Hai nguyên tắc làm vơi đi phiền não

Trên thế gian này chỉ có lòng từ bi mới có khả năng làm vơi đi những nỗi khổ niềm đau. Các bạn nhất định phải hỷ xả, cần phải mở lòng khoan thứ, bao dung, thương yêu mọi người, mọi chúng sanh. Thương yêu và tha thứ mọi người, bạn sẽ sống những ngày rất hạnh phúc.

 

Mở lòng khoan thứ, bao dung

Thứ nhất, bạn nhất định phải mở lòng khoan thứ, bao dung và thương chúng sanh. Cả đời, chúng ta đã hao phí biết bao nhiêu thời gian vào việc quấy nhiễu, làm tổn thương, hủy báng và phê bình người khác. Chúng ta đã đi quá xa và không kịp bình tĩnh lại để hiểu mình, xem mình có lỗi lầm gì hay không. Chúng ta mỗi ngày mở mắt ra là toàn thấy lỗi lầm và sai trái của người khác, mỗi lần mở miệng là toàn nói lỗi lầm của người khác. Con người là loài vĩnh viễn chịu phiền não, từ sáng đến tối đều phiền não, đến già chết vẫn không giác ngộ được. Muốn có cuộc sống hạnh phúc, nhất định bạn phải mở lòng khoan thứ, bao dung, thương chúng sanh.

Các bạn không phải là thánh nhân. Trong tâm bạn nhất định có sự phẫn nộ, giận hờn người khác, rất chán ghét, ganh tỵ người khác, đúng không? Trong các bạn, ai là người từ trước đến nay không có những tính khí như vậy? Không có ai! Mọi người ai nấy đều có những tính tình như vậy. Hiện tại tôi đang nói với mọi người rằng làm thế nào để sống những ngày an lạc, hạnh phúc? Câu trả lời là cần phải thương yêu và khoan thứ cho mọi người, mọi chúng sanh, không cần phải xem khuyết điểm của người khác, chỉ nên xem bản thân mình có khuyết điểm hay không.

Tôi xin nêu một ví dụ như thế này. Cùng làm việc chung một công ty, năng lực của người ta so với tôi hơn hẳn, thế là tôi sanh tâm đố kỵ, ganh tỵ anh ta, trong lòng tôi rất bất mãn. Các bạn xem, nếu như vậy là người kia khổ hay tôi khổ? Bạn ganh ghét người ta, hận người ta, người ta lại không biết, chỉ mình bạn chuốc lấy phiền muộn. Rồi sau đó, có một ngày bạn thật sự chịu đựng không nổi, đối với người bạn ghét, bạn nói: “Tôi hận anh, anh có biết không?”. Người kia trả lời: “Tôi đâu có biết! Tôi có biết gì đâu!”. Người như thế không phải là rất đáng thương sao?

Trên thế gian này chỉ có lòng từ bi mới có khả năng làm vơi đi những nỗi khổ niềm đau. Các bạn nhất định phải hỷ xả, cần phải mở lòng khoan thứ, bao dung, thương yêu mọi người, mọi chúng sanh. Thương yêu và tha thứ mọi người, bạn sẽ sống những ngày rất hạnh phúc. Tối hôm nay các bạn đến đây nghe tôi nói bài pháp thoại này giống như nắm được hai mươi vạn đô-la Tân-gia-ba, trở về nhà ngủ rất ngon giấc. Bạn có thể nói: “Trước đây tôi rất hận anh, hôm nay nghe thầy giảng, tôi không còn hận anh nữa, coi như đời trước nợ anh, anh hãy cầm lấy mà dùng!”.

 

Chân dung cố Hoà thượng Tịnh Không.

Chân dung cố Hoà thượng Tịnh Không.

