Hạnh phúc trong từng sát na!
Phật giáo có câu: “Sống trong từng sát na và hạnh phúc trong từng sát na”. Với ai nghiên cứu về Phật pháp thì câu này không có gì khó hiểu, đơn giản chỉ là phương pháp thực tập sống và ý thức về sự sống, về hạnh phúc trong từng mỗi phút giây, để không lãng phí cuộc đời.
Nhưng đâu phải ai cũng hiểu, thế thì chi bằng cụ thể điều đó bằng câu chuyện…
“Mẹ tôi theo đạo Phật. Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần đi chùa, bà thường dẫn tôi theo. Nhiều lần theo mẹ đi chùa, mấy sư nhẵn mặt tôi. Vốn nghịch phá, tôi thường bị mấy chủ tiểu rượt bắt mỗi lần tôi hái sen trộm hoặc lên mấy cây nhãn lồng trồng trước chùa bứt lá. Các chú bắt rồi giao tôi cho một sư lớn tuổi thường tịnh ở nhà trong mà mấy chú gọi là sư cả.
Sư cả có gương mặt hiền lành, phúc hậu, giọng nói từ tốn, nhỏ nhẹ. Lần gặp sư đầu tiên, tôi sợ tè ra quần, cứ tưởng sẽ nếm mùi roi mây hay ít ra cũng mét đến tai mẹ tôi thì khốn. Nhưng may quá! Sư cả chẳng nói chẳng rằng cứ vuốt ve đầu tóc tổ quạ, khét nắng của tôi, thầm thì bên tai tôi câu nói nhẹ như gió thổi: “Con tên gì? Đã học đến lớp mấy?
Nhiều lần theo mẹ ghé chùa, tôi thường đến thăm sư cụ. Một già một trẻ tâm đắc, có khi ngồi nói hàng giờ không hết chuyện. Có lần, tôi cắc cớ hỏi: “Bạch thầy! Con không hiểu khi nào thì thầy đi hết đoạn đường tu hành của mình. Giống như Tam Tạng, Tôn hành Giả trong truyện Tây du ký mà con đã được đọc ấy. Bởi vì, theo con hiểu, muốn đắc đạo thành Phật đâu phải là chuyện dễ”.
“Đúng! Chuyện ấy trăm khó, ngàn khó. Thầy đã và sẽ phải đi nhiều khi đến hết cuộc đời mình mà chưa đạt đến cõi niết bàn của Phật. Có người dốc tâm tu niệm, lòng thành rộng tự biển, y quyết lớn tự non nhưng đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa thành chánh quả. Âu phải có duyên cơ với Phật, phải có lần nào trong đời ngộ ra chỗ tinh diệu của đạo pháp. Ừ! Phải có một sát na xuất hiện, cái sát na chỉ lóe lên một lần trong đời…”.
…Trong ký ức non nớt của mình hồi ấy, tôi miên man trôi trong những huyền thoại mà tôi hằng tin là có thật mỗi lần ngồi cạnh sư. Tôi ngỡ như được chở che, yên bình mãi bên cạnh mẹ, cạnh sư, cạnh cây bồ đề đầy những phép màu. Tôi tin cái sát na vi diệu mà sư cụ kể sẽ xuất hiện một lần nào đó trong đời tôi, cái sát na nhanh hơn một triệu lần ánh chớp.
Nhưng rồi tôi lớn lên trong cuộc đời đầy bão giông. Ba tôi mất, mẹ tôi buồn khổ, đau ốm hoài rồi cũng mất vài năm sau đó. Tôi bị ném ra đường khi mới vừa mười sáu tuổi. Thực tế đầy cay đắng, phũ phàng trôi trước tôi trong từng miếng cơm ăn, từng manh áo mặc. Tôi làm đủ thứ nghề để sống. Bán báo, đánh giày, thức suốt đêm sắp hàng ở quầy bán vé của bến xe bán chỗ, làm cu li, rửa chén…
“Anh đã tỉnh dậy rồi! May quá! Em không biết phải làm sao” – tiếng một cô gái vang lên trên đầu chiếu tôi nằm. Tôi mở mắt nhìn. Một màn trắng đục lướt qua rồi sau đó tan biến dần đủ cho tôi nhìn thấy ai đang đứng trước mặt mình.
Hóa ra là Hạnh, tên cô gái cùng ở khu ổ chuột với tôi. Cô làm gái điếm. Hàng đêm, mỗi khi đi đâu về, qua ngang con hẻm, tôi thường gặp cô rước khách ở đó. Hạnh thường gật đầu chào nhưng tôi chỉ mỉm cười chiếu lệ. Thật ra, tôi không thích giao du với mấy ả giang hồ dù nghe Hạnh nói buộc phải làm cái nghề mạt hạng này để nuôi mẹ và hai đứa em nhỏ.
