Giới Định Tuệ

Tôi hồi tưởng lại hơn 40 năm trước, lần đầu tiên Đại hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Trong đại hội đó, suy cử Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự, tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư nhiệm kỳ I.

 

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1214 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn ảnh 1

Lúc đó, tôi sang chùa Hồng Phúc đảnh lễ Đức Đệ nhất Pháp chủ và thỉnh ý ngài về việc hoằng pháp trong nước xã hội chủ nghĩa. Tôi thưa rằng tôi sanh ở miền Nam, xuất gia tu học ở phía Nam và sang Nhật học. Nay, tôi đảm trách hoằng pháp, nhờ ngài dạy tôi nên làm gì, nói gì. Ngài dạy một câu đơn giản rằng người ta cho mình làm gì thì làm việc đó, cho mình nói gì thì nói đó. Đừng nói, đừng làm việc mà luật pháp không cho phép.

Đến khi tôi về chùa Quán Sứ, ngài lại đích thân đến gặp tôi và dạy thêm rằng giáo lý Phật rộng, nhưng không ngoài ba môn học giới, định, tuệ. Nếu giới không có định thì dễ trở thành chấp giới và giới không có huệ chỉ đạo thì kẹt giới điều, không thể hoằng pháp được. Vì vậy, điều quan trọng nhất, trước khi đi hoằng pháp, thầy phải nhập định để thấy chỗ nên tới và nên nói gì thì lúc đó mới giảng pháp.

Tôi vô cùng mang ơn lời dạy cao quý của ngài và lời ngài chỉ dạy đã theo tôi trong suốt 26 năm làm Trưởng ban Hoằng pháp, 10 năm làm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế và cho đến nay, 15 năm làm Viện trưởng Học viện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Tuy làm những việc Phật sự khác nhau, nhưng lúc nào tôi cũng ghi nhớ lời dạy căn bản này của Đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội chúng ta. Tôi xin chia sẻ với quý huynh đệ là những người sẽ trở thành nhà hoằng pháp tương lai để tiếp nối mạng mạch Phật giáo, một việc làm thiêng liêng cao quý của đệ tử Phật.

Đa số chúng ta học và biết thì tùy theo cái học, cái biết của ta mở ra mà ta coi là chân lý, nhưng đó là sai lầm lớn.

Thật vậy, Phật dạy những gì nói được không phải chân lý. Chân lý chỉ chứng biết thôi. Và người biết đã biết, người thấy đã thấy thì không cần ngôn ngữ nữa. Vì vậy, cốt lõi của đạo Phật là hạn chế nói năng để khỏi phạm sai lầm. Vì nói ra, có người chấp nhận, cũng có người không chấp nhận, bởi chúng sanh có nghiệp và tri kiến khác nhau. Ta nói hợp với tri kiến của họ thì họ chấp nhận, không hợp, họ trở thành chống phá. Dù nói hay đến đâu cũng có người chống phá, đó là điều mà tôi muốn chia sẻ.

Sau đó, tôi gặp Hòa thượng Trí Tịnh, ngài dạy thêm rằng khi thầy thấy biết việc chính xác, nhưng phải suy nghĩ thêm có nên nói hay không. Điển hình là Đức Phật sau khi chứng Vô thượng Bồ-đề, có được hiểu biết cao tột, nhưng Phật cũng suy nghĩ Ngài có nên nói ra những điều mà Ngài biết hay không. Vì nếu chúng sanh không hiểu điều Phật nói, hay hiểu sai, rồi chống phá thì nói ra sẽ có hại hơn là có lợi.

Kinh Hoa nghiêm ghi rằng bấy giờ trời Phạm thiên xuất hiện, đảnh lễ Phật. Trời Phạm thiên theo Ấn Độ giáo là người sanh ra tất cả muôn loài, nên ông đại diện chúng sanh thỉnh Phật thuyết pháp, vì lâu lắm mới có Phật ra đời. Nhưng nếu Ngài không thuyết pháp, vào Niết-bàn thì tất cả mọi người sẽ chìm vào bóng tối. Và mười phương chư Phật cũng hiện ra thỉnh Phật Thích Ca thuyết pháp. Chư Phật nói với Phật Thích Ca rằng những gì Ngài hiểu, Ngài biết, chư Phật cũng hiểu, cũng biết thì yên lặng mà hiểu, mà biết, nên chư Phật không cần nói. Nhưng Phật ra đời vì mục tiêu làm cho người không hiểu, không biết để giúp họ hiểu, họ biết, tức làm cho người mù được sáng mắt. Vì vậy, Phật phải thuyết pháp độ sanh.