Trong Lục tổ Đàn kinh nói: “Người ta thì thị phi, hơn thua, còn ta thì không”. Đó chính là lời của Lục tổ Huệ Năng dạy cho chúng ta. Người ta mang nhiều thị phi, hơn thua quá, chúng ta thì không nên có thị phi, hơn thua. Chúng ta cần phải thực hiện nguyên tắc này: “Khoan thứ, bao dung với mọi người, mọi chúng sanh”, đây là điều căn bản trước tiên của người học Phật, có như vậy bạn mới không bị khổ đau, phiền não.

Kỳ thật, chúng ta không phải vì chúng sanh mà thương yêu chúng sanh, mà là vì chính bản thân mình, vì muốn làm cho tâm hồn chúng ta hưởng thụ được một phần an tịnh, vắng lặng trong nội tại, để được tươi mát, an lạc, hạnh phúc tự tại. Bởi vậy, bạn nhất định phải mở lòng bao dung, thương yêu và tha thứ chúng sanh, khi đó, trí tuệ của chúng ta sẽ bừng sáng, tâm địa cũng từ đó rộng lớn, bao la.

Thay đổi, chuyển hóa chính mình

Thứ hai, chuyển hóa chính mình, thay đổi tính hiếu thắng, muốn hơn người khác. Đức Phật dạy: “Chiến thắng trăm vạn đại quân không phải là người chiến thắng vĩ đại, chiến thắng chính mình mới là người chiến thắng vĩ đại”. Nói một cách đơn giản, việc làm cần thiết nhất của người học Phật là phải thay đổi, chuyển hóa chính mình.

Học hiểu Phật pháp rồi, chúng ta sẽ thay đổi được bản thân. Tôi luôn quan niệm, nếu hôm nay các bạn không đến đây, tôi sẽ tìm niềm vui trong chính mình, bởi vì cuộc sống của tôi luôn trôi chảy; nếu chuyển hóa bạn không được, tôi chuyển hóa chính mình. Vì vậy mỗi lần giảng kinh tôi đều nói đi nói lại, là chỉ vì muốn chuyển hóa bản thân chúng ta, nhanh chóng dừng lại những việc tranh chấp, hơn thua để tiến đến cuộc sống an lạc, hạnh phúc.

Mỗi ngày, chúng ta mở miệng ra đều tạo nghiệp, đều nói toàn những điều thị phi, toàn tung ra những lời bịa đặt. Vì mục đích bảo vệ danh dự và quyền lợi của mình, hoặc chỉ để giải trí, câu like… bất kể những điều hư vọng, bạn mặc tình chia sẻ để hại người, thương tổn chúng sanh, gây hoang mang dư luận.

Các bạn hãy kiểm nghiệm lại lương tâm, từ nhỏ đến lớn có phải đã từng vì báo thù, vì tham một chút tiện nghi, hoặc là vì một chút danh lợi mà nói dối, bôi nhọ người khác, làm thương tổn người khác? Vì vậy, điều mà tôi muốn trình bày với các bạn là, làm thế nào để có được cuộc sống hạnh phúc?

Bạn không nên nghe thị phi. Tai của chúng ta như một đóa hoa là nên để nghe Phật pháp mà không nên dùng để nghe những điều thị phi. Bởi vì ‘thị’ và ‘phi’ là cặp phạm trù đối lập, tương đối, nghe từ một phía thì không chính xác. Từ người này nghe những lời nói ngon ngọt, êm tai, rồi dùng ý thức chủ quan hiểu lệch lạc sự thật đi thóa mạ, nói xấu người khác, tất cả những lời nói độc ác nào cũng đều tuôn ra. Vì vậy, nếu chúng ta không có trí tuệ, chỉ nghe từ một phía, thì bạn sẽ bị người ta che đậy, lừa dối, không thấy được chân tướng của sự thật, không những mình nghe không được chính xác mà còn truyền bá những điều sai trái, ngộ nhận cho nhiều người khác nữa.

Không nghe, không nói và không tuyên truyền thị phi. Nghe những điều thị phi đối với chúng ta đã là điều không tốt rồi, mà nói những lời thị phi đối với chúng ta cũng chẳng có lợi ích gì, còn tuyên truyền cho người khác là việc làm ác, đối với chúng ta cũng không có gì là tốt cả. Người đời ai cũng muốn ẩn ác dương thiện huống nữa là một người học Phật.

