Giá trị của sự tri ân
Mùa Vu lan – Báo hiếu lại trở về. Giá trị của tri ân, báo hiếu lại được nhắc nhớ, khơi gợi trong tâm tưởng của mỗi người. Đây là điều không chỉ người Phật tử mới trau dồi mà dành cho tất cả.
Báo hiếu như thế nào trong thời đại ngày nay? Vì sao người trẻ cần nuôi dưỡng hiếu ân? Nhân mùa Vu lan, Giác Ngộ tổ chức một bàn tròn sẻ chia và nhận về những chia sẻ đáng suy ngẫm:
Đại đức Thích Nguyên Huấn |
* Đại đức Thích Nguyên Huấn, Trưởng ban Thông tin – Truyền thông Phật giáo tỉnh Đắk Lắk: “Báo hiếu bằng sống thiện”
– Cha mẹ đã dành rất nhiều tâm sức, tình thương cho chúng ta thành người. Tình thương của cha mẹ có thể nói là vô điều kiện, do vậy việc báo hiếu cha mẹ là đạo đức lớn nhất mà mỗi người cần lưu tâm, dù trong xã hội nào.
Thể hiện lòng hiếu có nhiều cách. Ngoài phụng dưỡng vật chất, chăm lo tinh thần thì việc tạo điều kiện để ba mẹ thâm hiểu Phật pháp, có thời gian đi chùa, trì kinh, niệm Phật, hành thiền… là rất quan trọng.
Dù ở gần hay ở xa người trẻ cũng cần dành thời gian cho ba mẹ. Người lớn tuổi rất mong được trò chuyện cùng con cháu. Hiểu điều này, nếu ở xa, chúng ta có thể gọi điện thường xuyên; ở gần thì có những bữa cơm chung, trao đổi, tâm tình.
Khi cha mẹ còn sống thì tùy khả năng, chăm lo đủ đầy nhất cho ba mẹ; lúc người mất thì noi gương hiếu của ngài Mục Kiền Liên để làm các thiện sự, hồi hướng phước lành cho ba mẹ. Trong kinh Phước đức, Đức Phật dạy, phước đức lớn nhất là phụng dưỡng mẹ cha. Đạo Phật cũng quan niệm “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”, nên có thể nói, hiếu đạo là điều tối quan trọng trong kiếp người chúng ta phải thực hành, trong tinh thần sống đạo.
Ngoài việc trò chuyện, phụng dưỡng, giúp đỡ, theo tôi, sống khỏe sống an cũng là báo hiếu, bởi chúng ta là sự tiếp nối của ba mẹ. Mỗi lối sống của mình đều có tác động đến ba mẹ vì vậy hãy chọn cho mình lối sống thiện lành, tích cực để ba mẹ an lòng!
Chị Hoàng Tuyết Mai |
* Chị Hoàng Tuyết Mai, doanh nhân ở TP.HCM: “Đặt mình vào ba mẹ để hiểu và thương”
– Gia đình tôi có ba anh chị em. Riêng tôi sớm xa gia đình để đi học, rồi tự kinh doanh khi còn khá trẻ, nên biết ba mẹ dành sự lo lắng cho mình khá nhiều. Hiện tại tôi đã là mẹ của ba bạn nhỏ, có thể đặt được mình vào vị trí của ba mẹ nên càng hiểu hơn những lo lắng mà ngày xưa ba mẹ dành cho mình. Từ đó thấy thương ba mẹ hơn.
Khi còn trẻ, tôi lao vào công việc sớm nên khá ít đi chơi chung, những bữa ăn dành cho gia đình cũng hiếm, các cuộc nói chuyện ít lại. Từ khi có độ lắng hơn, đặc biệt khi biết quay về với chính mình, tôi nhận ra các giá trị của sự có mặt dành cho người thân là vô giá, định nghĩa lại vai trò của người con. Từ đó có nhiều thời gian chăm sóc cho ba mẹ hơn.
Chẳng hạn như ba mẹ tôi thích con cháu sum vầy nên tôi thường xuyên tổ chức các chuyến đi chơi chung cho đại gia đình. Nhìn ánh mắt đầy niềm vui của ba mẹ trong những chuyến đi, tôi cũng hạnh phúc. Từ những cuộc gặp như vậy, tôi có thêm cơ hội để chăm sóc các chi tiết cho ba mẹ như trò chuyện, thuốc thang… Ba mẹ thích nghe kể chuyện của con cháu nên tôi cũng thường có những cuộc trò chuyện dài để ông bà nắm bắt tình hình đời sống các cháu, của con.
Tôi nghĩ chăm sóc cho ba mẹ không chỉ về vật chất mà còn cả đời sống tinh thần. Để ba mẹ vui, đáp ứng các mong muốn tốt đẹp của ba mẹ chính là cách mà mỗi người phải tinh tế nhận ra.
ThS Tâm lý Lê Hoàng Nhân |
* ThS Tâm lý Lê Hoàng Nhân, Trưởng khoa Tâm lý liệu pháp, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đồng Tháp: “Hiếu ân là bản lề nhân cách, là điều kiện cho thành công…”
– Là con một trong gia đình, từ nhỏ tôi được cha mẹ rất thương yêu. Thế nhưng, thời gian ở nhà với cha mẹ không được bao lâu, từ lúc đi học rồi đi làm đến nay gần 15 năm xa nhà. Việc tôi có thể làm cho cha mẹ là gọi điện mỗi ngày, có chuyện vui buồn gì cũng kể với cha mẹ và lắng nghe các câu chuyện ở nhà.
