Gieo mầm tử tế trên hành trình về nhà
Thời gian chẳng đợi một ai, nó đi, đi mãi chẳng bao giờ dừng lại. Thành ra được về nhà ăn Tết chỉ mới đây thôi thì tôi lại phải ra đi.
Thời gian chẳng đợi một ai, nó đi, đi mãi chẳng bao giờ dừng lại. Thành ra được về nhà ăn Tết chỉ mới đây thôi thì tôi lại phải ra đi. Hình ảnh ba mẹ chờ đợi đứa con gái bé bỏng về ăn bữa cơm tất niên cuối năm cho kịp đón giao thừa như chỉ mới hôm qua, vậy mà mọi thứ đã trở thành một phần của ký ức.
Và trong thời khắc rời xa ngôi nhà thân yêu, phía sau lưng mình có nụ cười tươi, có cái vẫy tay tạm biệt đầy mạnh mẽ của đấng sinh thành; tôi tự hứa “Nhất định tốc độ “thành công” của mình sẽ vượt qua tốc độ già của ba mẹ”.
Ba mẹ tôi là nông dân rặt 100%, cả hai người lấy nương rẫy là bạn và nuôi lớn tôi bằng những ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời đúng nghĩa. Tôi sinh ra có đôi chút thiệt thòi là bị thiếu tháng, những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước nhà rất nghèo, tôi sống được như hôm nay là cả một kỳ tích.
Vì rằng hàng xóm láng giềng ai cũng nghi ngờ một đứa trẻ sinh non thiếu 6 tuần tuổi chỉ nặng chưa tới một ký rất khó để vượt qua được cửa tử.
Thế nên phải gần 4 tuổi tôi mới bập bẹ nói hai chữ ba mẹ, đến 5 tuổi mới chập chững những bước đi đầu tiên, thính và thị lực tôi khá là kém. Ba mẹ đã dành tất cả những gì ngon nhất, quý nhất, dành mọi máu xương đi làm chỉ để bồi đắp lên da thịt này, nên tôi trân quý tấm thân này lắm lắm.
Thực sự thì sự thua sút về mặt thể chất ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi từ ngày nhỏ, đến khi đi làm giữa guồng quay khắc nghiệt của “cơm, áo, gạo, tiền” thời nay nó lại càng rõ rệt hơn.
Tôi luôn cố gắng nhất có thể để hoàn thành những mục tiêu đặt ra, tôi muốn mình có một thanh xuân rực rỡ bằng năng lực, và bằng lời răn dạy được ba mẹ gieo mầm từ tấm bé “hãy là một người tử tế”.
Cả năm đi làm tôi chờ đợi nhất là khoảng thời gian được về nhà, được sum vầy đón Tết Nguyên đán đầy ấm áp có ba mẹ, có hơi ấm gia đình.
Nhiều năm qua, tôi thấy nhiều người than vãn lễ Tết thời này chỉ rườm rà, phiền toái, nên chăng gộp chung Tết ta lại với Tết tây cho khỏe. Nhưng có mấy ai mạnh dạn kiến tạo một mùa Tết tử tế cho bản thân, gia đình và cho xã hội đâu.
Tôi đủ lớn để hiểu Tết tử tế là một phần của sống tử tế. Sống tử tế là khó. Với chính tôi và nhiều người, Tết đồng nghĩa với áp lực tài chính vì có nhiều khoản phải chi như mua sắm quần áo, thức ăn, bánh kẹo, trang trí nhà cửa, quà cáp…
Đến ngày Tết, việc dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa thường gây ra mệt mỏi, cáu gắt. Nhiều gia đình giữ truyền thống cúng bái vào sáng tối mỗi ngày, mỗi lần cúng phải đủ món, đủ mâm. Nhiều phụ nữ đến ngày Tết là chỉ ở nhà để thắp nhang, đũa bát, cỗ bàn. Nhiều đàn ông đến ngày Tết là rượu chè, gây gổ với vợ con, khiến cả nhà đều không được vui.
Tôi từng xem vở kịch Sống tử tế và nhận ra rằng: Một cô gái bán hoa muốn có tình yêu thương chân thành. Một cậu con trai khuyết tật muốn được hòa nhập cuộc sống. Thế nhưng để được sống một cuộc đời bình thường tử tế, đâu dễ!
Đấy là cách kể về những góc khuất của cuộc sống hiện đại rất đời, rất người làm tôi nhớ mãi. Tôi rất thích cách kể chuyện đầy chiều sâu đó, vì vô tình hay hữu ý thì tôi tìm thấy chính mình trong đó: muốn là người tử tế là một hành trình dài, dài hơn cả đường về nhà ăn Tết với ba mẹ cả năm chỉ có một lần.
