Hải đảo tự thân

Khi bước vào ngôi nhà của mình, ta có thể thư giãn, trở về với chính mình. Ta cảm thấy ấm cúng, thoải mái, an toàn và hạnh phúc. Nhưng thực sự thì ngôi nhà đích thực của ta ở đâu?

 

Ngôi nhà đích thực của ta, cái mà Bụt gọi là hải đảo tự thân, là một nơi bình an bên trong. Thường thì ta không thấy nó ở đó, thậm chí ta không biết thật sự ta đang ở đâu, bởi vì môi trường bên ngoài và bên trong ta đầy những tiếng ồn. Ta cần một ít tĩnh lặng để tìm lại hải đảo tự thân.

Chúng ta có hải đảo tự thân. Nương tựa hải đảo tự thân bằng chánh niệm là thực tập hằng ngày của chúng ta.

Chúng ta có hải đảo tự thân. Nương tựa hải đảo tự thân bằng chánh niệm là thực tập hằng ngày của chúng ta.

Mỗi khi thấy mệt mỏi, bực bội, buồn rầu, sợ hãi, lo lắng…, ta sử dụng hơi thở chánh niệm để trở về ngôi nhà của chính mình, trở về với hải đảo chánh niệm. Nếu thực tập chánh niệm đều đặn, luôn trở về với hải đảo tự thân, thì khi có vấn đề khó khăn, ta sẽ dễ dàng và thích thú hơn để tìm lại nơi an toàn, trở về lại ngôi nhà của chính mình. Chúng ta có đủ may mắn để biết các pháp môn thực tập chánh niệm, chúng ta phải tận dụng sự thực tập để làm lớn mạnh sự liên hệ với ngôi nhà đích thực của mình. Đừng đợi đến khi bị sóng lớn đánh ta mới trở về hải đảo tự thân. Thực tập trở về càng nhiều càng tốt bằng cách sống chánh niệm trong những giây phút của đời sống hằng ngày. Làm được như vậy thì chắc chắn khi những lúc khó khăn đến, ta sẽ dễ dàng và tự nhiên thoải mái trở về ngôi nhà của mình.

Đi thiền, ngồi thiền, uống trà, ăn cơm, thở trong chánh niệm là những thực tập nương tựa cụ thể mà chúng ta có thể thực tập nhiều lần trong ngày. Hạt giống chánh niệm luôn có trong ta. Hơi thở vào ra của ta cũng luôn có đó. Chúng ta có hải đảo tự thân. Nương tựa hải đảo tự thân bằng chánh niệm là thực tập hằng ngày của chúng ta.

Trích trong sách “Tĩnh Lặng” 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh