Gửi em! Cô bé lớn lên từ ác mộng
Sau thời Kinh khuya. Sương đêm buốt trời, hồng chung điểm lên ba tiếng rồi lịm hẳn, ánh trăng bàng bạc chếch nghiêng bên cửa sổ soi rọi bóng dáng tĩnh lặng mờ ảo in trên nền đất lạnh. Bê chén trà nóng trên tay, ngước nhìn nụ cười an nhiên của Phật lòng đầy bình an.
Gửi em! Cô bé đã từng lớn lên trong ác mộng.
Em! Được sinh ra và lớn lên trong một vùng thôn trang hẻo lánh, nơi có những mùa lúa chét, có đám cỏ lau vươn mình đứng dậy sau những trận bão, và nơi có bao đứa trẻ lớn lên cùng mái tóc khét mùi nắng.
Em lớn lên trong sự yên bình của làng quê nhỏ, nơi có người Cha phong trần đẫm gió sương, có người Mẹ lam lũ chắt chiu từng hạt lúa hạt gạo, nơi có làn khói mỏng sau hiên nhà cùng mấy tiếng cười giòn tan.
Thế nhưng sau biến cố ấy, ngày cha mẹ em về với cát bụi, mọi tòa thành che chở như bị đánh sập khỏi cuộc đời em. Chiếc xe tải không phanh kịp, song thân em nằm đó không dậy nữa, thứ họ để lại cho em là dải khăn trắng tang thương, cùng kiếp số mồ côi.
Chắc thương đứa cháu nhỏ mồ côi, gia đình bác Tư ở phố nhận em về nuôi dưỡng. Nơi đây như ngôi nhà thứ hai của em, bước chân vô ngôi nhà mới với bao suy nghĩ bồng bột của một đứa con nít, em cứ nghĩ cuộc đời là những gam màu hồng, là bao thước phim đẹp, là nơi đây em sẽ được yêu thương theo cách trọn vẹn nhất.
Nhưng không!
Sau cánh cửa ấy, là một đứa bé cứ mỗi khi buồn lại dõi mắt về nơi xa, nơi đã từng có cha có mẹ.
Em nhớ nhà, nhớ bát canh cải xoăn, nhớ những bữa cơm nghèo cùng vài tiếng cười trong làn khói chiều. Là một đứa bé dần khép mình lại, có những nỗi đau em chẳng biết nói cùng ai. Là cô bé xem ánh đèn đường chiếu rọi vào một góc sân để làm bạn tri kỷ. Và là đứa bé bắt đầu vô cảm với chính cảm xúc của mình.
Đâu ai hay?
Áp lực từ việc học, từ sự khắc khoải nhớ thương song thân, từ sự thay đổi môi trường của một đứa trẻ lần đầu tiên xa nhà, những suy nghĩ ẩm ương của tuổi dậy thì không có người thấu hiểu. Và đâu đó là những trận đòn roi vô cớ, những câu từ mắng nhiếc như xát muối vào tim, dành cho một đứa trẻ đôi mắt vẫn còn ướt bởi những đêm nhớ nhà, từ những người mang danh phận chú bác.
Tất cả như vô tình đã đánh thức con chó đen trầm cảm trong em tỉnh dậy.
Em nhớ mãi!
Thời gian ấy em luôn không ngừng suy nghĩ bản thân mình tầm thường, vô giá trị, em luôn tìm mọi cách làm đau chính mình, vài vết sẹo trên cơ thể của em là chứng tích cho những điều ấy.
Những lúc cơn đau kéo về em như cạn kiệt năng lượng, em mong mọi người hiểu được em đang chống chọi với con quỷ trong lòng như thế nào.
Em khát khao có được ai đó đồng cảm với nỗi đau của mình nhưng không có ai cả. Những lời em nói ra sẽ trở thành một câu chuyện phím vô nghĩa đối với họ. Dù cố gắng đến mấy một chút quan tâm, cảm thông và thấu hiểu em cũng không nhận được.
Cái cảm giác không có gì trong cuộc đời này cần em, níu giữ em lại, thật sự nó rất tàn nhẫn. Đến hôm nay, khi vết thương đã lành nhưng nhớ lại hình ảnh của đứa bé ngày ấy, trong tim vẫn nhói lên những nỗi đau mơ hồ.
Hình ảnh một đứa bé với gương mặt sáng, thành tích học tập luôn khiến vài Thầy Cô khen ngợi. Nhưng đâu hay, trong chiếc cặp bạc màu là những vỉ thuốc an thần, thêm vài lọ thuốc ngủ mà em phải đi mua ở nhiều nhà thuốc khác nhau, với mấy lời nói dối.
