Giải nỗi khổ treo ngược
Không biết mọi người thường niệm thần chú gì. Riêng tôi, hay niệm thần chú “Mình là Phật tử”. Khi nhớ đến “chú” này, tôi nhớ Bụt – người đã giác ngộ, giải thoát, là Thầy mình, đã dạy mình dù gì cũng nhớ “đoạn ác, làm lành, giữ tâm ý trong sạch”.
Bụt cũng dạy về nhân-duyên-quả. Có những việc nhân-quả liền kề, ngay đó biểu hiện cho mình thấy. Như là lúc mình nổi nóng với ai đó, thì họ cũng sẽ nổi nóng với mình. Sự nổi nóng mình nhận được trong cuộc sống nhắc mình hai thứ: Một là đừng gieo nhân nổi nóng thêm (thì phải học cách chuyển hóa tâm sân dần dần); Hai là rèn hạnh nhẫn để bước qua sự va chạm một cách nhẹ nhàng, ai có nói gì thậm chí làm hại mình thì cũng không dùng lòng thù hận đối đãi với họ.
Là Phật tử mình không thể hành xử như người chưa được học lời Phật. Theo đó, thay vì kết oán, mình tháo gỡ “cục đá” ở trong lòng mình ra, phiền giận hay ôm ấp khổ đau vì một lời nói, một sự tác động tiêu cực từ bên ngoài chỉ khiến mình khổ lâu thêm, nuôi dưỡng sân-si, kéo dài oán đối.
Là Phật tử, mình cũng hiểu vô thường. Không ai sống đời mà không chết, không xảy ra mất mát, đau thương. Suy cho cùng, ai cũng đáng thương như nhau trong thân-phận con người, nên tập thương nhau, thương còn không hết thì oán làm gì.
Tháng Bảy, trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền quan niệm là dịp để thiết Vu lan bồn pháp, giải đảo huyền (nỗi khổ treo ngược). Thực ra, chúng ta chính là những người cột, buộc mình lên cả thôi, bằng cách gieo nhân (hiện tại hoặc trong quá khứ), thì mình phải là người cởi. Cũng có những lúc sợi dây dễ tháo thì mình rút nhẹ là xong, có những cú thắt mà ta phải nỗ lực rất nhiều, chịu đựng rất lâu.
Nhưng là Phật tử, hãy tin rằng, chuyện gì cũng sẽ qua, trong đó có niềm đau nỗi khổ. Đó chính là quy luật tất yếu, mang tên vô thường. Chỉ cần mình vững tâm nhớ Bụt, quay về nương bóng từ bi, sách tấn chính mình: dù gì cũng giữ tâm ý trong sạch, đoạn ác, làm lành. Còn lại, cứ để nhân-quả chuyển vận.
Mong tất cả an lành, mong mọi người đều sống trong chánh pháp!
Lưu Đình Long