Góc nhìn từ hải ngoại: Thử tìm hiểu yếu tố giúp ngôi chùa phát triển vững mạnh
Con em các gia đình người Việt sống tại Texas, Hoa Kỳ đến chùa dự lễ Phật đản – Ảnh: THBM
Trong lịch sử hơn 2.500 năm, Phật giáo đã trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm tại nhiều quốc gia khác nhau. Những giai đoạn Phật giáo hưng thịnh tại các quốc gia ấy hầu hết phát nguồn từ yếu tố đạo Phật đáp ứng được nhu cầu tinh thần, văn hóa và sinh hoạt tại địa phương.
Người dân cảm được lợi ích của đạo Phật trong đời sống hàng ngày do Tăng đoàn và cộng đồng Phật giáo đem lại. Họ thấy được đức từ bi trí tuệ vĩ đại của Đức Thích-ca Mâu-ni, nhất là hình ảnh hành động cao cả, thanh khiết và thiết thực của Tăng đoàn và cộng đồng Phật tử mà người dân được tiếp xúc mỗi ngày.
Những giai đoạn Phật giáo suy yếu thường đến từ hai nguyên nhân: bên ngoài can thiệp vào và bên trong tự hủy hoại. Có nhiều quốc gia Phật giáo một thời huy hoàng tại Trung Á và Nam Á như Afghanistan, Pakistan, Uzbekistan, Indonesia v.v., nay Phật giáo hầu hết biến mất hoàn toàn do bị ngoại bang xâm chiếm, tiêu diệt tất cả những ai không cải đạo. Tuy nhiên, cũng có một số quốc gia Phật giáo lụi tàn do không tích cực, uyển chuyển ứng dụng lời dạy Đức Phật theo sự biến chuyển của nền kinh tế văn hóa xã hội tại địa phương để phục vụ người dân.
Người trẻ, người trí thức sẽ tìm đến chùa bởi họ được tiếp cận đạo Phật sống động, lợi lạc cho bản thân và hãnh diện đem đạo Phật góp phần giúp đời |
Tại Hàn Quốc, Phật giáo một thời là quốc giáo với đại đa số người dân theo đạo Phật, nay Phật giáo chỉ còn thiểu số 16%, trong khi ấy tín đồ các tôn giáo khác tăng cao. Ở chiều ngược lại, Phật giáo tại các quốc gia phương Tây có khuynh hướng phát triển tích cực dẫu vẫn còn thiểu số khiêm tốn nhưng số lượng người bản địa (không phải dân nhập cư) tìm đến đạo Phật ngày càng đông. Trong khi ấy, con cháu những người nhập cư sinh ra tại phương Tây ngày càng ít đến chùa như thế hệ cha mẹ mình. Cộng đồng người Hoa khi đến Mỹ vào những năm 1850 đã xây dựng rất nhiều ngôi chùa nhưng ngày nay hầu hết đã không còn tồn tại do không thể trao truyền, thu hút những thế hệ con cháu[1].
Phật giáo có nhiều trường phái, pháp môn để cung ứng những giải pháp cho mỗi người có nhu cầu khác biệt nên về căn bản không nhất thiết phải thay đổi pháp môn của mỗi ngôi chùa. Điều quan trọng là phải làm mới pháp môn cho phù hợp với thời đại để người trẻ tuổi dễ dàng tiếp thu, đồng thời có những hoạt động xã hội hữu hiệu để Phật giáo là nền tảng của trí tuệ, từ bi, thanh khiết trong các cơ cấu xã hội.
Trong tương lai nếu những phương thức hoằng pháp hữu hiệu không có cơ hội triển khai rộng rãi, Phật giáo Việt Nam có thể rơi vào tình cảnh như Phật giáo Hàn Quốc, hàng trăm ngôi chùa người Việt tạo lập ở nước ngoài cũng có thể biến mất như những ngôi chùa người Hoa tại Mỹ trong thời kỳ 1800-1900. Tại hải ngoại cũng như tại Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhìn thấy sự phát triển tốt đẹp, có tính bền vững lâu dài của các ngôi chùa, trung tâm Phật giáo khi có phương thức hoằng pháp hiệu quả, đồng thời chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy những ngôi chùa thiếu sinh khí, tàn lụi theo thời gian.
Phương pháp hoằng pháp nào sẽ giúp đạo Phật phát triển vững mạnh lâu dài? Phật giáo có nhiều trường phái, pháp môn để cung ứng những giải pháp cho mỗi người có nhu cầu khác biệt nên về căn bản không nhất thiết phải thay đổi pháp môn của mỗi ngôi chùa. Điều quan trọng là phải làm mới pháp môn cho phù hợp với thời đại để người trẻ tuổi dễ dàng tiếp thu, đồng thời có những hoạt động xã hội hữu hiệu để Phật giáo là nền tảng của trí tuệ, từ bi, thanh khiết trong các cơ cấu xã hội.