Tôi làm trưởng chi nhánh của một trung tâm học vụ tiếng Anh, nơi tôi ít nhiều hiểu được con trẻ thời nay gặp rất nhiều áp lực chuyện ăn học. Thế nên Tết về tôi xin các giáo viên hãy lì xì các con bằng việc không giao bài tập làm Tết, để chúng về nhà ăn cái Tết an yên trọn vẹn tuổi thơ.
Tôi cũng thẳng thắn với phụ huynh mình sẽ nhận quà Tết, nhưng đó là những món quà có giá trị nhỏ, tôi không nhận tiền hay đồ có giá trị cao. Tôi hiểu tấm lòng phụ huynh dành cho mình, tôi cũng hiểu họ vất vả nuôi con, tôi yêu tiền lắm nhưng tôi không kiếm tiền bằng mọi cách, vì ba mẹ biết tiền mang về nhà theo cách đó ba mẹ rầu lòng lắm!
Với tâm thế cũng là người làm thuê, cũng dân ở tỉnh lên đây kiếm cơm nhưng may mắn hơn quãng đường về nhà của tôi gần hơn đôi chút.
Thế nên Tết đến tôi sẵn sàng gánh thêm việc giùm mấy em có quê ở xa để các em kịp đặt vé về sớm, kịp thời gian ăn bữa cơm sum vầy, kịp phụ một tay vào nồi bánh chưng, kịp phụ mẹ một buổi chợ phiên, kịp lùi củ khoai, trái bắp vào bếp lửa đầy than hồng đợi khoảnh khắc giao thừa, kịp…
Cũng nhân dịp xuân mới, tôi muốn kể cho mọi người nghe về một vài người bạn của mình quyết định hiến tạng sau khi qua đời dù họ vẫn còn rất trẻ. Đằng sau quyết định đó là những nhận xét trái chiều, thậm chí phản ứng tiêu cực từ phía người thân, gia đình bởi cho đến nay, hiến tạng chưa phải là một hành động phổ biến ở nước ta.
Nhưng khi có thời gian hàn huyên thâu đêm suốt sáng với mấy đứa “điên rồ” đó, thì tôi dự định trên hành trang về nhà đón Tết 2024 với ba mẹ, sẽ có thêm tấm thẻ hiến tạng tự nguyện cho kịp tuổi 30 của tôi nữa.
Tôi tin nếu không bắt nguồn từ sự tử tế, hẳn không có nguyên cớ nào khác đủ mạnh để khiến xui bạn mình quyết định một điều đi ngược với số đông như thế, tôi muốn học tập điều tử tế đó bằng hành động.
Chúng ta chỉ sống một lần, không biết ngày mai ra sao, có kiếp sau hay kiếp sau nữa không? Có luân hồi, tái sinh muôn kiếp và biết có còn gặp lại nhau, chính vì thế mà mỗi khoảnh khắc qua đi, những quyết định dù sáng suốt hay lầm lỡ cũng sẽ là lịch sử của bản thân.
Tôi tin rằng trong bất cứ ai cũng có sự yêu thương, có điều nó ẩn chứa nơi thăm thẳm nhất của tâm hồn, trong lòng mình, nó sâu đến độ không đau thương nào có thể làm nó biến mất được.
Ba mẹ tôi là nông dân ít chữ nhưng cái tâm sáng đó đã nuôi tôi theo cách đơn giản nhất “gieo mầm tử tế từ lúc lọt lòng”. Tôi chọn lối sống chân thành, không vụ lợi, không cay nghiệt, phán xét, không chỉ biết cho mình và luôn thấu cảm với người khác để hun đúc những đức tính đẹp giúp bản thân tử tế hơn.
Lời hứa “thành công nhanh hơn tốc độ già đi của ba mẹ” mà tôi gửi gắm đến mọi người trên hành trình ra đi để trở về là hành động sống đẹp, sống chất hơn mỗi ngày.
Thành công đó không đong đếm bằng cách sờ nắm được, nó được tính bằng hằng số nụ cười của mấy em học sinh, bằng cái ôm ấm áp của mấy bạn đồng nghiệp xách ba lô ra ga tàu, bằng sự tin yêu trong mỗi cuộc gọi của bè bạn kết nối dịp Tết, bằng cái cách chú Tư, cô Năm, dì Bảy hay đám trẻ trong xóm dành cho mình mỗi dịp về nhà đón Tết là tụ họp đầy nhà.