Giàu mà không được hưởng

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala, vào buổi trưa đi đến, đảnh lễ Thế Tôn. Thế Tôn nói với vua Pasenadi đang ngồi một bên:

Thưa Đại vương, Đại vương đi từ đâu đến trong giữa trưa như thế này?

Ở đây, bạch Thế Tôn, có triệu phú gia chủ ở Sàvatthi bị mệnh chung, và con đến để xem tài sản của vị không có con ấy được chở vào nội thành. Bạch Thế Tôn, có đến tám triệu đồng tiền vàng, không nói đến tiền bằng bạc. Bạch Thế Tôn, tuy vậy đồ ăn của triệu phú gia chủ ấy lại chỉ gồm có cháo tấm chua ngày hôm qua để lại. Còn vải mặc chỉ mang vải gai may thành ba tấm. Còn xe thì đi xe nhỏ, cũ kỹ và hư nát, có gắn tán che bằng lá.

Thật như vậy, thưa Đại vương! Một kẻ không phải chân nhân, dầu cho có được tài sản lớn cũng không đem lại an lạc cho mình, cha mẹ, vợ con, các người phục vụ, bạn bè thân hữu; đối với các vị Sa môn, Bà la môn, không thiết trí các sự cúng dường hướng thượng, có khả năng đưa lên thượng giới, đưa đến lạc quả, hướng đến thiên giới. Các tài sản của người ấy nếu không thọ dụng chơn chánh, thời vua chúa sẽ cướp đoạt, hay trộm cắp cướp đoạt, hay bị lửa đốt, hay bị nước cuốn trôi, hay bị con cháu thừa tự thù nghịch cướp đoạt. Sự việc là như vậy, thưa Đại vương, các tài sản nếu không thọ dụng chơn chánh, đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 2, phần Không con [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.200)

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Lời bàn:

Một đại phú gia ở Sàvatthi chết đi, để lại gia sản khổng lồ. Vua Pasenadi nước Kosala, một trong những đại vương hùng mạnh nhất, phải đi xem khối gia sản ấy thì biết rằng nó to lớn dường nào. Ấy vậy mà đại phú gia kia lúc sinh thời vẫn sống trong nghèo khổ, không chỉ bản thân ông ta mà gia đình, dòng tộc và xã hội đều không được chút lợi ích.

Thì ra vị đại phú gia vô phước ấy chỉ biết làm lụng, tích lũy, cất chứa tiền của cho tràn đầy kho lẫm mà không biết tiêu tiền và thọ dụng tài sản một cách chính đáng. Với cách xử lý tài sản keo kiệt, của cải tuôn vào mà không hề rỉ ra, theo Thế Tôn, đại phú gia ấy không phải là người có trí, bậc chân nhân.

Chúng ta vẫn thường nghe, người làm ra của chứ của không làm ra người. Vì thế, một khi làm ăn khấm khá, trước phải chăm lo cho bản thân, gia đình, thân thuộc và những cộng sự. Sau cần phải chung sức xây dựng xã hội, phát triển cộng đồng. Quan trọng hơn, phải biết cúng dường Tam bảo, vun bồi thiện nghiệp, tích lũy phước báo cho đời này và đời sau.

Làm ra tiền vốn khó nhưng biết cách tiêu tiền hợp lý, có ý nghĩa lại càng khó hơn. Theo tuệ giác Thế Tôn, nếu biết cách xài tiền, thọ dụng tài sản do mình làm ra một cách chính đáng thì phước báo cũng như tài sản ngày càng tăng thêm, không tổn giảm. Ngược lại, nếu làm ra của cải mà chỉ bo bo cất giữ, không dám ăn tiêu, không giúp đỡ mọi người cũng như làm phước thiện thì rốt cuộc vẫn trắng tay và không có chút phước báo nào.

Quảng Tánh