vậy, cắt đứt mọi sắn bìm, dây mơ rễ má từ nhiều đời. Chúng ta cắt không đứt nên bây giờ còn ngồi đây, nếu cắt đứt thì xong rồi. Tuy nhiên, hãy tin tưởng nếu chịu cắt thì thế nào cũng xong.

Một hôm, Sư thượng đường, đại chúng vân tập, Sư bảo:

– Các ngươi! Các ngươi muốn cầu cái gì?

Sư cầm trượng đuổi chúng. Đại chúng không tan. Sư lại ngồi xuống bảo:

– Các ngươi toàn là bọn ăn hèm, thế mà xưng hành cước để cho người chê cười. Thà cam thấy tám trăm, một ngàn người giải tán, chớ không thể chịu sự ồn náo. Ta khi đi hành cước hoặc gặp dưới rễ cỏ có cái ấy, là đem hết tâm tư xem xét nó. Nếu biết ngứa ngáy khả dĩ lấy đãy đựng gạo cúng dường. Trong lúc đó, nếu dễ dàng như các ngươi hiện giờ thì làm gì có việc ngày nay. Các ngươi đã xưng là hành cước, cần phải có chút ít tinh thần như thế, mới có thể biết đạo. Trong nước Đại Đường không có thiền sư sao? Thấy tăng chúng tập hợp đông đảo, ngài cầm gậy đuổi đi nhưng đại chúng không đi, nên ngài ngồi lại. Các ngươi toàn là bọn ăn hèm. Ăn hèm là ăn gì? Là cám heo đó. Ngày xưa các thiền sư hay quở câu này. Chư tổ nói thì không sao, nhưng chúng ta tu hành chưa có đạo lực, không nên bắt chước. Nguy hiểm lắm.

Ta khi đi hành cước hoặc gặp dưới rễ cỏ có cái ấy, là đem hết tâm tư xem xét nó. Nếu nhận được yếu chỉ thì đem hết tâm tư tập sống với cái đó. Nếu biết ngứa ngáy khả dĩ lấy đãy đựng gạo cúng dường. Người xưa tu hành là vậy, tự xét công phu cạn mỏng sanh lòng hổ thẹn, không dám nhận của đàn việt cúng dường. Chừng nào được chút tin tức, có chút khí lực mới dám thọ nhận. Quý ngài dồn hết thời gian vào việc tham thiền nhập định, đói lắm mới đi nấu cơm. Mình bây giờ buổi sáng nấu cơm, nửa buổi độn thêm bánh trái, trưa nấu cơm, chiều mì gói… Cho nên ngài quở mình là bọn ăn hèm. Nghĩ cũng không sai, phải không?

Hồi nhỏ tôi ở quê, chuyện cơm nước không có bài bản như thiền viện bây giờ. Dân quê ăn cơm một ngày có hai buổi. Giàu nghèo hay nhà chùa gì cũng hai buổi. Sáng không nấu cơm, nhà ai có con đi học thì xơi cơm nguội với muối hoặc đường. Tôi ở chùa Từ Lâm ăn cơm với đường là bình thường. Người ta làm việc tới tám chín giờ mới nấu cơm, nên bữa ăn sáng khoảng mười giờ. Ở chùa, các tiểu tôi sớt cơm vào thố cúng Phật, xuất sanh… đủ hết mọi nghi thức, rồi mới dọn xuống quả đường, thầy trò xúm xít cùng ăn. Ăn xong khoảng mười một giờ.

Ở quê không có đồng hồ, cứ ngó chừng bóng nắng là biết. Buổi chiều nghe chúng tôi lục nồi nấu cơm, thầy hỏi: “Đứa nào ra coi bóng tới đâu rồi con.” Mình ra coi rồi vô thưa từ trong thềm ra bao nhiêu đó, thầy nói “Ừ! Tới giờ rồi, nấu đi” hoặc “khoan, chưa tới giờ”. Buổi cơm chiều ăn vào lúc nào? Khoảng bốn năm giờ. Buổi tối tụng kinh là tám giờ.