Em đã từng cố gắng đưa ra những lời cầu cứu, nhưng cũng chưa ai chịu lắng nghe khi em khẽ nói “con đang rất bất ổn”, điều em nhận lại và những ánh mắt vô hồn, và đôi lời bâng quơ: “Mày đừng cố phức tạp hóa bản thân lên, hãy sống như một con người bình thường và đừng làm khổ mọi người nữa”.
Kèm theo đó, là những cái tát đau điếng người vào gò má non nớt của em, cũng có thể là những lời đay điếng về sự xuất thân nơi nghèo khó, mẹ nó không học, bố nó như vậy, mẹ nó như vậy, và nó cũng phải như vậy. Những lúc ấy, em lùi lại, thu mình, như con thú bị thương đang vẫy vùng tuyệt vọng.
Ngày ấy em mơ hồ nghĩ rằng: “Phải chăng tất cả những bất hạnh mà một đứa trẻ đang chịu đựng có lẽ vì chúng chưa ngoan”, và em cũng vậy!
Và rồi.
Đỉnh điểm của nỗi đau là em đã từng phải đấu tranh, từng lưỡng lự bên khung cầu giữa nhảy xuống để kết thúc hay ở lại để tiếp tục chiến đấu.
Cho đến khi tiếng còi xe làm em giật bắn người, em mới trở lại thực tại và hình ảnh má hiện về, em ngã quỵ khóc triền miên, em thôi không làm điều đó nữa.
Em đã đến với ý định tự sát ấy trong gang tất, nhưng em đã không làm, do đó em đã trở thành kẻ may mắn sống sót, kẻ đã đến bên bờ vực, đã nhìn xuống nhưng không nhảy. Em đã sống sót để kể lại câu chuyện của chính mình gói gọn trong bốn từ “CON BỊ TRẦM CẢM”.
Thế đấy, đã từng có đứa bé tuổi chưa tròn mười lăm, một mình chống chọi cùng căn bệnh trầm cảm đáng sợ, bóng ma của những cảm xúc tiêu cực.
Em xấu hổ, mặc cảm với những cái nhìn từ những người mà em luôn yêu thương, những lời thì thầm trên hành lang rằng em là kẻ yếu đuối, vô dụng, và không bình thường. Đó là những thứ đã ngăn em đi tìm sự giúp đỡ và sống chung với những sự dày vò của căn bệnh quái ác ấy.
Mọi người biết không?
Thật sự hiện tại con không ngừng rơi nước mắt khi ghi ra những điều này, chúng như một cuộn phim quay chậm, từng nét rõ ràng khứa vào tâm hồn từng nhát từng nhát, như thể mài đi mài lại con dao trên cùng một vết thương vậy. Nhưng con vẫn chọn cách nói lên, vì đơn giản những điều này có lẽ ai đó đang đắm mình trong bóng đêm sẽ cần đến.
Và rồi.
Vào một ngày cuối Thu, khi mùi hương hoa sữa bắt đầu quyện vào gió thì điều nhiệm mầu cũng theo đó xuất hiện. Không biết bằng sợi dây vô tình nào đấy em gặp được Sư, một vị Sư đã từng mắc căn bệnh trầm cảm giống em, và giờ đây Vị ấy trở thành một nhà tâm lý trị liệu cho bao bạn trẻ.
Sư như hiểu hết con người của em, hiểu được cuộc đời, câu chuyện và cả những nỗi đau em đang phải gồng mình chống chọi, em có cảm giác không còn đơn độc trong cuộc hành trình này nữa.
Sau bao bài thực tập chuyển hóa nội tâm, em phát hiện ra thế giới bên ngoài và nội tại luôn có sự liên quan chặt chẽ. Tâm hồn em làm sao mới mẻ được khi bên ngoài còn bao nhiêu giông gió đang bủa vây.
Và.
Em quyết định ra đi.
……
Ngày ấy ra đi, em như con chim non ngược giông ngược gió trong ngày bão. Đuối sức, mơ hồ. Nhưng em vẫn chọn cách ra đi, đi để tìm lại chính mình của thuở ấy, em quay lưng về phía ngôi nhà tráng lệ ở phố thị, đi mãi đi mãi, đi đến khi không còn nghe những âm thanh chua chát nơi ấy vọng về.
Em tìm về một ngôi chùa cũ cuối thôn!
Nơi mà những phồn hoa của phố chợ không vọng đến được. Một cảnh chùa, một rừng cao su bạt ngàn, một mùa đất đỏ lấm gót chân người tu sĩ.
Nơi đây có vị Sư già khép mình ở ẩn, vị tu sĩ của thời xưa, cứ chậm rãi, cứ an nhiên đi qua hết những ngày khắc nghiệt nhất của cuộc đời. Đôi mắt thật sáng, thật hiền, khuôn mặt thông tuệ của người, giữa hàng mi dài, thấm đẫm gió sương.
