Giữ giới và định tâm pháp tu căn bản của Phật tử
Giữ năm giới là khó, giữ gìn một cách hoàn hảo càng khó hơn. Muốn giữ giới hoàn hảo, trước phải học và thông hiểu về mỗi giới cùng các điều kiện liên quan, nhất là biết rõ lợi ích to lớn nhờ giữ giới, hoan hỷ và an lạc trong sự bảo hộ của Thánh giới.
“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, cư sĩ Cấp Cô Độc cùng chúng Ưu-bà-tắc gồm có năm trăm người đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử (Xá-lợi-phất). Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ. Ngài dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ rồi, liền rời chỗ ngồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật và ngồi xuống một bên.
Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử đi chẳng bao lâu, cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc cũng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn dạy:
– Này Xá-lê Tử, nếu thầy biết rằng bạch y Thánh đệ tử gìn giữ, thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được.
– Xá-lê Tử, thế nào là bạch y Thánh đệ tử khéo giữ gìn và thực hành năm pháp? Đó là bạch y Thánh đệ tử xa lìa sát sanh…; bạch y Thánh đệ tử xa lìa việc lấy của không cho…; bạch y Thánh đệ tử xa lìa tà dâm…; bạch y Thánh đệ tử xa lìa nói dối…; bạch y Thánh đệ tử xa lìa say nghiện.
– Này Xá-lê Tử, thế nào là bạch y Thánh đệ tử được bốn tâm tăng thượng, hiện pháp lạc trú, dễ chứ không phải khó được? Đó là bạch y Thánh đệ tử niệm tưởng Như Lai; bạch y Thánh đệ tử niệm tưởng Pháp; bạch y Thánh đệ tử niệm chúng Tăng, bạch y Thánh đệ tử tự niệm tưởng Giới.
– Này Xá-lê Tử, nếu thầy biết rằng bạch y Thánh đệ tử giữ gìn và thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tâm tăng thượng, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được, thì này Xá-lê Tử, thầy nên ghi nhận rằng: Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục, cũng không sanh vào loài súc sanh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến đến quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy lần sanh tử nữa, sau bảy lần qua lại cõi trời và nhân gian, liền được chấm dứt khổ đau”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Ưu-bà-tắc, số 128 [trích, lược])
Có thể xem bản kinh này là tóm lược cách thức tu hành căn bản của hàng Phật tử.
Đầu tiên là “gìn giữ, thực hành năm pháp một cách hoàn hảo”. Giữ năm giới là khó, giữ gìn một cách hoàn hảo càng khó hơn. Muốn giữ giới hoàn hảo, trước phải học và thông hiểu về mỗi giới cùng các điều kiện liên quan, nhất là biết rõ lợi ích to lớn nhờ giữ giới, hoan hỷ và an lạc trong sự bảo hộ của Thánh giới. Phân biệt kỹ càng giữa khuyết giới và phạm giới. Hầu hết chúng ta đều bị khuyết giới mà hiếm khi phạm giới. Nếu khuyết giới thì sám hối và trở nên trong sạch.
Sau khi thành tựu giới, người Phật tử cố gắng tu tập định. Nhân giới sinh định là một sự thật. Những ai từng nỗ lực tu tập định sẽ nhận ra giá trị quý báu của Thánh giới. Định có được chính nhờ tu tập niệm Như Lai, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới. Pháp niệm này được Thế Tôn xác định có kết quả ngay trong hiện tại “được bốn tâm tăng thượng, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được”. Tâm được an định và hỷ lạc; nếu tưởng niệm đúng với nhất hướng, nhiệt tâm, tinh cần thì tịnh lạc là điều dễ được.
Tu tập như vậy thì có thánh quả xa lìa ba đường ác, đủ duyên sẽ dự vào dòng Thánh, đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn. Từ đây, hành giả chắc chắn thẳng tiến đến quả vị Chánh giác.