Giúp người rồi lại giúp mình?

Cuối năm, hai anh em Khánh và Nghị về chùa biếu mấy cân gạo ăn lấy thảo. Hai anh là huấn luận viên lớp võ tại chùa. Nhờ sự nhiệt tình, bền lòng đứng lớp của hai anh không quản ngại nắng mưa, gió rét mà lớp võ ngày một ổn định đi vào nề nếp.

Trong tiết trời se lạnh, ba thầy trò cùng pha chung trà nóng nhâm nhi chuyện đạo đời. Khánh trầm tính, ít nói lâu lâu bè vào mấy câu trong cuộc đàm thoại. Nghị – sau một hồi nói chuyện cũng mở lòng hơn kể về chuyện hôn nhân, gia đình. Tôi thương và suy nghĩ rất nhiều về câu nói của Nghị “Mấy năm nay, con chưa hề mua một tấm áo mới, hay mua gì cho cá nhân con”.

Hoàn cảnh của Nghị cũng thật éo le: ly hôn vợ, nuôi hai con thơ, chăm mẹ già. Cuộc sống khó khăn, trải qua nhiều biến cố, hun đúc cho Nghị một nghị lực phi thường – vì tình yêu hai con và mẹ già. Nghị phấn đấu ngày ngày bươn chải kiếm thêm thu nhập bằng mọi ngành nghề, đêm đêm lại đến lớp truyền thụ kỹ năng võ thuật cho các em nhỏ.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Muốn hai con no đủ bằng bạn bằng bè, muốn mẹ già đủ tiền thuốc men mỗi khi đổi gió trở trời mà Nghị bỏ qua những sở thích, ước muốn của bản thân. Tôi hỏi Nghị “Có mệt mỏi lắm không?” Nghị im lặng hồi lâu rồi trả lời: “Bạch Thầy có ạ. Có những lúc con muốn buông xuôi tất cả nhưng nghĩ đến hai con thơ, mẹ già mà con phải cố gắng. Nhìn thấy hai con học giỏi, hiểu chuyện, mẹ vui khoẻ, các võ sinh trân quý điều con dạy bảo đã tiếp thêm cho con rất nhiều năng lượng tích cực”.

Nghị – từ một thanh niên lêu lổng, quậy phá tuổi thiếu niên để rồi trưởng thành sau những nghịch cảnh. “Từ bùn sen nở, từ khổ người tài” cũng chính từ bất thiện duyên đã tô vẽ thêm cho Nghị đức tính điềm đạm, bản lĩnh, thương người.

Lắng nghe tâm sự cuộc đời Nghị về lòng thương người, giúp đỡ tha nhân giúp tôi chiêm nghiệm sâu sắc hơn lời Phật dạy: Cho đi rồi sẽ nhận lại. Nhưng cái nhận lại ở đây không đơn thuần là mình làm việc tốt sau này ắt sẽ nhận lại – Như vậy chẳng khác là giao dịch. Mình làm việc xấu sau này bị người khác làm việc xấu lại với mình – Như vậy nó như khế ước xã hội.

Mình làm một việc, sau này mình sẽ làm việc đấy nhiều hơn. Nếu mình giúp đỡ mọi người càng nhiều, thì sau này mình có khả năng giúp đỡ càng nhiều hơn. Vì vậy, đường tu là đi ngược dòng nước. Hôm nay mình giúp một người, ngày mai mình giúp hai người, kiếp sau mình giúp chục người, trăm người. Ví như câu chuyện: Có anh thanh niên sau khi mất đoạ vào Địa ngục. Diêm Vương bảo khi còn sống anh tạo rất nhiều công đức, nên cho anh chọn: một là anh giúp cho vạn người, hai là vạn người giúp cho anh. Anh thanh niên chọn ngay “vạn người giúp” và rồi anh sinh làm ăn mày, hằng ngày xin ăn đầu đường xó chợ nhận giúp đỡ vạn người. Nếu anh chọn “giúp vạn người” thì sanh tiền làm quan, giám đốc một công ty… chỉ cần một chữ kí cũng đã giúp an sinh hàng vạn người. Đây là cách mà nhân quả vận hành. Còn với suy nghĩ nông cạn: nay tôi giúp người ngày mai mọi người giúp lại tôi; Nay tôi giúp cho người nghèo, hai ba năm nữa tôi nghèo mọi người giúp tôi gấp hai, ba lần. Karl Marx đã từng nói “Mọi thứ phát triển theo hình xoáy trôn ốc” nhân quả đi một vòng vẫn là mình giúp người, nhưng mà đã thăng lên một bậc cao hơn “mình giúp được nhiều người hơn và hiệu quả hơn”. Chúc anh chân cứng đá mềm, soi tỏ hành trình nhân sinh bằng một con tim ấm áp nghĩa tình, từ bi vô lượng.

Tâm Lực