Khoảng sắp hết mùa mưa, cuối thu sang đông, ngày rất ngắn. Chiều 5 giờ đã nhá nhem tối, mặt trời đi ngủ sớm. Mình hô canh vô thường khoảng 6 giờ nhưng trời đã tối. Thầy trò cứ lượng theo sáng tối đó mà tính giờ tụng kinh. Tụng xong là ngủ. Muốn học kinh cũng không có đèn để học. Đèn dầu để dành thắp trên bàn Phật, đâu đủ cho mình đọc sách. Tối thui, tối thùi, không có đèn đóm gì hết. Một ngày một đêm giản dị, bình thường như vậy.

Chùa quê thường có rẫy khoai, trong đó khoai từ, khoai mì khoai ngọt, khoai môn. Chúng tôi ăn cơm trưa rồi thì nồi khoai cũng vừa chín. Mấy điệu nhỏ vớt ra rổ, để ở bàn nhà sau. Chúng trong chùa hoặc các Phật tử tới chơi bốc khoai ăn, nói chuyện khào. Khoai củ chuối coi vậy ăn rất khoái khẩu, lột da thật nhiều, ăn cái ruột. Khoai môn ăn thì ngon thiệt, nhưng nấu canh ăn ngon hơn. Người nào thấp khớp, ăn xong tay chân nứt nẻ hết. Khoai mì là phổ thông nhất. Để một rổ khoai mì từ sáng tới tối còn lại chút ít, nếu là khoai môn chỉ còn cái vỏ.

Phật tử tới, tự nhiên nấu nước, uống trà, ăn khoai. Cuộc sống giản dị, đơn sơ, chân chất, mà đậm đà làm sao. Hòa thượng hỏi thăm, họ chỉ nói quanh những chuyện cày cuốc ruộng nương, không hề nghe xe đụng, cầu sập, cướp bóc, giựt dọc như bây giờ. Thời gian cách nhau đâu có bao xa, thời ấy bần đạo 12 – 13 tuổi, năm nay 71 tuổi, mới khoảng 60 năm, chưa đầy trăm năm. Vậy mà con người sống trải lịch lãm, hiểu biết, tiến bộ nhiều quá nên những hình ảnh chân quê ngày xưa đã bị thất truyền.

Phật nói ba cõi là nhà lửa, phải nhanh chạy ra mà chúng ta chưa chịu chạy thì sao đây? Kinh Pháp Hoa diễn tả mình đang nô đùa trong nhà lửa đang cháy sắp sập. Ông già đứng bên ngoài kêu mau chạy ra, nhưng mình mắc chơi giỡn nên không ra. Cuối cùng ông đem mấy chiếc xe trâu, xe dê, xe hươu dụ đám con khờ dại, mới có đứa chạy ra. Tuy nhiên còn một số đông vẫn thản nhiên chơi trong lửa dữ. Cho thấy cái đam mê, đắm trước, tăm tối, điên đảo của chúng sanh sâu chắc vô kể. Vì vậy tu hành từ xưa tới giờ mà mình chưa ngộ được tâm.

Tổ sư dạy rất ngắn, rất gọn, dễ nhận dễ hiểu mà mình cũng chưa hiểu. Miệng tụng đọc làu làu nhưng đâu đã nhập tâm. Cho nên ngài chán nản bảo: Thà thấy tám trăm, một ngàn người giải tán, chứ không chịu nổi cảnh đông đảo ồn ào mà chẳng tu hành. Thật đáng đau lòng. Đây là tâm trạng của những bậc thầy đã dốc hết sức vì đệ tử và cũng là lời răn nhắc mạnh mẽ dành cho tất cả chúng ta trên bước đường tu học.

Có vị tăng ra hỏi:

– Bậc Tôn túc ở các nơi hợp chúng chỉ dạy, tại sao nói không thiền sư?

Sư bảo:

– Chẳng nói không thiền, chỉ nói không Sư. Xà-lê chẳng thấy sao, dưới Mã Tổ đại sư có tám mươi bốn người ngồi đạo tràng, song được chánh nhãn của Mã Tổ chỉ có hai ba người, Hòa thượng Lô Sơn Quy Tông là một trong số ấy.

