XEM VIDEO:

Điều đặc biệt là ca khúc này do Thượng tọa Thích Thanh Hùng (Ủy viên Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) thể hiện trong buổi giao lưu văn nghệ trên tàu. Thượng tọa cho biết, truyền thống của Phật giáo Việt Nam là luôn đồng hành cùng dân tộc.

“Trong các cuộc kháng chiến, chúng tôi đã luôn đồng hành và cống hiến cho Tổ quốc. có những người đã cởi áo cà sa khoác chiến bào. Ngày nay, chúng tôi là những người kế thừa truyền thống ấy. Các bậc tu sĩ đã có bài phát nguyện trước khi rời cửa thiền lên đường làm nhiệm vụ vì Tổ quốc. Tuốt gươm, bồng súng dẹp binh đao/Ra đi quyết rửa thù cứu nước/Vì nghĩa quên thân hiến máu đào”, Thượng tọa xúc động nói.

Lần đầu đến với Trường Sa, Thượng tọa Thích Thanh Hùng chia sẻ: “Chúng tôi rất hồi hộp và xúc động, yêu quê hương đất nước, yêu biển đảo rất nhiều. Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi, mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ngọn đuốc hòa bình bao người đã ngã, máu của người nhuộm mặn sóng Biển Đông. Tổ quốc linh thiêng, Tổ quốc linh thiêng… Tôi rất yêu thích bài hát này với ý nghĩa sâu sắc về tình yêu quê hương đất nước”…

Khi lời ca khỏe khoắn cất lên trong đêm tối, giữa mênh mông biển trời Trường Sa, tất cả đại biểu có mặt trong buổi giao lưu văn nghệ đã xúc động lắng nghe, chìm đắm cảm xúc vào những giai điệu ‘rực lửa’.

Thượng tọa Thích Thanh Hùng thể hiện ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” trong buổi giao lưu văn nghệ trên tàu

Cuối phần trình diễn, không ai bảo ai, đều cùng hòa giọng cùng Thượng tọa Thích Thanh Hùng: “Tôi lắng nghe, tôi lắng nghe, Tổ quốc gọi tên mình” rồi cùng đứng dậy vỗ tay, nghẹn ngào trong sự xúc động.

Lan tỏa tình yêu biển đảo Tổ quốc

Từ ngày 18-23/4, 47 kiều bào đến từ 22 quốc gia cùng gần 200 đại biểu đã thực hiện chương trình thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 năm 2023. Chương trình có chủ đề “Tổ quốc niềm tin và khát vọng – Lần thứ 10, kiều bào về Trường Sa”.

Tại các điểm đến, kiều bào được nghe, tìm hiểu về tình hình công tác, đời sống của cán bộ, chiến sỹ; thăm hỏi, động viên và tặng quà quân và dân tại các điểm đảo; thăm trường học, nhà dân, chùa, tại các đảo nổi; tham dự lễ chào cờ, duyệt đội ngũ của quân dân đảo Trường Sa; dâng hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; dự Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, ngư dân tử nạn tại chùa Trường Sa; thăm làng chài, bệnh xá…

Bà con kiều bào đã, đang và sẽ trở thành những sứ giả của Trường Sa, lan tỏa tình yêu với biển đảo Tổ quốc
47 kiều bào đến từ 22 quốc gia cùng gần 200 đại biểu đã thực hiện chương trình thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 năm 2023

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân (Trưởng đoàn công tác số 4) nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, cuộc đấu tranh chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp và nhạy cảm.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngoài sự nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh của cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam, rất cần sự quan tâm, động viên, giúp đỡ kịp thời của các cấp ban, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và các kiều bào ta ở nước ngoài…

Hải trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 luôn là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt. Bởi lẽ, các chuyến đi Trường Sa luôn hun đúc tinh thần yêu nước và nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc. Bà con kiều bào đã, đang và sẽ trở thành những sứ giả của Trường Sa, lan tỏa tình yêu với biển đảo Tổ quốc, biến tình yêu thành hành động cụ thể để đóng góp cho công tác xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Thái AnNguyễn Đức – báo Vietnamnet