Nơi có lời kinh tựa như gió như mây, vào những đêm trăng hạ huyền kéo về từng cơn mưa đêm, thoang thoảng hương trầm, ấm từng trang Kinh xưa. Nơi đây tháng năm có hương Ngọc Lan thơm nhè nhẹ, cùng những tiếng vỗ cánh thật khẽ của những chú chim ăn đêm.
Nơi đã sẵn sàng dang tay đón nhận, bao dung và chữa lành từng vết thương của đứa bé năm nào.
Em quay về nương tựa Phật, con đường của tình thương và sự hiểu biết.
Em đã không còn tự làm đau mình như lúc trước nữa, em dần không còn suy nghĩ làm sao để tự sát và phải tự sát như thế nào?
Những lần tự mình chữa trị, em đã thần thờ, không cảm xúc, không buồn, không vui, không tức giận và không có gì để trông mong.
Lúc ấy, vị Sư già đã đến bên em, đôi tay gầy guộc đặt lên chiếc vai bé nhỏ, “Muốn khóc, thì con cứ khóc…” em òa khóc như một đứa trẻ trong lòng Sư, và rồi những nỗi đau cũng vậy mà được chữa lành.
Bởi lẽ những giây phút ấy giúp em nhận ra em vẫn còn khả năng cảm nhận cuộc sống này, em không phải con người vô cảm như em hằng nghĩ.
Sư bảo: “Thôi thì, mọi chuyện xảy ra trên cuộc đời này đều có mối quan hệ nhân quả.”
Phải chăng! Tất cả chúng ta phải trải qua nhiều biến cố, để những biến cố bào mòn hết những gai góc trong lòng, thì ta mới bắt đầu sống bình thản được.
Những ngày kế tiếp.
Bao bữa ngọ trưa cùng đại chúng, em ăn với sự chánh niệm, chậm rãi, cảm nhận được vị ngọt của đất mẹ bao dung nuôi dưỡng muôn loài, hay vị mặn của những giọt mồ hôi từ bác nông phu và tấm lòng hiếu kính của đàn na. Ngay giây phút hiện tại mầu nhiệm này em ý thức rõ hơn về sự biết ơn và báo ơn với muôn loài, không còn những bữa cơm vội vã, tâm trí mơ màng mất chánh niệm như trước.
Hay những giờ tụng kinh, lời dạy của Đấng Cha Lành âm vang trầm bổng giữa miền quê nghèo khó, em như hồi tưởng lại khung cảnh Người uy nghi thuyết pháp tại đỉnh núi Linh Thứu thiêng liêng mầu nhiệm thuở nào.
Những lúc thế này, em như bỏ lại bên ngoài mọi thứ thuộc về thế giới trần tục, một lòng sống cùng Phật, tiếng kinh kệ vang xa như gõ động tâm can.
Những bản kinh thư ngày đêm xoa dịu tâm hồn cằn cỗi của em. Em thấm thía bao nỗi đau, bao sự trăn trở của nhân gian và học cách trân quý những bình an luôn tồn tại bên mình.
Có đôi lần em khẽ cười an nhiên khi nhìn thấy vài con người lấm lem bụi nhân thế giống em của ngày ấy, về lại dưới hiên chùa lắng lòng nghe một câu Kinh rồi đứng dậy mỉm cười bước tiếp.
Thế đấy!
Lời dạy của Phật, một Đấng Cha Lành không những xoa dịu nỗi đau mà còn mang tính chất chữa trị. Pháp âm của một bậc Y Vương.
Phải chăng! Đạo Phật là tiếng thở dài của chúng sanh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim.
Cũng vậy!
Cuộc sống quanh em như dần chậm lại, từng bước chân thảnh thơi không còn lăng xăng loạn động, em bước từng bước chậm rãi cảm nhận được sự bình an, em thấy hình ảnh những bước chân thảnh thơi của Tăng đoàn khi theo gót chân Phật du phương thuở nào.
Em ý thức được rằng con đường mà Đức Phật dạy là con đường có thể đem lại sự an lạc ngay giây phút đầu của sự tu tập, không cần phải chờ đến năm năm hay mười năm ta mới được an lạc, đó không phải là sự hứa hẹn hão huyền về tương lai, hay chỉ có quyền tin, trái lại đó là cái mà ta có thể thực chứng ngay hiện tại.
Giờ đây!
Khi nhìn lại mọi chuyện em đã không còn đổ lỗi cho người lớn khi đó nữa. Bởi em hiểu rằng thật khó để quan tâm nỗi đau vô hình, khi cuộc sống của họ cũng đầy rẫy những nỗi lo và đấu tranh với những tổn thương tinh thần của chính họ.