Vì lời thỉnh cầu của Đại Phạm thiên vương và lời nhắc nhở của chư Phật, Đức Phật Thích Ca tới Lộc Uyển thuyết pháp là Ngài bắt đầu sử dụng ngôn ngữ loài người để nói với loài người. Từ đó chúng ta có Phật, Pháp, Tăng, Tam bảo trên cuộc đời.

Đó là lời dạy của Phật mà Hòa thượng Trí Tịnh nhắc tôi. Từ đó, tôi đọc kinh Hoa nghiêm cảm được lý này, tôi làm bài kệ:

Bồ-đề thọ hạ phá ma binh

Thập phương thế giới phóng quang minh

Đại sĩ vi trần vân lai tập

Phạm vương thỉnh Phật thuyết chân kinh.

Chí tâm đảnh lễ Nam-mô Hoa nghiêm hội thượng Phật Bồ-tát và tôi bắt đầu trì kinh Hoa nghiêm.

Đến đây, tôi xin nói thêm rằng khi chúng ta thấy rồi và biết nói ra có lợi, thì không nên giấu kín. Nhưng nói với người có khả năng nghe, hiểu và làm được. Hòa thượng Trí Tịnh dạy như vậy, không phải gặp ai cũng nói để rồi chuốc họa vào thân. Các nhà truyền giáo mất mạng, do phạm sai lầm này. Vì họ thấy chân lý, hăng say truyền bá chân lý, nhưng người không có trí tuệ, không hiểu, họ sẽ chống phá, giết hại. Vì vậy, chỉ nói với người có thể hiểu và làm được giúp họ sẽ chứng đạo.

Nhưng tìm người hiểu và tu được thì không nhiều. Như Tổ Bồ Đề Đạt Ma tìm khắp Ấn Độ không có người để ngài truyền trao hiểu biết. Ngài phải rời xứ Ấn, đến Trung Hoa, chín năm ở Thiếu Lâm tự, ngồi xoay mặt vô vách, không nói.

Tổ Đạt Ma không nói với bất cứ người nào, điều này hiểu về lý đạo, ngài không nói bằng ngôn ngữ, nhưng nói bằng pháp ngữ. Chúng ta phải thấy lý này và thể nghiệm lý này trong việc tu hành thì mới thành Phật. Không nói mà nói là nói chân lý. Chân lý là cái gì đúng như thật mà chúng ta sống được và mãi tồn tại theo thời gian vô tận, không gian vô cùng.

Chín năm Tổ Đạt Ma ngồi làm thinh ở Thiếu Lâm tự khiến cho biết bao người có suy nghĩ về con người siêu việt này. Ngài thông minh nhất, khỏe mạnh nhất, giàu có nhất, nhưng ngài từ bỏ giàu sang vinh hiển, xuất gia học đạo. Học đạo gì và tu chứng gì mà ngài để lại cho nhân thế là vô cùng quan trọng. Và Tổ ngồi yên lặng suốt chín năm toát lên hình ảnh cao quý mãnh liệt để từng thế hệ cả hàng ngàn năm sau còn phải suy gẫm. Có thể khẳng định Tổ Đạt Ma để lại cho chúng ta bài pháp sống, không nói mà nói. Lời nói của ngài vô ngôn nhưng tác động cho nhiều người nghe, nương theo đó tu hành, đắc đạo, đắc quả.

Sau chín năm Ngài yên lặng, cuối cùng duyên hội ngộ của Thần Quang với Tổ đã đến. Đồ chúng ở chùa Thiếu Lâm đông, nhưng nhiều người nghĩ về Đạt Ma khác nhau. Đặc biệt có Thần Quang hiểu Phật, hiểu Bồ Đề Đạt Ma và đến xin cầu học với Tổ bằng tâm chí thành kiên định đến mức độ ngài quỳ ở sân chùa mà tuyết ngập phủ quá đầu gồi vẫn không nhúc nhích. Điều quan trọng này chúng ta học đạo phải thấy.

