Giá trị của nghệ thuật trong thời đại kỹ thuật số
Một trong những niềm vui và kỷ niệm lớn nhất của tôi là đi dạo trong phòng trưng bày nghệ thuật với mẹ tôi, cũng là một nghệ sĩ.
Mẹ tôi đi chậm rãi từ bức tranh này đến bức tranh khác với định tâm và bình an hoàn toàn. Cuối cùng, mắt mẹ sáng lên và một bài giảng nghệ thuật ngẫu hứng sẽ bắt đầu về một họa sĩ đặc biệt hoặc một thời đại hội họa nào đó…
Nhấp, vuốt và cuộn… Hãy cố gắng sống chân thực và tránh đầu hàng trước vô số trải nghiệm chẳng cần suy xét, việc này đã trở thành một cuộc đấu tranh hàng ngày. Sotaesan, vị sáng lập Phật giáo Won (một tông phái mới ở Hàn Quốc ra đời vào đầu thế kỷ XX – người dịch) đã thấy trước sự tiến bộ của nền văn minh khoa học và khả năng tiềm ẩn của nó làm nô dịch tâm trí con người. Do đó, phương châm sáng lập của Phật giáo Won là đi thẳng vào điểm mấu chốt:
Khi văn minh vật chất phát triển, hãy nuôi dưỡng văn minh tinh thần một cách phù hợp.
Tài nguyên con người sống động nhất cần giữ gìn và bảo vệ chính là khả năng chú ý của chúng ta. Các nhà nghiên cứu cảnh báo chúng ta rằng thế giới kỹ thuật số làm co lại sự chú ý, khiến chúng ta trôi theo những xao lãng bên ngoài. Tuy nhiên, sự cảnh báo này cũng chẳng làm giảm bao nhiêu thời gian của chúng ta trước màn hình, kiểm tra email, làm việc trên dự án, tham dự các cuộc họp Zoom và đọc tin tức. Vâng, năng suất làm việc đã tăng lên, nhưng cuối cùng tâm trí cũng đạt đến giới hạn chịu đựng và phải phản kháng.
Đến đỉnh điểm đó, giống như một số người, tôi bắt đầu tìm cách giảm nhẹ tác hại và rốt cuộc tìm đến con đường nghệ thuật. Khi tôi đến thăm một phòng trưng bày, thỉnh thoảng tôi bắt gặp một bức tranh đẹp mà tôi có cảm giác như mình bước vào một nơi linh thiêng, khác thường. Nghệ thuật “phối khí” thời gian và không gian, vì vậy tôi tiếp cận môi trường xung quanh mình một cách kiên nhẫn và khiêm tốn. Khi còn nhỏ, tôi đã ngồi trước bức tranh sơn dầu của mẹ tôi, tự hỏi tại sao mẹ lại thêm một chút màu đỏ và cam cho bầu trời.
Lạ thật, không phải trời chỉ có màu xanh với mây trắng sao? Trong khoảnh khắc bối rối đó, nghệ thuật sẽ ôm lấy tôi trong một câu chuyện, kéo tôi vào thế giới của trí tưởng tượng và khiến tôi mê mẩn với nhiều câu hỏi hơn. Một công trình nghệ thuật có khả năng làm giàu cảm xúc của chúng ta.
Nghe một bài hát mới hoặc đọc một bài thơ mở ra cho chúng ta những trải nghiệm lạ. Khả năng cảm nhận và bày tỏ cảm xúc, thấu cảm với hoàn cảnh khó khăn của người khác và vui mừng với thành công của một người bạn, đều được nâng cao nhờ nghệ thuật kết nối chúng ta với trải nghiệm phổ quát về nỗi khổ và niềm vui.
Giữ cho đôi mắt của bạn đậu vào một bức tranh sẽ làm dịu đi sự bực bội nội tâm hoặc những chuyện vô tích sự. Đó cũng là một bài học trong khoa học làm cho phần ẩn khuất trong con người chúng ta lộ ra và chạm đến những tình cảm đạo đức. Nếu bạn hỏi bất kỳ người yêu nghệ thuật nào về cách hiểu một bức tranh, hầu như họ sẽ khuyên bạn nên dành thời gian cho nó. Chúng ta buộc phải dành một loại quan tâm đặc biệt cho cái đẹp. Không phải lúc nào cái đẹp cũng dễ hiểu; cái đẹp có thể đòi hỏi nỗ lực về phía chúng ta. Những bức tranh với cổ dài của Modligliani có thể khiến bạn giật mình và buộc phải dừng lại, mở tâm trẻ thơ ra, và cung kính đón nhận tác phẩm một cách tò mò và một cái tâm “tôi không biết”.
