GHPGVN TP.HCM dâng hương tưởng niệm Bồ-tát Thích Quảng Đức và chư vị anh hùng dân tộc
Tôn tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức
Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM cùng các thành viên trong Ban Trị sự đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Bồ-tát Thích Quảng Đức và các bậc anh hùng dân tộc nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568, vào sáng nay 14-4-ÂL.
Thành kính tưởng niệm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân |
Tháp tùng Hòa thượng Trưởng ban còn có chư vị Phó ban Trị sự: Hòa thượng Thích Nhựt Hỷ, Thượng tọa Thích Thiện Quý, Thượng tọa Thích Huệ Công; các vị Ủy viên Thường trực, Văn phòng Ban Trị sự; đại diện các ban chuyên môn, Ban Trị sự Phật giáo Q.1, Q.4, Q.Phú Nhuận.
Lãnh đạo TP.HCM tham dự dâng hương |
Tại công viên tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức, chư tôn đức đã dâng hương tưởng niệm ngài. Chính nơi này, trước đây là giao lộ Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, vào ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã vị pháp thiêu thân để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam.
Công viên tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức được khởi công xây dựng vào tháng 11-2007, khánh thành vào ngày 18-9-2010, nhằm tưởng nhớ công đức to lớn của Hòa thượng Thích Quảng Đức đối với Đạo pháp và Dân tộc. Đây cũng là một trong số những công trình ghi dấu ấn quan trọng trong hoạt động Phật sự của GHPGVN TP.HCM.
Dâng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc tại quảng trường Nguyễn Huệ (Q.1), chư tôn đức Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM đã dâng hoa tưởng niệm vị lãnh tụ thiên tài, biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên thăm hỏi chức sắc, đồng bào các tôn giáo.
Khi Hội nghị đại biểu Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 28-9-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng, tán dương những đóng góp của Tăng Ni, đồng bào Phật tử trong công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: ‘Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha’”.
Phái đoàn Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM cũng đã đến dâng hương trước tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh (Q.1). Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là vị tướng lĩnh tài ba đã lãnh đạo quân và dân nhà Trần đánh tan cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông vào năm 1285 và 1288. Triều đại Lý – Trần ghi dấu trong lịch sử Việt Nam là giai đoạn đặc biệt hưng thịnh về văn hóa, với ảnh hưởng to lớn của tinh thần Phật giáo.
Đầu năm 2022, sau khi lấy ý kiến nhân dân, lãnh đạo TP.HCM đã tiến hành chỉnh trang khu vực công trường Mê Linh và tôn tạo tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo, không gian văn hóa quan trọng của người dân Thành phố.
Thắp hương tại tượng đài Quách Thị Trang
Đoàn cũng đến dâng hương trước tượng đài Liệt nữ Quách Thị Trang tại công viên Bách Tùng Diệp. Tượng đài Quách Thị Trang là một di tích đặc biệt của Phật giáo Thành phố nói riêng và lịch sử Phật giáo nói chung. Đây là công trình mang tính biểu tượng gắn liền với phong trào tranh đấu của Phật giáo năm 1963, hòa trong dòng chảy của lịch sử nước nhà.
Cuối tháng 12-2023, lãnh đạo Q.1 và Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã có buổi gặp gỡ để thông tin, trao đổi và thống nhất sơ bộ phương án di dời tượng đài Liệt nữ Quách Thị Trang về lại không gian lịch sử trước chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM). Dự kiến việc di dời sẽ hoàn thành vào tháng 4-2025, trong đó việc tôn tạo tượng Liệt nữ Quách Thị Trang sẽ được thay thế bằng chất liệu bền vững hơn, bảo đảm tính mỹ thuật và lịch sử của pho tượng này.
Một số hình ảnh ghi nhận: