‘Hạnh phúc phụ thuộc bên ngoài rất ít, hãy mỉm cười để thư giãn sâu hơn’
Khi tâm chúng ta có biến động, mệt mỏi và bị tổn thương thì cho dù có nắm giữ bao nhiêu điều kiện hạnh phúc, chúng ta cũng không cảm nhận được đó là hạnh phúc.
Chúng ta đã từng mơ ước, đã từng đặt ra nhiều mục tiêu và chúng ta đã đạt được. Chúng ta cũng đã hạnh phúc nhưng chúng ta lướt qua những hạnh phúc đó rất nhanh để rơi vào những nỗi khổ, niềm đau, những hoang mang, sợ hãi. Chúng ta không hiểu được tại sao mình lại không thể nắm được hạnh phúc lâu bền như vậy. Sao mình nhạy cảm với nỗi khổ, niềm đau như vậy?
Và rồi, sau những lần ngồi lại để giải quyết những nỗi thương đau của mình, chúng ta đã trưởng thành, có một nhận thức mới. Đó là, hạnh phúc không hoàn toàn ở bên ngoài, nó phụ thuộc vào bên ngoài rất ít. Hạnh phúc tùy thuộc vào chính chúng ta.
Khi chúng ta an ổn, lành mạnh, tràn trề năng lượng thì nhìn đâu chúng ta cũng thấy hạnh phúc, nhìn ai cũng thấy dễ thương, cũng đáng được chấp nhận và nâng đỡ.
Đức Phật đã từng nói “Vạn pháp duy tâm đạo”. Tất cả những gì chúng ta nhìn về thế giới bên ngoài là do sự phản chiếu của tâm thức chúng ta tại thời điểm đó.
Các nhà khoa học giữa thế kỷ 19 nói rằng, thế giới mà chúng ta đang nhìn chỉ hiện lên đúng với trình độ chúng ta đang có thôi.
Tôi thì phát biểu một câu gần gũi hơn, đó là, tâm chúng ta như thế nào thì chúng ta sẽ nhìn lên thực tại như thế ấy. Cho nên tu thiền cũng chính là tu tâm.
Ba bài cơ bản đầu tiên của thiền tập: Có mặt cùng với thân, thư giãn và mỉm cười.
Có mặt cùng với thân
Mỗi ngày, chúng ta hãy nhớ nhắc nhở bản thân thường xuyên có mặt trong giây phút hiện tại, chú ý đến những điều xung quanh mình như hàng cây, đóa hoa, ánh nắng, em bé hay là bất cứ vật dụng nào xung quanh mình. Đó là mình đang có mặt.
Mình cảm nhận được cơ thể mình, tình trạng cơ thể mình căng thẳng hay thư giãn trong giây phút này nghĩa là mình vẫn đang có mặt.
Mình biết mình đang đứng, mình cảm nhận sự đứng đó. Mình biết mình đang ngồi, mình cảm nhận sự ngồi đó. Mình biết mình đang nằm, mình cảm nhận sự nằm đó. Mình biết mình đưa cánh tay tới, thu cánh tay lại, xoay qua trái, xoay qua phải, nhìn tới phía trước, nhìn tới phía sau đó là quan sát thân. Tất cả đều là sự có mặt.
Chúng ta có thể kiểm chứng, đặt câu hỏi là mình có đang có mặt không? Mình đang làm gì đó, mình đang tiếp xúc với cái gì đó, có biết cái gì đang xảy ra xung quanh mình không? Mình có thấy gì không, có nghe được gì không, có ngửi được gì không?… Qua các giác quan mình sẽ biết được là mình có đang có mặt hay không?
Mỗi ngày quý vị hãy tích lũy sự có mặt của mình càng nhiều càng tốt, dù là 30 giây cũng vô cùng quý giá. Hãy tranh thủ khi đóng cửa xe, lên xe ngồi, cài dây an toàn, ngả người ra ghế để có mặt với chính mình. Đó cũng là thiền tập, chứ không phải là phải có gối tròn, phải mặc áo tràng, phải thắp hương lên, phải ngồi trên kiết già mới là thiền.
Bất cứ lúc nào mình có mặt trọn vẹn với chính mình, biết rõ về cơ thể của mình, biết rõ về mọi thứ xung quanh mình nghĩa là mình đang thiền tập.
Thư giãn, mỉm cười: Hãy nở một nụ cười để giúp cho sự thư giãn diễn ra sâu hơn.
Hôm qua thầy có nói chuyện với một em. Em nói là “Con đâu có lý do gì đâu mà thầy kêu con cười (vì mặt bạn này hơi buồn)”. Thầy nói, con hãy cười để chúc mừng sự sống. Con đang sống, con đang khỏe, đang có thể nói “xin chào” mọi thứ xung quanh. Điều này không phải ai cũng làm được, không phải ai cũng còn khỏe mạnh để nói “xin chào”, để kết nối với mọi thứ đang diễn ra đâu.
Thật ra, khi mình cười mình sẽ ghi nhận sâu sắc hơn cái mà mình đang tiếp xúc và cảm nhận. Nếu mình cười thường trực được thì phiền não cũng lắng dịu hơn và những năng lượng tích cực sẽ được mời lên nhiều hơn.
Tiếp theo là thư giãn:
Chúng ta thường rúm vai lại, giờ hãy thả lỏng ra. Tiếp đó hãy thả lỏng các ngón tay, hai bắp chân, cẳng chân… thêm cho mình một phút nữa, rồi lại một phút nữa nếu có thể. Nếu người nào giỏi thì trong khi đang thao tác, đang làm việc, vẫn nhớ thả lỏng cánh tay của mình.
Bất cứ lúc nào ngồi xuống, cũng nhắc mình thư giãn trước đã, vài chục giây thôi. Bất cứ lúc nào định làm một cái gì đó, hãy dừng lại thư giãn một chút xíu, vài chục giây thôi: mỉm cười, thả lỏng bờ vai, cánh tay… Bắt đầu nói một điều gì thì cũng thư giãn trước. Và sẽ thật tuyệt diệu khi vừa nói vừa có sự thư giãn.
Thầy Minh Niệm
(Trích pháp thoại: Có mặt, giãn và mỉm cười – Khoá Sống tỉnh thức và trí tuệ)