Gióng gánh của mẹ…

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1173 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Sinh thời mẹ rất khỏe. Gióng gánh mẹ dùng gánh lúa, quảy rơm không thể mua chợ mà phải đi đặt hàng.

Những chiếc gióng lòng rộng rinh; các tao gióng to, dày để chịu được sức nặng của những đụn lúa bó, đụn rơm mẹ chất khẳm khê trước khi đưa đòn gánh, cũng to tướng, dày đun, móc vô hai đầu gióng gánh đi. Chiếc đòn gánh tre bình thường thẳng băng; nhưng dưới sức níu của hai chiếc gióng chất đầy lúa hay rơm nặng trịch, nó đã cong vòng xuống hệt một cánh cung mà chỗ lắp tên chính là… một bên vai của mẹ!

Có lần gánh lúa nửa chừng gióng của mẹ bị bung tao, phải mượn gióng chị Sáu gánh đỡ. Khổ thân đôi gióng “hàng chợ” mảnh mai chất lúa bó đầy ụ, kẽo kẹt rỉ rên theo mẹ mấy chuyến là… đứt phựt, báo hại cả nhà phải ráng kẻ đội người ôm, chuyển cho hết số lúa bó còn thừa.

Sau vụ ấy, chị Sáu nhất định khăng khăng không bao giờ cho mẹ mượn gióng. Còn đòn gánh? Lại càng không khi chị chứng kiến một lần mẹ quảy rơm nhầm đòn gánh làm gãy tươi cây đòn gánh của anh Năm. Lỡ rồi, mẹ kêu lấy đòn gánh của tao gánh đỡ! Anh Năm nhăn nhó xua tay: thôi thôi mẹ ơi, gánh đòn gánh mẹ xong buổi về chắc xụi vai con. Cây đòn gánh ấy đâu phải tre mà bằng… sắt!

Câu ấy khiến cả nhà cười chảy nước mắt!

Mẹ cũng biết mình khỏe nên thường tự hào: đôi gióng của tao là đôi gióng… chúa! Ngụ ý: nó là đôi gióng “bề trên”, to nhất, chắc nhất. Một gánh lúa bó của mẹ, nếu đem so, có khi nhiều gấp rưỡi gánh lúa người khác. Còn rơm thì thôi khỏi nói: gánh rơm của mẹ lên vai rồi cầm chắc… không thấy người đâu, chỉ thấy hai đụn rơm to lù lù tựa hai trái núi di chyển song đôi như có phép thần thông.

Tới nhà xổ bung ra, chỉ cần một đầu gióng thôi rơm đủ ngập mặt, hai đầu gióng đủ vun thành một đụn. Giỏi vậy nên con cái trong nhà thường bị mẹ chê “làm không bằng… tao làm ráng”. Nói vui vậy nhưng mẹ thương chồng con lắm. Thương mới đưa lưng gánh gồng đỡ vớt các việc nặng nhọc. Ba hay đùa “Trời đáng ra phải sinh mẹ mày làm… chồng, còn tao làm vợ!”. Mẹ nhăn mặt: Cái ông! Chỉ giỏi nói xàm!

Những đôi gióng của mẹ chắc cỡ nào cũng chỉ chịu đựng độ hai mùa gặt lúa phơi rơm là “hết đát”. Đương nhiên mua gióng mới. Gióng cũ sẽ được mẹ dùng dây kẽm, sợi vải “gia cố” lại các chỗ bị bung, tận dụng cho tôi và con Út Đẹt làm đồ chuyển rơm. Hai đứa một gióng, xỏ đòn vào khiêng. Chiếc gióng nhét mới già nửa lượng rơm khi mẹ gánh mà đứa nào đứa nấy bước đi dặt dẹo, thở phì phò. Mẹ kêu: khiêng ít thôi, để còn lớn! Lệt sệt lôi được gióng rơm tới nơi, con Đẹt vừa thở vừa nhe hàm răng sún: má thấy tụi con giỏi hông?? Ừ, giỏi…. Mẹ cười, kéo vạt áo nâu chậm mồ hôi trán cho nó. Tôi trông tức máu cũng ném đòn khiêng, nhào vô lòng mẹ “chia phần”…

Gióng hết tận dụng được để khiêng rơm mẹ vẫn chưa chịu bỏ. Giờ nhiệm vụ cuối của chúng là treo lủng lẳng nhà kho, gác bếp làm nơi lót ổ cho gà đẻ hoặc bỏ nồi xoong đựng thức ăn. Tiện lắm! Bởi tránh được kiến còng, thêm lũ chó mèo “đạo tặc” hay ăn vụng. Nhiệm vụ này không riêng gióng của mẹ, gióng của ba, chị Sáu hay anh Năm đều được dự phần!

… Mẹ đi lâu rồi. Thời của gióng gánh dường cũng theo mẹ mà ra đi. Giờ gặt lúa có máy gặt đập, thóc chảy thẳng vào bao không ai còn phải gánh lúa. Rơm cũng có máy cuốn, ép bánh, đưa thẳng lên xe tải chở về. Lâu lắm tôi không còn nhìn thấy gióng gánh. Sử dụng lại càng không cho dù nhà tôi vẫn ở nông thôn. Vậy nhưng, thi thoảng trong những giấc mơ ký ức ngược dòng tôi hay nhìn thấy mẹ tôi. Bóng mẹ chập chờn, luôn kẽo kẹt trên vai một đôi gióng gánh…