Bên ngoài tuyết lạnh thấu xương cho đến bên trong tâm hồn yên tĩnh trụ trong Chánh định mới thâm nhập thế giới siêu nhiên, vô ngôn. Còn kẹt ngũ uẩn thân và còn kẹt ngữ ngôn văn tự, dù nói gì cũng là thế tục.

Đạt Ma ngồi yên lặng, Thần Quang quỳ yên lặng. Lịch sử ghi lời đối thoại trong không gian tĩnh lặng vô cùng giữa hai con người siêu việt rằng: Ông cầu gì?

Con cầu ngài an tâm cho con.

Ông đem tâm, ta an cho.

Con tìm không thấy tâm.

Ta an tâm rồi.

Câu chuyện bình thường, nhưng tôi nghĩ không phải vậy. Nếu giữa tôi và huynh đệ là con người trần tục thì nói như vậy. Nhưng ở đây là Thánh ngữ hay thiền ngữ vô ngôn. Thiền ngữ không có ngôn ngữ. Thiền là trạng thái tâm hồn yên tĩnh nhất vượt ngoài ngũ uẩn thân. Trung Hoa dịch là thiền na, sau bỏ chữ na, chỉ còn chữ thiền.

Và đạt đến tâm hồn yên tĩnh nhất chính là giới, định, tuệ. Kết hợp định và tuệ là thấy biết trong thiền, không có ngôn ngữ.

Tổ Đạt Ma ngồi lặng yên chín năm tạo thành sức hút mãnh liệt. Tăng Ni nên suy nghĩ ý này và thực tập sẽ thấy được, đó là vị chân sư, thiền sư đắc đạo không nói, nhưng có sức thuyết phục chúng ta một cách kỳ diệu. Thật vậy, khi tôi gặp Đức Đạt-lai Lạt-ma, tôi cảm giác ngài có sức thu hút diệu kỳ, tác động cho mình có tâm hồn yên tĩnh hoàn toàn. Và ngài mỉm cười, tôi cũng mỉm cười. Gặp gỡ đơn giản như vậy, không phải nói nhiều, nhưng mình nhận được điều quý báu mà trên đời này không có. Thế giới người tu là đó. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện để chia sẻ, dùng tạm thôi, hay kinh thường ví là ngón tay chỉ mặt trăng. Dùng phương tiện gợi ý cho người hiểu giáo lý cao thượng của Phật.

Cốt lõi của đạo là gì? Cái lạnh thấu xương vượt lên sống chết. Tổ Đạt Ma ở thế giới ngoài sống chết thì cũng cần một Thần Quang ở ngoài sống chết. Hai thầy trò gặp nhau ở chỗ này. Những gì Đạt Ma thấy, Đạt Ma biết, Thần Quang cũng thấy, cũng biết.

Đạo là thế, thiền là thế, nên người thường khó vói tới. Chúng ta nói gì cũng ở trong sanh tử, nằm trong mẻ lưới của Phạm thiên. Chúng ta tu sao để vượt cái lưới Phạm thiên. Thiền gọi là ngôn ngữ đạo đoạn, biết những gì mà cuộc đời không biết và sống thanh thản với lẽ sống đạo tự nhiên. Nếu dưới mức đó, Phật phải dùng vô số phương tiện, thí dụ cần làm người tốt thì Phật dạy giữ tam quy ngũ giới là đủ. Quy y Phật, Pháp, Tăng, vì Phật là bậc minh triết nhất, pháp là giáo lý chân thật và Tăng là tập thể đoàn kết, thanh tịnh.

Đoàn kết và thanh tịnh rồi thì không cần nói nữa. Còn nêu khẩu hiệu đoàn kết là vì chưa đoàn kết, chỉ đoàn kết trên lời nói. Thánh Tỳ-kheo đoàn kết thực sự, vì các ngài sống với nhau, hiểu nhau và sống giống nhau. Chúng ta còn phải dùng giới luật, hình phạt, chỉ nằm trên khẩu hiệu răn đe, chưa đoàn kết.

