Hàn Quốc: Bộ sưu tập tượng Phật Chùa tháp bằng đá ở Vân Trụ Cổ tự

Vân Trụ Cổ Tự hiện có 80 tòa kiến trúc và 80 pho tượng Phật còn sót lại từ 1.000 pho tượng Phật và 1.000 tòa kiến trúc. Mỗi bức tôn tượng Phật lại có hình dáng, kích cỡ khác nhau…

Ngôi danh lam Vân Trụ Cổ Tự (운주사, 雲住寺) có danh xưng Vận Chu Tự (運舟寺), tọa lạc tại núi Linh Quy, quận Hòa Thuận (Hwasun), tỉnh Toàn La Nam đạo (Jeolla Nam), Hàn Quốc. Ngôi chùa này cách Hòa Thuận (Hwasun) 26 km (16 dặm) về phía tây nam hoặc cách Gwangju 40 km (24 dặm) về phía nam So với các ngôi chùa khác ở Hàn Quốc, ngôi chùa này có bộ sưu tập tượng Phật bằng đá và chùa tháp bằng đá khác thường, vì vậy Vân Trụ Cổ Tự thường được gọi là ngôi chùa bí ẩn, nổi tiếng bởi hàng nghìn tượng Phật bằng đá, hàng nghìn ngôi Bảo tháp điêu khắc đá rất tinh xảo muôn hình vạn trạng, được xem vô cùng bí ẩn, do Quốc sư Đạo Sân (826-898) khai sơn vào cuối thời Sila thống nhất. 

Ngôi danh lam cổ tự này là những thành tựu kỳ vĩ, bởi chính bản thân nó đã nêu bật giá trị, những tư duy của nhiều thế hệ.

01

Theo thuyết địa chất – địa tầng truyền thống, để khắc phục những vụ sụt lở do cấu tạo lòng đất không cân đối của bán đảo Triều Tiên mà 1.000 pho tượng Phật và 1.000 ngôi nhà đã được dựng lên ở vùng Tây Nam này. Quốc sư Đạo Sân, bậc Cao Tăng thạc đức, nổi tiếng phong thủy địa lý đã sáng lập ngôi già lam cổ tự này vào cuối thời Vương triều Silla (57 – 935 Tây lịch), nhưng nguồn gốc chưa xác minh. 

Ngôi danh lam Vân Trụ Cổ Tự được chỉ định là Quốc bảo số 312 và là nơi có Kho báu số 798 nổi tiếng, “Tháp đá đa tầng” (다층석탑, 多層石塔). 

Khởi nguyên 

Bốn cuộc khai quật và hai nghiên cứu học thuật đã diễn ra tại ngôi Vân Trụ Cổ Tự, do Bảo tàng Đại học Quốc gia Jeonnam, Hàn Quốc thực hiện từ năm 1984 đến năm 1991, nhưng thời điểm chính xác ngôi cổ tự được xây dựng và phương pháp xây dựng vẫn còn là một bí ẩn. 

Theo truyền thuyết, địa lý phong thuỷ truyền thống của Hàn Quốc, bán đảo Đông Bắc Á này được xác định là mất cân bằng và có nguy cơn bị sụt lún bởi có ít núi ở Honam, phía tây nam của bán đảo, hơn là ở Yeongnam , phía đông nam.

Vân Trụ Cổ Tự hiện có 80 tòa kiến trúc và 80 pho tượng Phật còn sót lại từ 1.000 pho tượng Phật và 1.000 tòa kiến trúc. Mỗi bức tôn tượng Phật lại có hình dáng, kích cỡ khác nhau và là chủ đề nghiên cứu của rất nhiều chuyên gia nhờ kỹ thuật điêu khắc của những nghệ nhân tuyệt xảo. Nhưng hiện chỉ lưu giữ khoảng 80 bức tượng Phật bằng đá và một số di tích quý hiếm khác.

