Hạnh phúc thật sự, an lạc thật sự
Tôi viết bài này vào ngày 30 Tết, ngày cuối năm Nhâm Dần, khi bạn đọc được bài này thì thời gian đã thay đổi bước sang năm mới Quý Mão. Nhiều năm sau nữa, bài viết vẫn còn đó nhưng bạn sẽ đọc được vào một thời điểm khác.
Thời gian luôn thay đổi, vạn vật cũng thay đổi theo thời gian, thân và tâm của tôi và của bạn cũng thay đổi theo thời gian.
Tất cả đều thay đổi theo thời gian, đó là nguyên lý vô thường mà tôi học được từ đạo Phật mặc dù tôi chưa phải là Phật tử.
Khi tìm hiểu về đạo Phật thông qua việc đọc các bài kinh Nikaya, tôi thấy Phật hay hỏi các đệ tử: “Sắc là thường hay vô thường?”. Phật hỏi tiếp: “Vô thường là khổ hay không khổ?”. Các đệ tử trả lời: “Vô thường là khổ”.
Vì sao vô thường lại mang đến khổ đau, phiền não? Vì sao sự thay đổi theo thời gian, một quy luật tự nhiên của vạn vật, lại mang đến khổ đau?
Tôi hay suy ngẫm về những câu hỏi đó và đi tìm câu trả lời qua các bài giảng pháp của các vị thiền sư như thầy Thích Nhất Hạnh, thầy Thích Thanh Từ, qua việc đọc các quyển sách Phật học căn bản như Phật học phổ thông của thầy Thích Thiện Hoa hay Những điều Phật đã dạy của Walpoa Rahula.
Về mặt lý trí, thông qua các bài giảng pháp, tôi hiểu rằng khi tôi yêu mến một ai đó, tôi cảm thấy vui vẻ hạnh phúc nhưng hoàn cảnh thay đổi theo thời gian, người mà tôi yêu mến không còn ở bên tôi, sự khó chịu xuất hiện.
Sự thay đổi theo thời gian mang đến đau khổ cho những người không chấp nhận sự thay đổi. Nếu tôi hiểu về vô thường thì tôi sẽ không còn đau khổ.
Nhưng trên thực tế, khi vô thường diễn ra với cuộc sống của tôi, người tôi yêu mến mất đi, tôi vẫn có cảm giác đau khổ.
Đau khổ đến từ đâu, làm thế nào để diệt khổ?
Tôi lại tiếp tục đi tìm câu trả lời bằng cách tham gia khoá thiền Vipassana.
Trong 10 ngày tham gia khoá thiền Vipassana, tôi học được bài học quan trọng của cuộc đời: Đau khổ đến từ ham muốn? Ham muốn càng nhiều thì đau khổ càng nhiều.
Câu hỏi tiếp theo nảy sinh đó là tôi ham muốn điều gì? Ăn ngon, mặc đẹp, có nhiều tiền của, quyền lực, được mọi người kính trọng, được ở bên cạnh người thân yêu của mình.
Sau khi tham dự thêm một thiền Vipassana tôi nhận ra được tôi không ham muốn những thứ kể trên mà tôi ham muốn cảm giác dễ chịu do những thứ đó mang lại.
Một món ăn ngon, một bông hoa đẹp, một bộ đồ mới, một chiếc xe hơi đắt tiền, một căn hộ sang trọng… đều tạo ra cảm giác dễ chịu trên thân và tâm tôi. Tôi yêu thích cảm giác dễ chịu đó và muốn cảm giác đó kéo dài. Nhưng cảm giác đó không kéo dài mãi, nó sinh ra rồi một thời gian sau lại mất đi. Tôi muốn có cảm giác thêm lần nữa, tôi phải lặp lại hành động tìm kiếm các vật thể mang lại cho tôi cảm giác dễ chịu. Tôi rơi vào vòng luẩn quẩn của ham muốn cảm giác dễ chịu và hành động để thoả mãn ham muốn của mình.
Chính vòng luẩn quẩn đó gây đau khổ cho tôi. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, chính vòng lặp Thập nhị nhân duyên gây ra đau khổ. Vì có sự tiếp xúc giữa các giác quan với cảnh trần bên ngoài nên mới sinh ra cảm giác khó chịu, dễ chịu, từ đó sinh ra yêu và ghét.
Làm thế nào để thoát khỏi vòng luẩn quẩn gây đau khổ đó?
Thiền Vipassana giúp tôi nhận rằng chỉ cần tôi quan sát cảm giác dễ chịu hay khó chịu mà không phản ứng để tạo ra sự yêu – ghét với các cảm giác đó thì vòng luân hồi sẽ bị cắt đứt.
Nhìn một bông hoa đẹp, cảm giác dễ chịu sẽ sinh ra trên thân và tâm, tôi chỉ cần quan sát cảm giác đó và biết rằng cảm giác đó sẽ mất đi. Tôi không bị dính mắc vào bông hoa đẹp. Vì không dính mắc nên khi bông hoa tàn tôi sẽ không đau khổ mà biết rằng hoa nở thì hoa sẽ tàn, cảm giác dễ chịu đến rồi đi, cảm giác khó chịu cũng đến rồi đi.
Các bài tập thiền Vipassana giúp tôi quan sát các cảm giác liên tục sinh ra rồi mất đi trên thân và tâm khi các giác quan tiếp xúc với cảnh trần bên ngoài.
Nhìn sâu hơn nữa tôi thấy thân và tâm của tôi liên tục thay đổi theo thời gian, liên tục chịu tác động bởi các cảnh trần bên ngoài: mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc. Sự tiếp xúc giữa giác quan với cảnh trần bên ngoài tạo ra cảm giác dễ chịu hay khó chịu trên thân và tâm.
Nếu tâm bình tâm quan sát các cảm giác đó mà không phản ứng thì các cảm giác đó sẽ không gia tăng cường độ và ngày càng yếu đi, dần dần tâm sẽ trở nên bình thản trước mọi cảm giác do sự tiếp xúc giữa các giác quan với cảnh trần bên ngoài.
Nhìn sâu hơn nữa thì tôi lại được tạo nên bởi những cái không thuộc về tôi: thức ăn, âm thanh, cảnh vật, con người… Tất cả những gì các giác quan tiếp xúc hàng ngày không thuộc về tôi, tất cả thay đổi theo thời gian. Tôi được tạo nên bởi những thứ không thuộc về tôi. Ý tưởng về vô ngã xuất hiện, không có một cái ngã thường hằng, bất biến, không phụ thuộc vào những thứ khác. Nếu không có ngã thì vì sao tôi phải cố bảo vệ bản ngã của mình để rồi đau khổ vì bản ngã đó?
Nhận ra được vô thường, khổ, vô ngã là con đường mang đến hạnh phúc thật sự và an lạc thật sự.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Bạch Huỳnh Duy Linh, địa chỉ: 2/2E Lê Thị Kim, xã Xuân Thới Sơn huyện Hóc Môn, Tp Hồ Chí Minh.
Bạch Huỳnh Duy Linh