Gió thoảng mây bay

Bên ngoài cửa chùa thì cuộc sống tu hành không được chính quyền khích lệ, bên trong chùa thì Phật tử cũng như tôi đều thiếu hiểu biết. Thấy tôi vất vả và rối rắm, má thường xuyên lên thăm tôi và ở lại dài ngày.

Cho con đi tu nghen má?

Vì thấy nhiều vị tăng cởi áo trả lại chùa nên má luôn lo lắng sợ tôi hoàn tục, má hay lặp đi lặp lại “Đã tu rồi thì ông phải đi cho trọn vẹn, đừng nửa chừng rồi bỏ ngang người ta chê cười.” Tôi chỉ im lặng, không dám hứa mà cũng không dám bàn luận gì vì tôi biết con đường mình đang đi không dễ dàng, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều chuyện không thể nói trước được. Tôi đã từng chứng kiến có người mong muốn đi tu nhưng cơ duyên không đến nên rồi cũng không thực hiện được, cho đến ngày từ giã cuộc đời họ chỉ đành nuối tiếc.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Có người phát tâm vào chùa với ý nguyện ban đầu rất dũng mãnh, khi thọ đại giới, phát nguyện tấn hương, còn gọi là đốt liều, phát nguyện đốt thân cúng dường Tam bảo trong các đại giới đàn của tăng ni. Người phát tâm tấn hương tự nguyện đốt từ một hoặc ba liều trên đỉnh đầu để lại những vết sẹo hình chấm tròn. Có người phát tâm thọ trì kinh Pháp Hoa vừa tụng vừa đốt một ngón tay cúng dường… Nhưng rồi vài năm sau thì tất cả trở thành gió thoảng mây bay, mất hết bồ đề tâm, ý chí mãnh liệt lúc đầu không còn nữa, họ chọn con đường quay về đời sống thế tục.

Cũng có được niềm an ủi là những tháng năm sống trong chùa vẫn lưu lại gốc rễ trong lòng người, không còn tu nhưng còn mang trong lòng niềm luyến lưu về đoạn đời sống ở chùa. Không còn làm tăng thì làm Phật tử thuần thành có tâm niệm hộ trì Tam Bảo. Như sư chú Hạnh Mãn, Minh Trí, Minh Phúc, chú Vinh (đệ tử đầu tiên của tôi) … ra đời rồi mà thỉnh thoảng vẫn đến chùa cúng dường chư tăng. Có lần tôi dặn dò “Các em thọ dụng của Tam bảo ân rất lớn với đàn na thí chủ vì thế cho nên khi công việc mưu sinh có khá giả hay không em cũng nên bố thí cúng dường để trả nợ áo cơm khi còn ở chùa.”

Nói vậy thôi, việc mưu sinh đối với người đã từng xuất gia chưa bao giờ là dễ dàng. Sống trong chùa tinh thần trong sáng thuần lương, vì thế dễ bị hụt hẫng khi ra cuộc sống nơi trần tục. Có lần anh Thị Trị trước đây từng là học tăng ở Phật học Viện Huệ Nghiêm kể tôi nghe, tuy nghèo nhưng anh đã chia sẻ chở từng túi gạo đến giúp bạn trong lúc người bạn đó gặp khó khăn, rồi người bạn đó tỏ ý muốn giúp lại anh bằng cách chỉ dẫn cho anh bán mặt hàng vỏ xe đạp. Nhưng đến khi mua hàng của người đó về để bán thì anh mới biết loại vỏ đó không được thị trường ưa chuộng, ế ẩm không có khách mua mà trả hàng lại thì không được, vậy là mất luôn cả vốn.

Nhớ má nhớ chùa làng quê

Con đường xuất sĩ không phải là con đường trải thảm, rất nhiều chướng duyên trở ngại mà các vị tổ sư thường dạy đó là con đường “nghịch lưu”(ngược dòng). Vì thế chuyện giữ được chiếc áo tu và đời sống của một vị xuất sĩ là cả một sự nỗ lực tự thân của mỗi người tu. Nhiều bạn bè của tôi mau chóng hoàn tục trở về cuộc sống đời thường sau một thời gian tu học, “tâm bồ đề” bị lay chuyển vì không giữ được ngọn lửa lý tưởng trong trái tim của người con Phật. Khi còn là người cư sĩ họ khao khát tu nên mới lìa bỏ gia đình, rồi khi sống đời người xuất sĩ với “tương chao, dưa muối” thì họ nhận ra hiện thực như không mình nghĩ…

Hòa thượng Thanh Từ chia sẻ: “Nếu vì nhân duyên, người nào không thể tiếp tục con đường tu hành, thì chặng đường xuất gia vẫn là tốt. Trong thời gian xuất gia, được Phật tử cúng dường, nếu người đó tu hành đàng hoàng thì lấy phước đức đó để bù lại. Khi trở lại làm cư sĩ mà không tạo tội lỗi, thực hiện đúng vai trò, bổn phận của một người Phật tử tại gia cộng với phước thừa tu hành; người đó đời sau có thể xuất gia tu trọn vẹn hơn”.

Hoà thượng Thích Thiện Bảo