Pháp hội Mã Tổ có thể nói là đạo tràng thịnh đạt nhất dưới Lục tổ Huệ Năng. Ngài giáo hóa trên 80 người ngộ đạo, nhưng theo cái nhìn của ngài Hoàng Bá, chỉ có một hai người được chánh nhãn. Chỗ thấy của ngài sâu thẳm lạ thường.

Phàm người xuất gia phải biết sự phần từ trước lại mới được. Vả như, dưới Tứ Tổ, đại sư Ngưu Đầu Pháp Dung nói dọc nói ngang vẫn chưa biết then chốt hướng thượng. Có con mắt này mới biện được tông đảng tà chánh. Người hiện giờ không hay thể hội, chỉ biết học ngôn ngữ, nghĩ nhầm trong đãy da tức chỗ đến an ổn, xưng là ta hội thiền, lại thay việc sanh tử cho người được chăng? Khinh thường bậc lão túc vào địa ngục nhanh như tên bắn. Ta vừa thấy ngươi vào cửa liền biết được rồi. Lại biết chăng? Cần kíp nỗ lực chớ dung dị. Thọ nhận chén cơm manh áo của người mà để một đời qua suông, người sáng mắt chê cười. Ngươi thời gian sau hẳn sẽ bị người tục lôi đi. Phải tự xem xa gần cái gì là việc trên mặt? Nếu hội liền hội, nếu không hội giải tán đi. Trân trọng!

Sau khi rầy quở và nhắc lại nhân duyên học đạo của mình cho học chúng nghe, ngài kích dương người sau phải biết việc bổn phận từ trước của mình. Chính yếu là làm sao sáng tâm. Ngài dẫn chuyện Ngưu Đầu Pháp Dung là bậc thượng tổ của ngài. Trước kia, tổ Đạo Tín thấy trên núi Ngưu Đầu có mây ngũ sắc che, nên biết ở đó có dị nhân, ngài tìm đến gặp thiền sư Pháp Dung. Gặp nhau, ngài Pháp Dung hỏi:

– Ông có biết thiền sư Đạo Tín không?

– Có biết.

– Ngài biết người đó chưa?

– Chưa biết.

– Chính hôm nay đang đối diện với ngài đây.

Thiền sư Pháp Dung vui mừng, không ngờ người mình muốn gặp đã tới. Ngài Đạo Tín hỏi có chỗ nghỉ không? Pháp Dung chỉ cái am gần đó và dẫn ngài vô. Đến nơi thấy cọp sói nằm ngổn ngang, ngài Đạo Tín làm ra vẻ giật mình. Pháp Dung hỏi: – Thầy còn cái đó sao? Cái đó là cái gì? Là cái giật mình khi thấy bọn thú dữ, tức là còn sợ sanh tử.

Đạo Tín mới nghiệm lại Pháp Dung bằng cách vẽ chữ Phật trên tảng đá ngồi thiền. Pháp Dung thấy cũng giật mình, không dám ngồi lên. Ngài Đạo Tín nói: – Ông cũng còn cái đó sao? Còn kẹt nơi thánh phàm tức là còn kẹt hai bên. Chúng ta không chỉ còn cái đó mà còn nhiều thứ lắm.

Thiền sư Pháp Dung được khai thông và sau này trở thành tổ sư của dòng thiền Ngưu Đầu Pháp Dung. Ngài Hoàng Bá dẫn chuyện Ngưu Đầu Pháp Dung, cho chúng ta thấy trước đó ngài nói dọc nói ngang nhưng chưa biết then chốt hướng thượng. Sau nhờ gặp tứ tổ Đạo Tín mới có được con mắt này, biện biệt tà chánh.

Người hiện giờ không hay thể hội, chỉ biết học ngôn ngữ, nghĩ nhầm trong đãy da tức chỗ đến an ổn, xưng là ta hội thiền, lại thay việc sanh tử cho người được chăng? Tóm lại cái nhận của mình chỉ là ngoài da, trên hình thức thôi. Ngộ như vậy có thể làm chủ việc sanh tử không? Việc này cần phải chính chắn xem.

