Giàu có và văn hóa, sứ mệnh của doanh nhân
Bằng những thành công trong kinh doanh, doanh nhân trở nên có vị thế, tác động và ảnh hưởng tới xu thế phát triển của quốc gia. Ngoài việc làm nên danh tiếng, của cải, tiền bạc, những doanh nhân còn là những người có đóng góp lớn vào sáng tạo văn hóa, văn minh, mang lại niềm tự hào cho người Việt.
Giới thương nhân Việt Nam bắt đầu xuất hiện cách đây hơn 1000 năm. Đó là vào thời điểm vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, lập nên kinh thành Thăng Long. Thăng Long đã nhanh chóng trở nên sầm uất. Các làng nghề, phố nghề được hình thành, vẫn còn để lại dấu ấn đến tận bây giờ. Đại Việt từ một đất nước nhỏ bé, chỉ sống bằng trồng cấy nông nghiệp, đã mở rộng phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nhỏ và phát triển giao thương thương mại qua việc hình thành nên tầng lớp thương nhân đầu tiên. Chính nền tảng kinh tế ấy đã đưa đất nước vào một thời kỳ phát triển rực rỡ kéo dài, thịnh trị tới hơn 200 năm.
Khi nhà Lý suy vong, nhà Trần xuất hiện. Tầng lớp thương nhân lại tiếp tục được phát triển. Những thương cảng trải dài từ Bắc vào Nam: Phố Hiến, Vân Đồn, Hội An… Đất nước không những ba lần đánh tan giặc xâm lược Nguyên Mông mà còn dựng lên một thời hào khí Đông A rực rỡ với sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng…
Sau khi bi rơi vào họa bị xâm lược kéo dài tới 20 năm dưới ách giặc Minh, nhà Trần suy thoái, nhà Hồ không tồn tại lâu dài, rồi đến khi nhà Lê dựng lại cơ đồ, có một thời gian thịnh trị, thì cả đất nước là một bức tranh đầy những chia cắt và nội chiến kéo dài, cho đến tận thế kỷ thứ 19.
Có hai thời điểm, cách nhau hơn 100 năm, ở Việt Nam mới lại xuất hiện nhiều người giàu có: Khoảng cuối thế kỷ 19 đầu 20, với nhiều nhà tư sản dân tộc, thời đó được gọi là những doanh gia. Và hiện nay, đầu thế kỷ 21 này, lại xuất hiện những tỷ phú đô la, giờ được gọi là doanh nhân đứng đầu các tập đoàn kinh tế tư nhân.Năm ngoái, vào tháng 4/2021, tạp chí Forbes đã công bố xếp hạng hơn 2700 tỷ phú giàu nhất thế giới.
Trong danh sách này, Việt Nam có 6 tỷ phú góp mặt, nhiều hơn 2 vị so với năm 2020. Vẫn còn nhiều doanh nhân đang sở hữu khối tài sản từ 0,93 đến 1,21 tỷ USD, đang tiếp tục phát triển, có thể sẽ làm dài thêm danh sách. Việt Nam hiện nay đã có hơn 800.000 doanh nghiệp, hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh và đội ngũ doanh nhân đã lên đến gần 10 triệu người. Đó là một dư địa lớn cho sự xuất hiện nhiều hơn nữa những tỷ phú với các thương hiệu quốc gia của Việt Nam được thế giới biết đến và công nhận.
Cách nhau về thời gian dài cả một thế kỷ mới lại có cơ hội cho nhiều người nỗ lực thành giàu có, được xã hội tôn vinh. Ở giữa hai cơ hội ấy là dằng dặc thời gian chiến tranh, cơ hàn, máu lửa, rồi đến trăn trở, tìm tòi, đổi mới, vượt lên… Tài trí, khát vọng, quyết tâm làm giàu thì những người dân Việt thời nào cũng có, cũng bền bỉ, nung nấu… Nhưng muốn giàu lớn thì phải gặp được cơ hội mới đạt được.
Hiểu rõ điều này, các doanh nhân thời nay càng phải ngẫm nghĩ về sứ mệnh của mình để quý trọng, nâng niu cơ hội mà càng nỗ lực hơn.
Sứ mệnh của doanh nhân là phải mở ra những con đường làm giàu và không chỉ là làm giàu. Giàu phải đi liền với sang. Vật chất phải đồng hành với văn hóa. Văn hóa là ánh sáng làm sang trọng lên giàu có, làm bền vững giàu có, làm nên vẻ đẹp của giàu có. Một nhà văn nổi tiếng đã viết: “Giữa nhiều tiền và giàu có là một khoảng cách mênh mông. Khoảng cách này chỉ có thể lấp đầy bằng văn hóa”.