Ngôi danh lam Vân Trụ Cổ Tự, xuất hiện trong các truyền thuyết nhiều nhất và có một lịch sử huyền bí hơn bất kỳ ngôi cổ tự nào tại Hàn Quốc. Câu chuyện truyền tụng rằng, để khắc phục thảm hoạ này, một đêm, Quốc sư Đạo Sân (도선국사, 道詵國師, 827-898), cuối thời Silla thống nhất đã cho kiến tạo 1.000 ngôi Bảo tháp và 1.000 tượng Phật chỉ trong vòng một đêm. Mặc dù có một số ghi chép cho thấy thực sự trong ngôi Cổ tự này có tới 1.000 tượng Phật và 1.000 tháp Phật tồn tại cho tới tận thế kỷ 15,16 nhưng đến năm 1942 chỉ còn lại 30 tháp và 213 tượng. Hiện nay chỉ còn sót lại 17 tháp và 70 tượng.

02

Kho báu và tài sản văn hóa hữu hình

Quốc sư Đạo Sân xem thấy địa hình của thung lũng gợi lên hình ảnh một con tàu lớn nên Ngài ngẫm nghĩ chốn thiền môn tự viện Phật giáo này cần một cánh bườm và một thuyền trưởng. Những công trình xây các toà nhà cao, vuông vắn, được dựng dọc theo một đường thẳng xuống trung tâm của thung lũng, tượng trưng cho cột buồm của con tàu, trong khi các toà nhà tròn và tượng Phật được tìm thấy khắp khuôn viên tượng trưng cho thuỷ thủ đoàn. 

Tháp đá chín tầng (구층석탑,  九層石塔) này, cao nhất trong khuôn viên chùa, được chỉ định là Quốc bảo số 796, là ngôi bảo tháp đá đầu tiên được phát hiện khi đi đến các điện thờ chính. Đá nền nằm trên một tảng đá lớn, và ngôi bảo tháp được chạm khắc đầy đủ các hoạ tiết hình học. Tầng thứ hai và thứ ba được xây dựng bằng bốn viên đá tường riêng biệt, trong khi các tầng khác đều là đá đặc, được trang trí bằng các trụ ở rìa và giữa. Các khối đá thân có khắc đôi hình thoi với hoạ tiết bên trong hình thoi. Với các góc đá mái được nâng lên một cách vui nhộn và hoạ tiết lược dọc theo mái hiên, ngôi bảo tháp này thể hiện sự hùng vĩ của chi tiết hoàn thiện, đặc trưng của giai đoạn sau của triều đại Goryeo. Trên chóp đỉnh bảo tháp, một viên đá hình trụ, an vị tôn trí pho tượng Phật. Ngôi bảo tháp đá này được coi là một trong những ngôi bảo tháp đá đẹp nhất trong khuôn viên Vân Trụ cổ tự. Đây là Quốc bảo số 796.

Gần 20 mươi thế kỷ, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc Hàn Quốc, trải bao thăng trầm cùng vận nước, Hàn Quốc thực sự tự hào với những khám phá về chân lý thông qua Phật giáo, những ngôi danh lam thắng tích Phật giáo với những kiến trúc truyền thống là minh chứng cụ thể.

Quốc sư Đạo Sân, vị thánh triết Phật giáo, chẳng những thông Tam tạng kinh điển Phật giáo, bác lãm tam giáo, Phật giáo, Nho gia, Lão giáo, mà còn uyên bác tinh thông nhiều lĩnh vực khác như: Thiên văn học, địa lý, phong thủy, hình học, chiêm tinh…

Đức từ bi, trí tuệ và thần thông quảng đại, vô ngại biện tài của Ngài đã làm cho cả triều đình kính phục và sắc phong Ngài làm Quốc Sư, cố vấn cho triều đình. Từ đây vua cùng quần thần phát tâm hộ trì Tam bảo, Quốc vương đại thần duy trì Phật pháp và Phật giáo trở thành Quốc đạo nước Tân La (Silla).

Ngài là một trong những nhân vật nổi tiếng vào thời bấy giờ và gây ý thức độc lập tự cường, đặt nền móng hòa bình thịnh vượng nghìn năm cho con cháu Triều Tiên. Thành phố Seoul có một địa danh mang tên Phường Đạo Sân (Doseon-dong-道詵洞), tên tuổi của Quốc sư Đạo Sân mãi ngời sáng với non sông tổ quốc.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học. 

Việt dịch: Thích Vân Phong