Khinh thường bậc lão túc vào địa ngục nhanh như tên bắn. Ta vừa thấy ngươi vào cửa liền biết được rồi. Lại biết chăng? Cần kíp nỗ lực chớ dung dị. Ngài khuyên chúng ta cố gắng tu tập, chớ có xem thường việc sinh tử. Vô thường nó cưa đẻo mình từng phút từng giây hết sức đau đớn, nhưng chúng ta vẫn cứ bình thường. Dù mình không nói xem thường sanh tử nhưng thực chất đó là xem thường sanh tử rồi.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông trước khi viên tịch, ngài ân cần căn dặn hai vị Tỳ-kheo ở chùa Quỳnh Lâm: “Xuống núi ráng tu hành, chớ xem thường việc sanh tử.” Thầy tổ ngày xưa và thầy tổ bây giờ không khác. Cho nên vâng lời các ngài, chúng ta chớ xem thường việc sanh tử. Ngày qua ngày rất nhanh, mới sáng đó bây giờ trưa chiều. Sau buổi học Phật pháp này là tối, tức hết một ngày. Thế nhưng đạo lý không sáng, nghiệp tập đầy dẫy, chứng tật nhiều đời không giũa mòn. Phải làm sao! Làm sao!

Thọ nhận chén cơm manh áo của người mà để một đời qua suông, người sáng mắt chê cười. Đây là những lời khuyên răn rất thi thiết, rất quý báu. Ngươi thời gian sau hẳn sẽ bị người tục lôi đi. Nếu không tu thì chắc chắn người thế tục sẽ lôi mình. Lôi thế nào? Ở trong chỗ tu hành mà không tu, thời gian lâu thấy buồn chán, muốn xuống núi về thành phố. Về thành phố gặp huynh đệ học hành đổ đạt bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ này nọ nên cũng muốn học, muốn sống ở thành phố. Đó là thế tục lôi chứ gì. Rõ ràng ngài nói không sai và dạy rất mạnh mẽ.

Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền đến hỏi:

– Thế nào là đại ý Phật pháp?

Sư liền đập một gậy. Đến ba phen hỏi, mỗi lần đều bị một gậy. Sau cùng, sư Lâm Tế phải từ giã Sư đi nơi khác. Sư dạy qua tham vấn Đại Ngu. Sau này, Lâm Tế đắc ngộ ý chỉ của Sư.

Chỗ chỉ dạy của Sư đều nhằm vào bậc thượng căn, người trung và hạ khó thấy được yếu chỉ.

Đời Đường khoảng niên hiệu Đại Trung (847 – 860 TL), Sư tịch tại núi Hoàng Bá.

Nhà vua sắc thụy là Đoạn Tế thiền sư, tháp hiệu Quảng Nghiệp.

Sư có làm bài kệ khích lệ chúng:

Trần lao quýnh thoát sự phi thường,

Hệ bã thằng đầu tố nhất trường.

Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt,

Tranh đắc mai hoa phốc tỹ hương.

Dịch:

Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường,

Đầu dây nắm chặt giữ lập trường.

Chẳng phải một phen xương lạnh buốt,

Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.

Đây là bài kệ lừng danh trong tùng lâm. Chư tổ xưa và các bậc thầy ngày nay cũng đều dẫn bài kệ này của tổ sư Hoàng Bá để kích dương, nhắc nhở người sau. Nếu không có một lần chết đi thì không làm gì có phút giây sống lại. Người thật tâm tu hành không chấp nhận lần lữa qua ngày, phải quyết tử.

Chẳng phải một phen xương lạnh buốt,

Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.

Chúng ta phải tỉnh sáng, cố gắng tu hành. Yếu chỉ tu hành là sống được với tâm thể của mình. Muốn sống với tâm thể của mình thì không chấp nhận vọng tưởng, không chạy theo vọng tưởng, không để vọng tưởng kéo lôi. Ba vế ấy, chừng ấy việc, huynh đệ cố gắng thực hiện cho được.