Một tương đồng lý thú là các nhà tư sản, các đại doanh gia xuất hiện cuối thế kỷ 19 đầu 20 ở nước ta, dù trong thời kỳ đất nước chưa có độc lập, tự do, vậy mà họ đều cùng nêu cao sứ mệnh phát triển văn hóa. Văn hóa ở đây là những giá trị của tinh thần tự tôn dân tộc, là ý chí và khát vọng chấn hưng xã hội, mong muốn góp phần bồi đắp dân trí để chuẩn bị cho ngày dân tộc tự cường, độc lập.
Ngày nay, những doanh nhân của chúng ta có tiếp thu được truyền thống tốt đẹp đó không? Liệu họ có đạt tới những đóng góp cho phát triển cả về chiều sâu cùng tầm cao và bền vững hay không? Câu trả lời là nằm ở việc các doanh nhân, doanh nghiệp ấy có xây dựng được hay không những giá trị văn hóa trong công cuộc kinh doanh của mình, để mà từ đó lan tỏa ra xã hội.
Văn hóa doanh nhân là một hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do chủ thể kinh doanh tạo nên được trong nội tại doanh nghiệp và tỏa sáng ra môi trường kinh doanh qua những ứng xử với thị trường và xã hội.
Văn hóa doanh nhân chính là nền tảng, là rường mối, bệ đỡ cho sự phát triển đúng đắn, giúp cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh lựa chọn chính xác đường hướng đi, lĩnh vực và đối tác để trụ vững trước những thách thức vào những thời điểm khó khăn và tăng tốc khi gặp cơ hội và điều kiện thuận lợi.
Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp, bằng sáng tạo cộng với hàm lượng trong văn hóa kinh doanh của mình sẽ làm ra thương hiệu của mình, để góp chung vào thương hiệu quốc gia. Thương hiệu có thể nổi lên rất nhanh và chìm đi cũng rất nhanh. Xây dựng thương hiệu là quan trọng, nhưng giữ được thương hiệu còn quan trọng hơn. Thương hiệu tồn tại lâu dài là dựa trên nền tảng văn hóa của người tạo ra và làm chủ thương hiệu, trong đó không thể thiếu những yếu tố như sự liêm chính, chân thành và cống hiến cho cộng đồng người tiêu dùng.
Sáng tạo và xây dựng được những giá trị văn hóa mới, góp phần vào văn hóa kinh doanh chung, các doanh nhân, ngoài tài trí ra, thì phải là những con người có phẩm tính văn hóa cao cả. Muốn đạt được điều này thì phải biết học hỏi, biết cách thấm lấy những giá trị từ nền văn hiến đặc sắc của dân tộc và những bồi bổ qua quá trình hội nhập toàn cầu. Những doanh nhân có văn hóa cao là những người bản lĩnh, một mặt kiên định với mục tiêu kinh doanh đã đặt ra, nhưng mặt khác, cũng rất cần phải vững vàng trước những cám dỗ của tha hóa và vong bản.
Thời nay, người ta nói: “Thương trường là chiến trường”. Nghĩa chiến trường ở đây, giờ lại thêm một nghĩa mới, đó là cuộc chiến đấu với tha hóa và vong bản để giữ gìn nhân cách trước khi tiến đến những thành công trong kinh doanh.
Thời gian gần đây, chúng ta nói tới danh xưng “Doanh nhân dân tộc” và “Doanh nhân văn hóa”. Khái niệm “dân tộc” và “văn hóa” với những hàm nghĩa mang đến niềm tự hào. Đó là tôn vinh những doanh nhân chính trực, tài trí cao, mang lại cảm hứng cho cộng đồng, là tấm gương cho công cuộc lập nghiệp làm giàu và hướng đến cộng đồng trong phát triển thịnh vượng, nâng tầm dân tộc Việt Nam, nâng cao vị thế của đất nước trên bình diện khu vực và quốc tế.
Bằng những thành công trong kinh doanh, doanh nhân trở nên có vị thế, tác động và ảnh hưởng tới xu thế phát triển của quốc gia. Ngoài việc làm nên danh tiếng, của cải, tiền bạc, những doanh nhân còn là những người có đóng góp lớn vào sáng tạo văn hóa, văn minh, mang lại niềm tự hào cho người Việt.
Bằng văn hóa doanh nhân và văn hóa kinh doanh, doanh nhân là những sứ giả tin cậy của văn hóa và làm cho những giá trị cao đẹp, đáng ngưỡng mộ lan tỏa rộng rãi hơn, góp phần vào công cuộc chấn hưng văn hiến, tạo nên sự bền vững trường tồn của quốc gia.
Việt Nam hiện nay đã có hơn 800.000 doanh nghiệp, hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh và đội ngũ doanh nhân đã lên đến gần 10 triệu người. Đó là một dư địa lớn cho sự xuất hiện nhiều hơn nữa những tỷ phú với các thương hiệu quốc gia của Việt Nam được thế giới biết đến và công nhận.
Nhà văn Nguyễn Thành Phong