Hải đảo tự thân

Trong trưởng thành tinh thần và giải thoát tâm thức, chúng ta biết là không có nơi nào có thể nương tựa ngoài nương tựa chính mình được. Đức Phật Gotama gọi nương tựa chính mình là trở về với hải đảo tự thân.

 

Sau khi Thầy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên nhập Niết-bàn, cũng như trước ngày Niết-bàn của chính mình một tháng, Đức Phật nhiều lần chia sẻ:

“Tất cả các hiện tượng nào có sinh khởi, có tồn tại, có tác dụng trên các hiện tượng khác, nói khác hơn là tất cả các pháp hữu vi, đều phải theo luật vô thường để đi đến hoại diệt. Muốn cho chúng còn mãi còn hoài mà không hoại diệt, đó là một chuyện không thể xảy ra. Những gì ta trân quý hôm nay, ngày mai thế nào ta cũng phải buông bỏ và xa lìa. Chính tôi chẳng bao lâu nữa cũng sẽ ra đi. Quý vị phải thực tập làm hải đảo tự thân, biết nương tựa nơi chính mình mà đừng nương tựa vào một ai khác, phải thực tập nương tựa vào hải đảo chánh pháp, biết nương tựa nơi chánh pháp, chứ đừng nương tựa vào một hải đảo nào khác hay một ai khác.

Điều này có nghĩa là thực tập an trú trong phép quán niệm nội thân trong nội thân, sử dụng các bài tập một cách chuyên cần để nuôi dưỡng chánh trí và chánh niệm, để điều phục và chuyển hóa những đam mê và âu lo trên đời, và cũng có nghĩa là thực tập an trú trong phép quán niệm ngoại thân trong ngoại thân, sử dụng các bài tập một cách chuyên cần để nuôi dưỡng chánh trí và chánh niệm, để điều phục và chuyển hóa những đam mê và âu lo trên đời. Đó gọi là phép quay về nương tựa hải đảo tự thân để nương tựa nơi hải đảo tự thân, quay về nương tựa nơi hải đảo chánh pháp để nương tựa nơi hải đảo chánh pháp mà không nương tựa vào một hải đảo nào khác hay nơi một vật nào khác”[1].

Quay về nương tựa chính mình. Ảnh, tác giả đang tọa thiền

Quay về nương tựa chính mình. Ảnh, tác giả đang tọa thiền

Trở về với hải đảo tự thân là trở về nương tựa chánh pháp. Nghĩa là thực tập an trú chánh niệm trên thân và tâm. Thở được những hơi thở tĩnh lặng. Thấy được tính vô thường trong từng cảm xúc, tâm tư. Nhận ra được hiện hữu chính nó như vốn là. Từ đó thôi mong đợi, thôi sở hữu và thôi tham chấp. Biết và thấy đúng con người cảm xúc, con người hành động và con người suy nghĩ bên trong mình. Hiểu mình và nhận ra trong những nương tựa bên ngoài chính mình là dao động, bất an và cố chấp [2].

Không thể có trưởng thành và giải thoát nếu không có trở về hải đảo tự thân. Khổ là khổ trên tâm và thân mình, nên không thể có giải pháp nào bên ngoài thân tâm mình được. Một điểm tựa là cần thiết, nhưng không phải là điểm tựa theo cách nói của Archimedes [3], để rồi phó thác đời mình cho những điểm tựa không là chính mình.

Một người trở về với hải đảo tự thân, người ấy hiểu rõ trách nhiệm trưởng thành và giải thoát là ở mình. Người ấy chấp nhận được mình với tất cả những có thể và không thể. Chấp nhận trong trách nhiệm và ý thức học hỏi. Từ đó biết làm mới và trân trọng tài nguyên mình có để lớn lên.

Không có tại hay bị trong khổ đau mà người ấy trải nghiệm nữa. Tất cả đều được soi sáng dưới ánh sáng nhân quả. Người ấy thấy mình trong tất cả khổ đau và hạnh phúc. Điểm tựa người ấy nương tựa không còn là điểm tựa ngoài mình. Người ấy bắt đầu học và tập những gì cần học và tập. Đặc biệt là học sống đạo đức, tập trú thiền định và học nhìn mình và người bằng con mắt chánh niệm và biết ơn.

Nhuận Đạt

———

[1] Kinh Hải Đảo Tự Thân, Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch Việt từ kinh 639 của bộ Tạp A Hàm (99, tạng kinh Ðại Chính) trong tham khảo Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikàya V, 152) và kinh Du Hành (kinh số 2 của bộ Trường A Hàm) do các thầy Phật Ðà Gia Xá và Trúc Phật Niệm dịch vào đầu thế kỷ thứ năm (1, tạng kinh Ðại Chính).

[2] Xem Hai Pháp Tuỳ Quán, Tiểu Bộ Kinh I, Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

[3] Archimedes nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng cả Trái Đất”.