Khi mẹ đau bệnh tôi chạy về quê chở đi khám bệnh. Khi được nghỉ lễ, Tết, tôi về quê thăm mẹ, biếu quà và lì xì cho mẹ, chở mẹ đi chùa, đi chơi đây đó.
Hàng tháng, vào ngày mùng 1, ngày rằm tôi đều ăn chay cầu an cho ba mẹ và chúng sinh. Mỗi năm đến Vu lan tôi đều đi chùa đọc kinh cầu nguyện, phát tâm làm việc thiện – hồi hướng công đức cho cha mẹ. Hạnh hiếu là hạnh lớn, công đức cha mẹ là vô tận nên với bao nhiêu đó cũng chẳng thể nào báo đáp công ơn của cha mẹ. Nhưng đó cũng là cách tôi nghĩ bản thân mình, và chúng ta có thể thực hành hạnh hiếu.
Đức Phật dạy “Hiếu thảo đứng đầu muôn hạnh”, dù các bạn là ai, có địa vị, chức vụ gì trong xã hội thì cũng cần thực hành hạnh hiếu. Khi thực hành hạnh hiếu, có niềm an lạc diệu kỳ. Việc làm cho cha mẹ hoan hỷ thì bản thân cũng được hoan hỷ. Đó là sự gắn kết tinh thần của cha mẹ – con cái. Một người con không có hiếu, không biết yêu thương, hiếu thảo với cha mẹ mình, thì làm sao có thể yêu thương và mang lại hạnh phúc cho người khác?
Thành công không thể đến với một người không có hiếu đạo. Là Phật tử càng phải nuôi dưỡng hiếu ân để xứng đáng là một Phật tử chân chính.
Bạn Nguyễn Thái Hiệp |
* Bạn Nguyễn Thái Hiệp, Trưởng nhóm từ thiện Quang Đức (TP.HCM): “Giúp cha mẹ tin nhân quả, tự chuyển hóa khổ đau”
– Xã hội ngày càng phát triển, nhịp sống của chúng ta cũng trở nên tất bật hơn. Ai rồi cũng phải rời xa tổ ấm, xa gia đình để “tha phương cầu thực”. Điều đó đồng nghĩa với việc mình còn có ít thời gian cho gia đình hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ, dù có đi đâu, là ai đi nữa thì gia đình vẫn luôn là điều tuyệt vời nhất mỗi khi nghĩ về, nơi đó có mẹ, có cha, có cả tình thương lớn dành cho mình.
Thực sự, không có một bất hạnh nào to lớn bằng việc mất cha, mất mẹ, nên khi cha mẹ còn sống ta hãy vì cha mẹ mà hạnh phúc. Báo hiếu cha mẹ không phải lúc nhiều tiền, lắm của mới báo hiếu được. Cách báo hiếu cha mẹ đơn giản nhất theo tôi là hãy sống tốt cho mình, sống tử tế cho người. Điều cha mẹ quan tâm nhất khi con cái đi xa chính là: “Con cái có sống tốt với chính mình không”. Khi mình ở xa mà có thể lo cho bản thân thật tốt, cha mẹ ở nhà cũng một phần bớt nhọc lòng vì mình.
Cha mẹ cũng luôn trông mong những đứa con của mình lớn lên sẽ là những người có ích cho xã hội. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì những điểm 10 là những bông hoa tươi đẹp nhất mà cha mẹ hằng mong mỏi, lớn lên vào đời điều cha mẹ tự hào không phải là con mình có thật nhiều quyền lực, thật nhiều tiền của mà chỉ cần con mình sống có trách nhiệm. Lâu lâu kể cho cha mẹ một vài việc tự hào trong công ty, nơi làm việc, đó cũng là một phần báo hiếu cha mẹ ở nơi xa.
Cha mẹ luôn lo lắng con mình, sợ con mình vất vả với công việc, nên tôi nghĩ những cuộc gọi thăm hỏi là rất cần thiết, để cho cha mẹ an lòng. Là con Phật, tôi còn hướng cha mẹ đến gần những lời dạy minh triết của Đức Phật, mong cha mẹ có đời sống tâm linh tốt đẹp, tự chuyển hóa được những nỗi khổ, niềm đau trong đời.
Bên cạnh những món quà vật chất thì món quà tinh thần vô giá đó là làm sao cho cha mẹ mình hiểu và tin sâu nhân quả để tự thân có thể được chuyển hóa “đời nay vui, đời sau vui”.
Lắng nghe để hiểu ba mẹ
“Có nhiều người trẻ, vì để tiện chăm sóc ba mẹ hoặc để ba mẹ chăm sóc con cái mình mà đón ba mẹ từ quê lên phố. Đôi khi ta không hiểu được ba mẹ cần gì nên đã để ba mẹ phải chịu đựng cô đơn giữa phố. Do vậy, đây cũng là điều mà những thế hệ trẻ thời hiện đại, trong hành trình xa quê, báo hiếu cần phải có sự lắng nghe, thấu hiểu”.
Đại đức Thích Nguyên Huấn