Giã từ quán trọ, trở về cố hương

Quán trọ ví cho cõi Ta bà đau khổ, ngắn ngủi, không bền chắc. Cố hương ví cho cõi Cực lạc thuần vui, bền lâu, chắc thật.

 

Nói về sự: chúng ta phải thật sự rời bỏ Ta bà để luôn nhớ nghĩ về cõi Cực lạc của Phật A Di Đà.

Nói về lý: chúng ta phải rũ bỏ tất cả những phiền muộn, lo âu, trăn trở, giả tạm trong tâm thức, để thảnh thơi trở về với chân như Phật tánh hằng thanh tịnh của chúng ta.

Chúng ta thường nghĩ: Cuộc đời này luôn đầy hoa bướm. Chúng ta say sưa đắm chìm trong tình yêu, danh vọng, tiền bạc, cứ ngỡ cuộc đời là những bài thơ, tiếp nối với những ngày vui bất tận, hoa sẽ không tàn, trăng sẽ không khuyết, cuộc vui dài kéo đến thiên thu. Nhưng có ngờ đâu, thân người như bóng chớp chiều hôm, mới trẻ rồi già, mới sống rồi chết, trong cuộc vui hội ngộ đã ươm mầm chia ly. Đời người thật vô thường, huyễn mộng như hoa sớm nở tối tàn, vui ít khổ nhiều, sống chết nối liền không ai tránh khỏi. Ai cũng biết đời ít người trăm tuổi, tuổi xuân thấy đó rồi chợt mất, buồn vô cùng và khổ cũng vô cùng.

 

Ta bà thật là đau khổ, tại sao chúng ta không sớm giác ngộ để một lòng nhớ về cố hương Cực lạc?

Ta bà thật là đau khổ, tại sao chúng ta không sớm giác ngộ để một lòng nhớ về cố hương Cực lạc?

Vì sao vậy? Vì quán trọ chỉ cho sự tạm bợ, ngắn ngủi, ví như những quán trọ ở ven đường, chỉ dành cho khách bộ hành dừng chân nghỉ mát, sau đó từ giã ra đi, chớ không ở mãi được. Cũng vậy, Ta bà chẳng khác gì quán trọ, nhân loại sống trong cõi này đều giả tạm, vô thường, không thật. Tại sao không thật? Vì suốt cả cuộc đời bị sinh, lão, bệnh, tử, tiền tài, danh vọng chi phối, bức bách thật là khổ não. Tất cả đời sống vật chất cho dù làm vua, làm quan, giàu sang đến cỡ nào đi nữa nhưng khi ra đi không mang được gì cả, cho nên mới gọi là không thật. Chúng ta là người hiểu đạo, phải sớm giác ngộ ngay chỗ này, sống có đạo đức để làm lợi ích cho mọi người. Có như vậy, mới không uổng phí đời người.

Ta bà thật là đau khổ, tại sao chúng ta không sớm giác ngộ để một lòng nhớ về cố hương Cực lạc? Cố hương là nơi chúng ta chôn nhau cắt rốn, là ngôi nhà vững chắc cho chúng ta ngơi nghỉ sau những ngày tháng vất vả với cuộc đời.

Ngày ấy, đức Phật Thích Ca, vì hiểu cuộc đời ngắn ngủi, kiếp phù sinh tạm bợ, mong manh nên đã quay mặt với vinh hoa, độc hành vào núi thẳm, rừng sâu tìm chân lý. Bao ngày tháng miệt mài tu tập, cuối cùng giác ngộ, đem đạo mầu soi tỏ cuộc đời. Giáo lý Ngài dạy rất nhiều, trong đó, vô thường (không thường còn, luôn đổi thay biến dạng) là một trong những giáo lý căn bản.

Phàm mọi pháp vô thường, theo sau là khổ. Ấy vậy, chúng sinh không tỉnh, lấy khổ làm vui, cam lòng nhận chịu, nên gọi là Ta bà. Ta bà là cõi uế trược đầy dẫy khổ đau. Trái lại, cõi Cực lạc là cõi thuần vui, nơi an lạc thanh tịnh cho tất cả chúng sinh. Vì thế, người Việt Nam ta, khi có người thân tạ thế, tất cả đều mong ước nguyện cầu vong hồn sớm tiêu diêu miền Cực lạc. Danh từ Cực lạc đối với dân tộc ta nó thân thiết đậm đà như một ngôi nhà ấm cúng, là nơi yên nghỉ an toàn, là quê hương đầy thắng cảnh cho những khách lãng tử viễn du mòn gót trên vạn nẻo đường đời. Để hết khổ được vui, chúng ta hãy hiểu rõ hai cõi Ta bà và Cực lạc.

Ta bà là gì? Ta bà là phiên âm từ chữ Saha của Phạn ngữ, có nghĩa là ráng chịu đựng, vì chúng sinh ở trong cõi này chịu các phiền não, tham sân si bức bách, làm các điều ác, xoay quanh trong ba nẻo sáu đường, lại cứ cam lòng nhẫn chịu không mong ngày ra khỏi. Ta bà không phải chỉ có một thế giới ta đang ở, mà nó gồm cả ba nghìn đại thiên thế giới, trong phạm vi hóa độ của Phật Thích Ca Mâu Ni.

Cực lạc là gì? Cực là rất, lạc là vui. Như vậy, Cực lạc là cõi thuần vui. Trong Kỳ Viên Hội, đức Phật gọi ngài Xá Lợi Phất dạy rằng: “Cõi đó vì sao gọi là Cực lạc? Vì chúng sinh trong cõi đó không có các điều khổ, chỉ hưởng thuần những sự vui, nên gọi là Cực lạc”.

Vậy, để giã từ quán trọ (Ta bà) một cách dứt khoát, thiết tha nhớ về cố hương (Cực lạc) thì chúng ta phải so sánh sự hơn kém giữa chánh báo và y báo của hai cõi.

Thích Tâm Hải