Gốc rễ của đấu tranh
Những sự tranh cãi thiếu thiện chí là cội nguồn cho tranh đấu và chắc chắn sẽ mang đến sự khó chịu, bất an và hoàn toàn tổn hại cho bản thân cùng hội chúng.
Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Sàmagàma dạy các Tỷ kheo: Có sáu gốc rễ đấu tranh này, này các Tỷ kheo. Thế nào là sáu? Ở đây, này các Tỷ kheo, phẫn nộ và hiềm hận, giả dối và não hại, tật đố và xan tham, lừa đảo và man trá, ác dục và tà kiến, chấp trước sở kiến và rất khó rời bỏ.
Này các Tỷ kheo, Tỷ kheo nào phẫn nộ và hiềm hận, giả dối và não hại, tật đố và xan tham, lừa đảo và man trá, ác dục và tà kiến, chấp trước sở kiến và rất khó rời bỏ, vị ấy sống không cung kính, không tùy thuận bậc Đạo sư; sống không cung kính, không tùy thuận Pháp; sống không cung kính, không tùy thuận Tăng; không thành tựu đầy đủ các học pháp, vị ấy khởi lên tranh luận giữa chư Tăng.
Tranh luận như vậy khiến nhiều người không hạnh phúc, khiến nhiều người không an lạc, khiến nhiều người không lợi ích. Này các Tỷ kheo, nếu các Thầy thấy những ác tránh căn ấy, các Thầy phải cố gắng đoạn trừ, phải tác động đừng cho nó có cơ hội làm hại trong tương lai. Như vậy là đoạn tận ác tránh căn ấy, như vậy là ngăn chặn ác tránh căn ấy trong tương lai.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Chư thiên, phần Gốc rễ của đấu tranh, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.88)
Lời bàn:
Tránh căn nghĩa là gốc rễ của đấu tranh, tranh chấp và xung đột khiến cho tổn hại. Nó là bản chất của chúng sinh, nói cách khác sự tranh đấu lẫn nhau trong một loài hay giữa các loài chúng sinh với nhau là một trong những bản năng sinh tồn. Loài người có ý thức, được xem là văn minh cũng đấu tranh và xung đột giết chóc lẫn nhau triền miên từ ngày khai sinh lập địa cho đến hiện nay, thậm chí ngày càng tinh vi và khốc liệt hơn.
Đời sống của người xuất gia, trong chừng mực nào đó vốn vượt ra ngoài những toan tính thế thường nên nhẹ nhàng và ít tranh chấp hơn. Tuy nhiên, nếu không nỗ lực để chuyển hóa thân tâm thì cùng khó tránh khỏi tranh đấu lẫn nhau. Biểu hiện của tranh chấp trong những hội chúng xuất gia bắt đầu từ sự không cung kính và tùy thuận Phật Pháp Tăng, nhất là khởi lên tranh luận với chư Tăng. Những sự tranh cãi thiếu thiện chí là cội nguồn cho tranh đấu và chắc chắn sẽ mang đến sự khó chịu, bất an và hoàn toàn tổn hại cho bản thân cùng hội chúng.
Theo tuệ giác Thế Tôn, những ai chưa chuyến hóa được những phiền não như “phẫn nộ và hiềm hận, giả dối và não hại, tật đố và xan tham, lừa đảo và man trá, ác dục và tà kiến, chấp trước sở kiến và rất khó rời bỏ” thì gốc rễ tranh chấp (ác tránh căn) vẫn tổn tại và tranh đấu, não hại lẫn nhau là nguy cơ có thể diễn ra bất cứ lúc nào, ngay cả những hội chúng xuất gia vẫn không là ngoại lệ. Vì thế, tu tập để chuyển hóa thân tâm, đoạn trừ phiền não là phương cách tối thắng nhằm dập tắt và đoạn tận mọi tranh chấp, xung đột.
Trích: Lời Phật dạy trong kinh tạng NIKAYA tập 3