Phật dạy cư sĩ giữ ngũ giới thì ở hoàn cảnh nào cũng bình yên. Xuất gia có thêm mười giới. Người đời có đời sống của người đời, người tu có đời sống của người tu. Không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối. Còn nói dối là Tăng giả, không phải Tăng-già. Tôi thấy rõ dù các thầy nói dối khéo mấy, một lát người ta cũng biết, vì nói dối thì giờ trước vừa nói xong, giờ sau đã nói khác.

Điều quan trọng là tu hành mình không thích việc của phàm phu nên không làm, không phải bị giới luật ngăn cấm. 12 năm đầu không có giới luật. Năm thứ 13, Phật chế giới để ngăn tạp Tăng. Đối với người thực tu thì không cần phải có giới luật ngăn cấm, vì họ tự trang nghiêm nếp sống thanh tịnh. Và lần lên đến 250 giới, 350 giới của người xuất gia. Nhưng lên tới Bồ-tát, khi giới thể thanh tịnh rồi thì không nhắc đến giới tướng nữa là trở lại cái lý 12 năm đầu Phật không chế giới. Đối với tôi, sinh hoạt của Tỳ-kheo ở giai đoạn 12 năm đầu không có giới là tinh thần của Phật giáo Nguyên thủy, không phải của Phật giáo Nam truyền. Vì thực sự Phật giáo Nam tông hay Bắc tông đều có chế tác và cải cách giới luật cho phù hợp với sinh hoạt theo từng thời kỳ, từng quốc độ khác nhau.

Trở lại việc các Thánh Tăng tu hành từ giới thể thanh tịnh, giải thoát, không phải có cái gì ràng buộc. Thật vậy, khi các thầy cô tu, nhận được giới thể thanh tịnh, sống an lạc, giới không ràng buộc gì cả. Riêng tôi khi còn là học tăng nhận thấy trước khi vào hạ, một số thầy lo đi mua sắm, hay dặn Phật tử mua giùm. Tu như vậy, một thời gian sau, họ hoàn tục vì kẹt vật chất. Ngày thường kẹt vật chất, vào hạ cũng kẹt vật chất thì suốt đời ở trong sanh tử. Mùa tu có gì ăn đó là thanh tịnh Tỳ-kheo mới tiến tu được.

Thiết nghĩ có đối tác, có hoàn cảnh mới phạm giới. Thí dụ ở trong giảng đường này, Tăng Ni, Phật tử đang lắng nghe tôi giảng pháp thì đâu cần có giới, hay ở già lam thanh tịnh rồi thì giới bổn không cần thiết hay không có tác dụng nữa. Vì vậy, khi tôi kiết giới hay kiết thất, tôi không đọc giới bổn, vì bấy giờ ở trong thất hoàn toàn yên tĩnh và giới tâm thanh tịnh thì giới tướng không cần.

Trong truyện Tây du ký, khi Đường Tam Tạng tới chùa Lôi Âm, Tề Thiên xin Bồ-tát Quan Âm cởi vòng kim cô. Quan Âm nói khi ông còn lôi thôi thì có vòng kim cô siết chặt, nhưng ông thanh tịnh rồi, vòng kim cô tự mất. Nói cách khác, các thầy có Chánh niệm, Chánh định, vòng kim cô rớt mất, vì trong Chánh niệm không có giới. Chánh niệm Phật, pháp đương nhiên không có tội lỗi, nên cũng không có giới. Như vậy, Chánh niệm là trở lại 12 năm đầu của Phật giáo hóa không có giới.

Từ Chánh niệm, rớt giới tướng, các thầy mới vào Chánh định được. Vô Chánh định, mình không còn sống với vọng tưởng điên đảo. Bất cứ Chánh định nào mình thực tập thì từ đó hiện ra trí tuệ là hiểu biết. Và lấy trí tuệ làm mình, lấy hiểu biết làm mình, không phải lấy tứ đại ngũ uẩn làm mình. Thể hiện điều này, người tu nhất định phải tới đỉnh cao của giới là Chánh định.

