Giá trị bất hoại của ‘Kinh Kim Cương’ – sách in cổ xưa nhất thế giới
Chữ “kim cương” tượng trưng cho tính sắc bén và giác ngộ của trí tuệ. Như kim cương có thể cắt xuyên nhiều vật liệu, trí tuệ có thể cắt đứt vô minh, ảo tưởng, hướng con người hướng tới giác ngộ.
Được in cách đây hơn 1.100 năm, cuốn “Kinh Kim Cương” của Trung Quốc, hiện được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Anh, là một trong những tài liệu hấp dẫn nhất thế giới.
Rất có thể khi được hỏi tên của cuốn sách cổ nhất trên thế giới, phần lớn câu trả lời sẽ là Kinh thánh Gutenberg. Tuy nhiên, không phải Kinh thánh mà Kinh Kim Cương – văn bản Phật giáo mới là cuốn sách in xưa nhất thế giới.
Cuốn sách chính là một ví dụ điển hình về công nghệ in ấn cổ xưa, thể hiện những tiến bộ lịch sử trong việc sản xuất sách vào thời nhà Đường.
Cuốn sách được in vào khi nào?
Theo Smithsonian (tạp chí khoa học và tự nhiên của Mỹ), không ai biết chắc Vương Kiệt là ai và tại sao ông lại in Kinh Kim Cương. Tuy nhiên, cuối cuộn Kinh Kim cương này có lời đề cho biết chính xác ngày thực hiện kinh. Lời cuối sách viết: “Vương Kiệt thay mặt song thân cẩn lập để hoằng pháp, 11 tháng 5 năm 868”. Từ đó, người ta có thể xác định cuốn kinh do Vương Kiệt chủ trương thực hiện vào năm 868.
Bên cạnh những ý nghĩa khi tìm hiểu lịch sử Phật giáo, bản in năm 868 cho thấy trình độ nghề in ở Trung Quốc cổ đã phát triển từ thế kỷ thứ 8.
Thời điểm được phát hiện
Kinh Kim Cương là một văn bản Phật giáo cổ xưa ban đầu được viết bằng tiếng Phạn. Vương Viên Lục – một đạo sĩ Trung Quốc – đã tìm thấy cuốn kinh này trong Thiên Phật động (quần thể hang động quanh con đường tơ lụa ở Đôn Hoàng, phía tây bắc Trung Quốc). Đây là một trong 4.000 cuộn giấy và tài liệu được được xác định là có từ khoảng năm 1.000.
Vào năm 1907, nhà khảo cổ học người Anh gốc Hungary tên là Marc Aurel Stein đang thực hiện một chuyến thám hiểm để lập bản đồ Con đường tơ lụa cổ đại thì được nghe về thư viện bí ẩn này. Ông đã chi một số tiền để mua lại hàng nghìn tài liệu, trong đó có Kinh Kim Cương.
Sau đó, người này đã tặng lại nó cho Bảo tàng Quốc gia Anh. Ngày nay, cuốn kinh được bảo quản trong Thư viện Quốc gia Anh và được công nhận là cuốn sách in có niên đại lâu đời nhất còn tồn tại.
Không phải là cuốn sách thông thường
Theo India Times, Kinh Kim Cương không phải là một cuốn sách thông thường mà là một cuộn giấy. Nó dài khoảng 5 m và rộng 27 cm và văn bản được in bằng kỹ thuật in khắc gỗ, trong đó mỗi trang được khắc vào một khối gỗ. Những khối này sau đó được in mực và ép lên một tờ giấy hoặc vải.
Làm nên độ dài 5m là 7 phần được dán lại với nhau. Khi đọc, người ta trải cuộn giấy ra từ một ống hoặc que bằng gỗ làm trục, đọc từ trên xuống dưới, từ trái sang phải.
Nó là một văn bản ngắn gọn bao gồm khoảng 6.000 từ, là một trong vô số văn bản thiêng liêng, thường được gọi là “kinh” trong Phật giáo Đại thừa, nhánh Phật giáo phổ biến nhất ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á.
Nhiều hành giả tin rằng Kinh Đại thừa được Đức Phật trực tiếp truyền dạy, và Kinh Kim Cương có hình thức một cuộc trò chuyện giữa đệ tử của Đức Phật là Subhati và chính Đức Phật, miêu tả một sự trao đổi sâu sắc về trí tuệ và hiểu biết sâu sắc.
Bản chất của Kinh Kim Cương
Trong Kinh Kim Cương, chữ “kim cương” tượng trưng cho tính chất sắc bén và giác ngộ của trí tuệ. Như một viên kim cương có thể dễ dàng cắt xuyên qua nhiều vật liệu khác nhau, trí tuệ có thể cắt đứt vô minh và ảo tưởng, hướng dẫn con người hướng tới giác ngộ.
Về cơ bản, cuốn sách truyền tải ý tưởng rằng trí tuệ, giống kim cương, giúp hành giả nhận thức được bản chất đích thực của thực tại và giải thoát bản thân khỏi đau khổ.
Ý nghĩa của Kinh Kim Cương vượt qua ranh giới địa lý và văn hóa. Vào năm 2013, Thư viện Anh đã thực hiện thành công một sáng kiến kéo dài hàng thập kỷ tập trung vào việc bảo tồn cuốn sách in có niên đại lâu đời nhất thế giới.
Được thực hiện bởi Dự án Quốc tế Đôn Hoàng tại Thư viện Anh, một đoạn phim ngắn được sản xuất để thuật lại hành trình của cuộn kinh cổ này, bao gồm ý nghĩa lịch sử, các khía cạnh khoa học và những nỗ lực bảo tồn tỉ mỉ đã được thực hiện.
Bản dịch đầy đủ tiêu đề của tài liệu này là “Viên kim cương cắt xuyên mộng ảo”. Susan Whitfield, Giám đốc Dự án Đôn Hoàng, giải thích kinh này giúp cắt đứt nhận thức của chúng ta về thế giới và ảo tưởng về nó.
“Chúng ta chỉ nghĩ rằng chúng ta tồn tại với tư cách cá nhân nhưng trên thực tế, chúng ta không ở trong trạng thái hoàn toàn bất nhị: không có cá nhân, không có chúng sinh,” Whitfield viết.
Ngọc Hân
(ZNews)