“Anh nằm đây đã một ngày hơn. Hôm qua anh bị sốt nặng rồi ngả ra bất tỉnh nằm ở đầu hẻm. Đây là chỗ của em. Mẹ em bảo mang anh về đây để tiện chăm sóc cho anh. Bà ấy nói anh ở một mình, không ai lo, tội nghiệp…
Tôi không biết nói sao ngoài lời cảm ơn mẹ con Hạnh. Cả những chiếc lá bồ đề đã chở che tôi từ những con khó khăn, hoạn nạn trong đời. Tôi chợt nhớ đến mẹ tôi, đến sư cụ già, đến ngôi chùa mà tôi vẫn thường thả lá bồ đề xuống giếng.
“Thế mẹ Hạnh đâu rồi?” – tôi hỏi – “Cả mấy đứa em nữa?”. “Mẹ hôm nay phải đi lượm bọc vì nay em không đi làm. Hai đứa em đi đánh giày từ sớm. Anh cũng biết em mà. Không làm một ngày là rối cả lên. Nhưng thôi! Đừng nghĩ đến điều ấy! Anh lo dưỡng sức cho bớt bệnh. Ở nhà em một hai ngày thì em cũng chẳng nghèo hơn đâu” – bỗng dưng Hạnh kề tai tôi nói nhỏ.
Từ trong lòng tôi bỗng nhiên dấy lên điều gì không tả được. Những rung động mãnh liệt vừa xúc động, vừa tủi thân. Từ khi mẹ tôi mất, đâu có ai săn sóc cho tôi như thế này. Cổ họng tôi nghèn nghẹn. Và cũng không hiểu vì sao tôi rơm rớm nước mắt.
Trước mắt tôi, bỗng nhiên Hạnh hiện lên thật rạng rỡ. Cô không còn là cô gái đứng đường mà tôi vẫn thường gặp hàng đêm. Đôi mắt này, mái tóc kia, cánh mũi nọ… sáng lòa trong tôi như một ánh chớp. Không! Nhanh hơn một ngàn lần ánh chớp. Tôi như không còn tin ở mắt mình. Có phải cái sát na ngày nào sư cụ nói với tôi là đây.
… Không lâu sau đó là đám cưới của tôi và Hạnh. Chúng tôi cùng đến ngôi chùa gần nơi tôi ở để viếng Phật. Trên chánh điện lung linh ánh nến, tôi nghiệm ra sự huyền diệu của kiếp người. Hóa ra, hạnh phúc chẳng ở đâu xa. Thiện căn con người cũng ở tại mỗi tâm tánh.
Có lẽ, trên con đường về cõi niết bàn của Phật dành cho chúng sinh còn mang một ý nghĩa vi diệu mà chỉ có ai đó có duyên cơ một lần trong đời sẽ ngộ ra trong một vầng sáng trắng. Nó xuất hiện và biến đi nhanh hơn một triệu lần khắc giờ trần gian. Chỉ trong sát na đó, tôi đã hiểu được sự nhiệm màu và linh diệu của tình yêu bên cô gái và tấm lòng mà tôi yêu quý…”.
Đôi dòng thay kết
Khi tóm tắt kể lại và mạo muội qua mặt tác giả đặt cho nó một cái tít, tôi không biết tác giả Nguyễn Minh Phúc có phải là nhà văn hay không, vì cái trang mà từ đó tôi đọc được câu chuyện này không nói về điều đó. Nhưng có hề chi, nhà văn hay người viết nghiệp dư thì mục đích chuyển tải cuối cùng cũng đều là vì sự tốt đẹp của cuộc đời.
Cũng như câu chuyện ngụ ngôn về ba con quỷ cất giấu hạnh phúc, thoạt nghe rất khó hiểu: “Ngày xưa có ba con quỷ, niềm vui của chúng chính là được thấy con người đau khổ. Con thứ nhất nói nên giấu hạnh phúc ở nơi cao nhất, nơi ấy con người không thể với tới được. Nhưng ngày nay rõ ràng con người đã chinh phục toàn bộ những đỉnh cao nhất của trái đất.
Khó hiểu đó, nhưng khi đã hiểu rồi thì như một sự tỉnh thức, sẽ nhận ra rằng rõ ràng rằng, hạnh phúc là điều mà bất cứ ai trong chúng ta đều khao khát có được. Mọi nỗ lực của ta trên thế giới này đều nhắm đến mục tiêu làm sao để có được hạnh phúc cho mình, cho người. Người ta cố gắng làm ra nhiều tiền cũng chỉ vì nghĩ rằng tiền có thể mang đến hạnh phúc. Người ta cũng tìm kiếm hạnh phúc của họ nơi việc đọc sách, nơi các thú tiêu dao, nơi âm nhạc, nơi việc theo đuổi các sở thích.
Thế nhưng, liệu rằng hạnh phúc có thật sự được cất giấu những nơi ấy để dễ tìm ra?
Diệu Hương