Đức Pháp chủ Đệ nhất đã khuyên rằng tu hành cần có định mới có tuệ, nghĩa là mình sống với ánh sáng trí tuệ. Và từ trong tuệ, mình biết chỗ nào nên đi hay không nên đi. Đi gặp nạn thì không nên đi.

Bài học này ngài dạy rất đúng. Thực tế là trong thời gian mà việc đi lại khó nhất, ở TP.HCM chưa thuyết pháp được. Nhưng tôi xuống Cà Mau thuyết pháp ở chùa Quan Âm. Các thầy nói sao lạ vậy, tại sao tôi không thuyết pháp ở TP.HCM, lại xuống Cà Mau thuyết pháp.

Xuống Cà Mau, đầu tiên tôi gặp Hòa thượng Hiển Giác đắp y ra tận cây cầu đảnh lễ, thỉnh tôi vô chùa. Và vô chùa, tôi gặp ông Chủ tịch Mặt trận tỉnh tới thăm mà không hẹn trước. Theo tôi, ở trong thiền định, trong Chánh niệm, lực vô hình đã dẫn tôi vào chỗ an lành để hoằng pháp, tính trước thì không đúng.

Hòa thượng nhắc vào Chánh định, biết nên đi chỗ nên đi. Trong khi dạy học có giáo trình, giáo án và được phép dạy, không khó. Nhưng thuyết pháp hay hoằng pháp thì khác, không đơn giản.

Đức Đệ nhất Pháp chủ dạy, tôi suy nghĩ thực tập có kết quả. Tôi luôn quý trọng công đức của ngài, nhờ ngài dạy bảo giúp tôi hoằng pháp được bình yên trong suốt thời gian dài ba thập kỷ.

Ngài còn dạy thêm rằng thụ giới Tỳ-kheo, tuân thủ giới Tỳ-kheo để thực tập 37 Trợ đạo phẩm. Giới Tỳ-kheo là hàng rào giữ mình an lành, không phải kẹt cái hàng rào. Hàng rào bảo đảm cho mình an toàn trong cuộc sống để mình thực tập thiền quán. Nhờ có giới, mình không bị mọi sự quấy rầy, dễ dàng thực tập Tứ niệm xứ quán, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề, Bát Chánh đạo. Và giới hỗ trợ việc thực tập định một cách tốt đẹp, dẫn đến đắc Thánh quả La-hán là có trí tuệ.

Như vậy, thực tập giới để thành tựu trọn vẹn pháp tu 37 Trợ đạo phẩm, chứ không phải chỉ là anh thợ làm hàng rào, phải làm sao đạt đến đỉnh cao Bát Chánh đạo thì giới không còn, nhưng nó trở thành biểu tượng cho trời người cung kính. Ý thức đúng đắn như vậy, khi ta chưa thành tựu Bát Chánh đạo, cần hạn chế tiếp xúc bên ngoài tối đa để khỏi bị phiền phức. Để dành thì giờ thực tập cho đạt được Bát Chánh đạo thì ta thấy chính xác, không sai lầm và đi vào cuộc đời để giáo hóa, không phải chỉ để thuyết pháp. Điển hình như Mã Thắng Tỳ-kheo khất thực, không thuyết pháp, nhưng ngài hiện tướng giải thoát khiến nhà hùng biện ngoại đạo là Xá Lợi Phất trông thấy, phát tâm tu hành theo Phật.

Khi ta chưa đắc Thánh quả, hiện tướng phàm phu khiến ngoại đạo chê cười, Phật tử mất tín tâm. Xưa kia, có Tỳ-kheo vừa đi vừa nhảy múa, người ta mới thưa với Phật. Phật bảo Ưu Ba Ly ghi điều cấm Tỳ-kheo không được vừa đi vừa nhảy múa. Hoặc Phật tử thưa Phật rằng họ trông thấy Tỳ-kheo ăn cơm bằng cách đập mạnh cánh tay để cơm văng vào miệng, trông kỳ quái. Điều này làm dư luận quần chúng phê phán.

Giới Bồ-tát tuy nhiều, nhưng gom lại là Tam tụ tịnh giới gồm nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới và nhiêu ích hữu tình giới.