Giờ em cũng đã nhận ra đời sống phải cần đến những xây xát, trầy xước để mà trưởng thành và bắt đầu hữu dụng. Niềm đau là cái bắt buộc trong đời, và nó chính là lối thoát, là cơ hội thăng hoa của vạn vật. Chính nỗi đau đã dạy người ta biết sống linh cảm, biết trăn trở, biết choàng dậy để không hoài ngủ mê.
Giống như hoa sen kia không mọc trên núi đá cao, đồng rộng mà chỉ mọc trong bùn đen tăm tối. Thế mới hay mọi phiền não đời này đều là hạt giống được gieo trồng bởi đức Như Lai.
Lần đầu tiên em cảm thấy nhẹ lòng khi con chó đen đang xuất hiện và hành hạ em, đó là khoảnh khắc em nhìn thấy bầu trời hoàng hôn đỏ rực phía sau ngọn đồi của mái chùa cuối thôn, em nhận ra rằng vũ trụ vẫn nguyên vẹn như vậy cho dù em có đau đớn hay hạnh phúc, nỗi đau của em bất chợt thật nhỏ nhặt. Những lần tuyệt vọng em đều cố gắng hòa mình vào thiên nhiên để cảm thấy mình là một phần của một cái gì đó lớn hơn, một cái gì đó thật đẹp và vĩ đại.
……
Đêm nay đã là cuối Thu, ánh trăng sáng mơ hồ, pha chút gió se lạnh, nhìn dòng người hối hả nơi chốn bụi hồng, ai ai cũng đầy những vết thương.
Thầm tri ân tạo hóa đã cho cô bé ấy gặp Cha Mẹ, cảm ơn nhân duyên đã cho em gặp được Phật Pháp ngọn đèn chân lý đầu tiên trong cuộc đời em. Sâu bên trong với lòng biết ơn vô hạn, thầm tạ ơn hình ảnh một vị thái tử từ bỏ bao điều mà nhân sinh hằng mong ước, vượt thành xuất gia với bao khó nhọc, để rồi hôm nay nhân loại được thừa hưởng một kho tàng chân lý, những liều thuốc xoa dịu đi những tang thương của nhân loại trong đó có cả em.
Có lẽ….
Khi đang ngồi đây và viết những dòng này thì đâu đó trên thế giới có vài bạn đang tự làm đau chính mình, có vài bạn đang lưỡng lự trước lọ thuốc tự sát hay vài ca cấp cứu của những cuộc tự sát bất thành. Vì đã từng trải qua nỗi đau và sự tra tấn của con chó đen trầm cảm, hơn ai hết em hiểu được các bạn đang bất lực như thế nào. Chỉ mong bằng sợi dây vô tình của tâm thức đầy tổn thương như nhau, mong những bạn trẻ đang chông chênh ở cái thế giới đầy sự bấn loạn, mong các bạn sẽ đọc được lá thư này.
Em chỉ muốn nói với các bạn đang giam mình trong bóng đêm, các bạn hoàn toàn không đơn độc, hoàn toàn không dị thường, các bạn có quyền yêu thương và được yêu thương, chỉ có nỗi đau, sự sợ hãi, chúng mới đáng để đơn độc mà thôi.
Cảm ơn cô bé của năm ấy.
Bởi lẽ không ai khác, em đã từng kiên cường như thế mà, em đã cố gắng biết bao để có bản thân của hiện tại. Cảm ơn cô bé năm ấy đã yêu thương luôn cả những khuyết điểm, những điều chưa lành lặn của tâm hồn. Có thể những khắc nghiệt trong cuộc sống chưa bao giờ mang đến cho chúng ta niềm vui, nhưng chúng sẽ mang đến cho chúng ta sự vững chãi, để không bị ngã đổ bởi gió giông ngoài kia.
Đến hôm nay cô bé ấy đã tròn ba mươi, em của hôm nay đã là một vị xuất sĩ có bình an và hạnh phúc, dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều biến động. Em của ngày hôm nay đã làm cho vài bạn trẻ hạnh phúc khi lắng nghe và thấu hiểu nỗi đau như chính nỗi đau của mình, em cũng đang là chỗ dựa tinh thần cho vài bạn đã và đang chống chọi với con chó đen trầm cảm như em thuở ấy.
Sinh ra trong chốn nhân sinh này, mỗi chúng ta, là một cuộc đời, một câu chuyện riêng. Mình mong rằng dù thế nào thì câu chuyện của tất cả chúng ta cũng xứng đáng với hồi kết happy, đúng không nào?
Hôm nay trời đẹp lắm, mọi người có thấy điều đó không?
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Dương Thị Kim Yến; địa chỉ: Phường Hắc Dịch – Thị Xã Phú Mỹ – Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tuệ Hiếu