Một người học Phật muốn liễu sanh thoát tử, muốn thành Phật, muốn thành Thánh hiền, mà mỗi ngày toàn tuyên truyền những điều thị phi, bạn nói thử xem, họ có thành Phật được không? Họ sẽ thành ma! ‘Phật’ và ‘ma’ phát âm (theo tiếng Đài Loan) rất giống nhau, thành Phật, thành ma không sai biệt bao nhiêu, nghe kỹ thì chỉ khác biệt một chút mà thôi.

Vì vậy nên nói rằng, ba điều căn bản tu hành là: không nghe thị phi, không nói thị phi, không tuyên truyền thị phi, hy vọng tất cả chúng ta nhất định ghi nhớ. Tóm lại, thị phi, không giúp ích gì cho chúng ta tu hành, bạn không cần phải can thiệp vào chuyện xấu tốt của người khác, chỉ cần quan tâm đến những chuyện xấu tốt của chính bản thân mình có hay không, đó mới là điều quan trọng nhất.

Bạn quan tâm chăm sóc bản thân mình cho tốt, nhún nhường bản thân mình một chút là một ngày mình sống được hạnh phúc một chút. Vì sao suốt ngày chỉ xen vào chuyện của người khác kia chứ? Giả sử tôi không quan tâm đến bạn, tôi không xen vào chuyện của bạn, nhưng tôi dùng sức cảm hóa, tôi xem có độ bạn được thì độ, độ không được bạn thì tôi trở lại độ chính bản thân tôi trước. Không nên vì khuyết điểm của người khác mà ảnh hưởng đến tâm hồn của bạn. Chúng ta vốn có thể sống một cuộc sống rất hạnh phúc, rất tự tại, thảnh thơi, nhưng vì chúng ta quan tâm thái quá đến những chuyện xấu tốt, những thiện ác, thị phi, cao thấp của người, cho nên đánh mất chính mình.

Người xưa có nói “Bụi hồng đáng lý ở trong núi, vì sao gió bụi lại có thể nhiễm người? Tại người quấy nhiễu gió bụi đó thôi!”. Chúng ta đều là người dại khờ, đi nắm lấy cái khách trần phiền não bên ngoài làm nhiễm ô cái tự tánh thanh tịnh, an vui của chính ta. Người ta chẳng ai thèm nhớ nghĩ đến nội tâm của mình, chỉ toàn nhớ nghĩ đến ngoại cảnh, nhớ đến thị phi, để cho tâm hồn mình bị nhiễu loạn.

Vì vậy, điều quan trọng nhất của người học Phật là học thế nào để giữ gìn cho được cái bảo vật tràn đầy an vui, từ bi, không chướng ngại, như như bất động của tâm hồn mình. Cũng giống như “núi xanh không chuyển động, mây trắng mặc đến đi”. Hết thảy mọi sự việc nhân duyên trước mắt đều có thể quán chiếu các pháp như huyễn như hóa, như mây khói qua mắt, không khởi tâm, không động niệm, giữ gìn tâm hồn an tĩnh thành một khối như như bất động để tận hưởng niềm hỷ lạc vô biên trong tận suối nguồn tâm linh.

Hãy nhớ, đối với bản thân mình hãy từ bi một chút, phải vui vẻ với chính mình một chút, không việc gì phải bận tâm nghĩ ngợi lung tung, không cần phải tìm phiền não, đó là điều quan trọng nhất. Trong cuộc sống lúc nào cũng giữ tâm thanh tịnh, vui vẻ tràn đầy, đó mới là hưởng thụ cuộc sống, tự nhiên có thể sống rất an lạc, hạnh phúc tại đây và bây giờ.

(Trích Đạo Phật và Nhân sinh, Thích Nguyên Hùng dịch)

Pháp sư Tịnh Không