Những ngôi chùa, trung tâm Phật giáo tại hải ngoại cũng như tại Việt Nam hoạt động hiệu quả, phát triển vững chãi, thu hút giới trí thức và giới trẻ thường có những yếu tố sau:
Kinh tụng được làm mới bằng ngôn ngữ hiện đại để mọi người khi tụng, bao gồm thiếu nhi đều có thể hiểu.
Có những khóa thiền, khóa thuyết giảng hoặc lớp giáo lý ứng dụng vào những vấn nạn xã hội đương thời, chữa lành những căng thẳng, tổn thương tâm lý, nhất là cho giới trẻ.
Có chương trình hoạt động lành mạnh cho thiếu nhi, tuổi trẻ qua việc thành lập các lớp mầm non búp sen, câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử hoặc tổ chức Gia đình Phật tử (chúng tôi sẽ viết về phương pháp hiện đại hóa Gia đình Phật tử ở một dịp khác).
Có chương trình từ thiện và hoạt động xã hội như khám bệnh, giúp đỡ người nghèo, bếp cơm từ thiện; nhà cô nhi, làm sạch môi trường, vệ sinh phố phường v.v…
Có chương trình đem lời Phật dạy đến các trại tù, trại phục hồi nhân phẩm. Tại phương Tây, chương trình đem Phật pháp đến tù nhân rất được quý trọng và thành công rực rỡ. Ở Hoa Kỳ, hầu hết các tổ chức Phật giáo người Mỹ đều có chương trình này và đã thu hút nhiều người Mỹ trẻ tuổi tham gia vì thấy rõ sự lợi ích thiết thực. Đây cũng là một trong những yếu tố chính giúp các tổ chức Phật giáo này ngày càng đông thành viên.
Các sinh hoạt cộng đồng và lễ hội của người Việt tại tu viện Thượng Hạnh (Texas, Hoa Kỳ) – Ảnh: THBM |
Thống kê chính quyền Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ cho thấy, những tù nhân tham gia các lớp Phật pháp và lớp thiền đều giảm thiểu căng thẳng, tuyệt vọng, bạo loạn trong thời gian ở tù và khi được thả ra, tỉ lệ tái phạm thấp hơn nhiều lần so với những tù nhân khác[2]. Chính vì lợi ích này, nhiều nhà tù có chính sách giảm án cho những tù nhân tham gia các lớp Phật pháp/thiền. Do nhu cầu quá lớn nên số lượng giảng sư/thiền sư không đủ đáp ứng[3].
Có chương trình thăm viếng bệnh nhân. Đối với người bệnh nặng, được thăm viếng hỗ trợ tinh thần cùng thời pháp, thời kinh là sự quý giá, khát khao vô cùng. Đây là chương trình không những giúp hành giả thực thi hạnh Bồ-tát mà đồng thời kết nối người bệnh biết đến giáo pháp Như Lai, có sự an lạc trong những ngày ốm đau tuyệt vọng. Khi hoàn phục, người bệnh sẽ nâng cao lòng tín tâm tin Phật. Đây là một trong những công tác hàng đầu của tôn giáo bạn. Không ít Phật tử vì chưa biết nhiều đến giáo pháp Như Lai đã cải đạo khi lâm trọng bệnh không có cộng đồng Phật giáo hỗ trợ nhưng được cộng đồng tôn giáo bạn hỗ trợ tích cực.
Có chương trình lớp học ngoại khóa như: võ thuật, ngoại ngữ, thực dưỡng, yoga, thư pháp, hội họa, kỹ thuật thuyết trình, kỹ thuật lãnh đạo v.v…
Có chương trình khách mời để các chuyên gia, người thành đạt có tín nhiệm trong xã hội đến chia sẻ về lĩnh vực của mình trong quá trình là người thực hành lời Phật dạy.
Những yếu tố trên chỉ là sự quan sát khiếm khuyết không đầy đủ của người viết. Thiết nghĩ rằng, bên cạnh Tăng đoàn giới luật nghiêm minh – đời sống đạo hạnh đơn giản liêm khiết, nếu mỗi ngôi chùa trong khả năng của mình nỗ lực thực hiện được nhiều yếu tố trên thì sinh khí cũng như số lượng Phật tử đến chùa sẽ khởi sắc. Người trẻ, người trí thức sẽ tìm đến chùa bởi họ được tiếp cận đạo Phật sống động, lợi lạc cho bản thân và hãnh diện đem đạo Phật góp phần giúp đời. Từ hoạt động gắn liền lợi ích thực tế của người dân, ngôi chùa tự nhiên sẽ trở thành nền tảng của đất nước về đạo đức, tâm linh, văn hóa, xã hội. Nếu tất cả ngôi chùa và trung tâm Phật giáo đều có hướng đi như thế, đạo Phật sẽ phát triển bền vững và sẽ vượt qua mọi khó khăn dù phải đối diện những nghịch cảnh khốc liệt.
———————–
[1]https://www.sfzen.org/history#:~:text=These%20include%20the%20Oroville%20Chinese,House%20(built%20around%201854).
[2]https://www.pacesconnection.com/blog/rehabilitation-using-vipassana-meditation-in-prisons.
[3]https://www.lionsroar.com/buddhism-behind-bars/.