Gia đình – Nơi trở về
Những cái tôi chưa hòa điệu
Lập gia đình 10 năm là ngần ấy thời gian cuộc hôn nhân của vợ chồng em không hạnh phúc. Ngày mới lấy nhau, tính cách trái ngược giữa chồng vợ đã được bộc lộ rõ rệt. Em và chồng luôn cãi nhau, bất đồng về mọi quan điểm sống. Không những thế, suốt quá trình chung sống cộng thêm tính trăng hoa của anh chồng khiến em càng chìm ngập trong mệt mỏi, buồn chán cùng những bức xúc khổ đau.
Ngày tháng cứ lặp lại, em không biết chia sẻ cùng ai nên rong ruổi suốt ngày bên ngoài với lý do vì công việc, bận mua bán nhưng thực chất em muốn lẩn tránh ngôi nhà của mình, trốn chạy tổ ấm của mình. Vì nơi ấy từ lâu, với em không khác gì một quán trọ. Hai vợ chồng mạnh ai nấy sống, hướng tâm vào những việc riêng. Rồi những lo toan vất vả mưu sinh cuốn hút em nhiều hơn, mối quan tâm lớn nhất của em là… kiếm tiền. Em lao vào công việc đến quên cả gia đình, quên cả bản thân. Xuất thân từ cái nghèo, em cho rằng sự sung túc mới đảm bảo cho đời sống hôn nhân. Mục đích kiếm tiền của em chiếm hết thời gian một ngày đến độ không còn thời gian nào quan tâm chăm sóc gia đình. Và thành quả miệt mài cật lực lao động của em được bù đắp bằng dư thừa đời sống vật chất. Thế nhưng, khi trở về nhà, em luôn phải sống trong bầu không khí ngột ngạt căng thẳng, nặng nề vì những xung khắc, cãi vã nhau ngày càng nhiều giữa vợ chồng. Mọi sinh hoạt gia đình cứ theo xung đột bất hòa tăng theo năm tháng khiến cả hai không còn tâm trí muốn bàn bạc, trao đổi cùng nhau như thuở mới quen.
Chồng của em ngày càng “tệ hại” hơn trong mắt em. Mặc cho em buồn phiền, khuyên nhủ, ngoài công việc, anh còn bận tâm với những mối quan hệ nhăng nhít khác. Nỗi buồn, nỗi thất vọng càng khiến em tìm quên trong công việc. Em sống vô hồn giữa ngày tháng lạc lõng, mất niềm tin, mất phương hướng. Nhiều lần em muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân nhạt nhẽo nhưng vì con nên em lại gắng gượng chịu đựng. Nguy cơ đổ vỡ cứ chực chờ trước mắt hai người mà đứa con gái duy nhất là cầu nối cho em sức nhẫn nhịn vượt qua mà sống. Em luôn băn khoăn tự hỏi “Vì sao gia đình mình không hạnh phúc như… người ta?”, “Làm sao cải thiện được người chồng?”. Em luôn đem cái tôi của mình so sánh với những đời sống lứa đôi hạnh phúc khác để rồi mãi ngập chìm trong oán thán, buồn nản và không ngừng khát vọng về một ngôi nhà, một tổ ấm mà ở đó người chồng được “hóa thân” bằng một hình ảnh tưởng tượng hoàn hảo, mà em thầm mơ ước so sánh bấy lâu nay.
Ảnh minh hoạ.
Gia đình là để sống với
Cho đến một ngày, cuộc xung đột mâu thuẫn giữa vợ chồng lên đến đỉnh điểm khi em lặng lẽ xách va-li bỏ đi một nơi xa. Em muốn rời xa gia đình một thời gian trước khi quyết định kết thúc cuộc sống chung vĩnh viễn. Mặc mọi khuyên giải từ bạn bè, người thân, em thấy mình đến lúc cần chấm dứt một nghiệp duyên, một gia đình không ra gia đình. Em đã quá ngao ngán và sợ hãi đời sống hôn nhân chưa một ngày bình an hạnh phúc, thanh thản tinh thần. Dẫu em luôn hiểu cuộc nợ duyên chồng vợ không phụ thuộc vào quyết định nơi em và chồng. Song em vẫn làm theo ý định của mình.