Lúc mới giải phóng, một số thầy đi, bị bắt. Riêng tôi ở yên trong chùa Ấn Quang, không đi đâu hết, mỗi ngày chỉ trì kinh Pháp hoa, được yên thân. Đó là nhiếp luật nghi giới. Những gì xã hội không cho thì không làm để họ không phê phán thầy tu thế này thế nọ. Sống trên cuộc đời, làm sao người không chê trách ta được là nhiếp luật nghi.

Tụ thứ hai là nhiếp thiện pháp giới. Thiện pháp là điều tốt. Tất cả những gì mà xã hội coi là tốt, quý trọng thì ta làm. Lúc tôi chưa làm Trưởng ban Hoằng pháp, sau ngày giải phóng, tôi tham gia Hội Chữ thập đỏ, làm Phó Chủ tịch, mang túi thuốc đi theo bác sĩ. Đó là việc xã hội cần và coi là tốt, yêu cầu mình làm thì mình thực hiện, Và sau ngày giải phóng, rất kỵ người ở không, quý người lao động. Tôi dắt đồ chúng tổ đình Huê Nghiêm đi làm ruộng của chùa để có hạt gạo mà sống. Và nông dân xung quanh cũng chỉ mình cách làm ruộng, nhưng có điều lạ, ruộng của mình thu hoạch được nhiều hơn họ.

Đức Đệ nhất Pháp chủ nói thêm rằng Tăng Ni nên nhớ thực hành thiện pháp nhưng phải phát xuất từ thiện tâm bên trong. Thiện pháp làm bằng thiện tâm.

Làm bất cứ việc gì trên cuộc đời, nhưng khi chưa đắc Thánh quả, hễ làm thì bị việc lôi cuốn, bị kẹt công việc, phiền não nhân đây phát sinh. Vì vậy, ngài nhắc rằng làm bằng tâm thanh tịnh là thiện, làm bằng vọng tâm là ác sẽ bị đọa.

Từ Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận 10, tiếp theo, tôi làm Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của thành phố. Về sau bận nhiều việc, tôi từ chối không làm, nhưng các vị năn nỉ rằng thầy chỉ cần đứng tên thôi.

Làm bao nhiêu việc, nhưng có đụng chạm, có tiếp xúc, chắc chắn có phiền não nổi lên. Các thầy nhịn chịu được không? Thông thường bị oan ức, mình nhịn nhưng không chịu là còn ấm ức trong lòng. Theo tôi, những gì làm xong ban ngày, nên dành một tiếng đồng hồ vào buổi tối nhập định để xóa sạch những việc ưu phiền. Loại bỏ những phiền não này được không, nếu còn nhớ là bị đọa. Tu hành, chúng ta làm mọi việc như người, nhưng mình khác người, vì mình là Tỳ-kheo.

Tôi đã tham gia Mặt trận Tổ quốc và làm đại biểu Hội đồng Nhân dân. Làm việc lúc đó, nhưng công phu tối là tôi xóa sạch liền. Vì nhận thức sâu sắc rằng tịnh là thiện, động là ác. Tu cả đời mà để động loạn nổi dậy thì uổng công phu tu. Với tôi, công việc được nhiều thì tốt, công việc được ít cũng tốt, thậm chí không được cũng không sao. Vì mất bản thể thanh tịnh không còn là Tỳ-kheo. Đó là nhiếp thiện pháp, cốt lõi của đạo Phật nhằm giữ tâm cho thanh tịnh, không phải giữ việc, hễ thấy tâm động thì không làm.

Tụ thứ ba của Tam tụ tịnh giới là nhiêu ích hữu tình giới. Nghĩa là làm gì lợi ích cho số đông, vì đại chúng, ta làm. Không làm cho ta.

Tóm lại, đệ tử Phật có nhiều pháp môn tu, nhưng gom lại, còn Tam tụ tịnh giới là quan trọng. Dù hoàn cảnh có khó khăn, nhưng quý huynh đệ ráng giữ ba điều căn bản này, không phạm lỗi để người chỉ trích và làm lợi ích cho nhiều người thì được nhiều người thương quý, làm cho tâm thanh tịnh là còn phẩm chất Tỳ-kheo. Tôi gợi một số ý để đại chúng suy nghĩ, thực tập trong cuộc sống tu hành cho đến khi viên mãn đạo Bồ-đề.