Thượng tọa Park Jang-Sik đã từng viết trong cuốn sách A Wish for Peace (Một ước mong bình an), “Phát triển nghệ thuật như một phương tiện để vươn tới người khác cũng cấp bách như sửa đổi giáo lý [cho phù hợp với thời đại]. Con người là sinh vật giàu lý trí cũng như tình cảm. Vì vậy, không nên bỏ qua khía cạnh tình cảm.” Câu này khiến tôi suy nghĩ vì các giảng sư mà tôi gặp hiếm khi thảo luận về ý nghĩa của nghệ thuật. Càng suy ngẫm về lời nói của thầy, tôi càng nhận ra sự thật to lớn trong những gì thầy nói, bởi vì nghệ thuật ảnh hưởng sâu sắc đến chúng ta. Nghệ thuật có thể kích động năng lực bên trong để thấu cảm. Sự thấu cảm giúp chúng ta chia sẻ những đau khổ, ước muốn và nguyện vọng của người khác. Nghệ sĩ không sản xuất nghệ thuật, đúng hơn, nghệ sĩ sinh ra nghệ thuật.
Nghệ thuật cho phép chúng ta trải nghiệm thế giới thông qua con mắt của “ai đó”, thường nhìn sâu sắc hơn ta. Một trong những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo Won nổi tiếng nhất là bức thư pháp II Won Sang (ảnh một vòng tròn) của Đệ tam Pháp sư Daesan. Cái ấn tượng là không cố gắng chi cả, ngẫu nhiên, tĩnh lặng mà tỉnh táo. Cái tác động như cú đập nhẹ đó thúc ta đến một trải nghiệm về nhất-như thuần khiết, tính nhân loại chung và sự tự nhiên chân thật. Tất nhiên, bức thư pháp của tổ sư lấy cảm hứng từ vòng tròn vẽ trên đất bởi một chiếc đũa của thầy khi thầy dạy đệ tử, “Đây là ngôi nhà ban sơ của vũ trụ bao la. Bên trong nó bao gồm, không ngoại lệ, những nguyên tắc bí hiểm vô hạn, những kho báu vô hạn và sự biến đổi sáng tạo vô hạn.”
Một trong những niềm vui và kỷ niệm lớn nhất của tôi là đi dạo trong phòng trưng bày nghệ thuật với mẹ tôi, cũng là một nghệ sĩ. Mẹ tôi đi chậm rãi từ bức tranh này đến bức tranh khác với định tâm và bình an hoàn toàn. Cuối cùng, mắt mẹ sáng lên và một bài giảng nghệ thuật ngẫu hứng sẽ bắt đầu về một họa sĩ đặc biệt hoặc một thời đại hội họa nào đó.
Xong xuôi, chúng tôi ngồi trong một quán cà-phê, và rồi tôi ngộ ra, một trong những khía cạnh mạnh mẽ nhất của nghệ thuật là món quà kết nối giữa người với người. Nghệ thuật là một trải nghiệm chung và đem chúng ta lại với nhau. Đó là một phương tiện để chúng ta hiểu nhau. Chúng ta có thể cùng nhau ngồi trong phòng và thưởng thức âm nhạc, không cần nói với nhau một lời nào mà vẫn cảm nhận được cảm giác cộng đồng. Nghệ thuật nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta luôn luôn là một phần của cái gì đó lớn lao hơn bất kể điều gì đang xảy ra ngay bây giờ.
Nguyên tác: “The Value of Art in a Digital Age, Buddhist Door Global”, 25-3-2023.
Grace Wong là một nữ Phật tử xuất gia theo Phật giáo Won, một thiền sư và người ủng hộ đối thoại giữa những người có tín ngưỡng khác nhau. Bà là Chủ tịch Khoa Nghiên cứu Phật học Won tại Viện Nghiên cứu Cao học Won và Tuyên úy Phật giáo (trong trường học) tại Đại học Pennsylvania.
Cao Huy Hóa dịch