Song có lẽ sau những ngày tháng được sống nơi xứ lạ một mình, được lui về nghỉ dưỡng hoàn toàn sau thời gian mệt mỏi kiếm sống, em thấy đầu óc nhẹ nhõm hẳn và thoải mái theo đúng nghĩa của “tự do”, không còn vướng bận những lo nghĩ, ràng buộc. Em bỗng nảy ý định thèm được vào sống… trong chùa. Em muốn buông bỏ tất cả để hưởng nhận toàn vẹn cảm giác thảnh thơi mà em nhìn thấy từ những người tu. Nghĩ là làm, em trở về thành phố tìm đến một ngôi chùa…
Thế rồi môi trường trong lành hiền hòa nơi cửa Phật giúp gia đình tìm thấy bình an, lấy lại niềm thanh thản gia đình từng mơ ước. Những bài thuyết pháp, những giờ được đàm đạo cùng các đạo hữu khiến gia đình dần nhận ra mình cần học cách thay đổi chính mình, học cách chấp nhận thực tại. Và quan trọng là em đã biết dũng cảm đón nhận nó, đón nhận nghiệp quả của chính mình mà nhiều đời em đã gây tạo. Em không còn chỉ biết đổ lỗi trách cứ chồng mà thấy được một phần trách nhiệm còn thiếu sót trong vai trò làm vợ. Quan trọng hơn, em đã thôi được tư tưởng so sánh người bạn đời với những người khác ngoài xã hội. Em tích cực siêng năng lao vào việc thiện, tu học nhiều hơn, luôn nhớ lời thầy dặn: “Chúng ta đừng làm kẻ quỵt nợ, muốn vay mà không chịu trả, không thể được. Nghiệp theo ta như hình với bóng”.
Thật là nhiệm mầu, như một duyên lành, sau thời gian thực hành pháp buông xả, nghiệp của em dần được chuyển hóa. Em quyết định trở về và sự hòa thuận vợ chồng được nối kết trở lại, hạnh phúc bắt đầu mỉm cười với gia đình. Ý nghĩ rời xa gia đình lúc đầu tự bao giờ không còn hiện hữu trong em mà ngược lại, em đã chuyển hóa được chính người chồng, truyền cho anh lòng nhân ái khiến anh vui vẻ thay đổi cách sống, không còn hứng thú với cuộc vui bên ngoài mà quan tâm đến gia đình nhỏ nhiều hơn. Đặc biệt, anh cùng ưa thích và nhiệt tình song hành việc từ thiện cùng vợ.
Giờ đây, cái nhìn của em về bạn đời của mình đã đổi khác. Em nhận ra ai cũng có khuyết điểm, quan trọng là biết chấp nhận cá tính của mỗi người. Em biết cách cảm thông, biến cái nhìn thiếu sót trước đây thành một màu sắc tương đối dễ chấp nhận vì “Gia đình là để sống với, không phải để nói về, để triết lý”. Em luôn mang tâm niệm này bên lòng như một phương châm sống. Vì tâm hồn em giờ đây đã có Phật, có niềm tin vào Tam bảo. Em thầm cảm ơn sự mâu thuẫn vợ chồng cũng chính là duyên may đưa em đến với đạo Phật, cho em thấu được tính chất của buông xả giúp em đủ bình tâm vượt qua những bất ổn, khó khăn giữa cuộc đời.
Ánh sáng Phật pháp nay đã soi rọi rực rỡ chan hòa trong em, trong chính ngôi nhà bé nhỏ thân yêu mà một thời gian dài em và chồng từng sống chịu đựng nhau. Em vô vàn biết ơn Phật pháp cho em hiểu được đạo vợ chồng, biến những cái tôi riêng tư cùng hòa điệu. Phải chăng hạnh phúc chỉ hiện diện với những ai biết học cách không cầu toàn, biết đối diện với nghịch duyên để trả nghiệp, biết hòa điệu những cái tôi để gia đình mãi là nơi cho mỗi thành viên dù lưu lạc nơi đâu vẫn muốn quay về.