Gánh mẹ
Mẹ tôi ngồi xếp bằng giữa đống hàng hóa bề bộn, tỉ mỉ đếm tiền bán hàng hôm nay. Học bài xong, tôi cất tập vở lên kệ rồi lom khom dọn mớ hàng lại một góc căn phòng trọ cuối dãy.
Ngoài trời mưa rơi lắc rắc. Cơn giông ban nãy đã làm đổ dây điện ở đầu hẻm, nghĩa là đêm nay cả hẻm sẽ ở thầm trong bóng tối. Tôi với tay lấy nến trên kệ, đốt một ngọn, cắm ở giữa phòng. Mẹ nói tôi khỏi xếp, mai mẹ đi bán sớm, nhà cửa lại gọn ghẽ. Tôi cười khì, vẫn xếp. Tôi thích sự gọn gàng, ngăn nắp, dù chỗ ở của tôi với mẹ chỉ là một căn phòng trọ thuê được trong khu trọ của những người lao động, chiều chiều lại rộn rã tiếng nói cười.
“Năm nay cuối cấp, cố mà học hành để thi đậu đại học” – Mẹ nói với tôi bằng giọng ấm trầm. Mắt mẹ vẫn không rời mớ tiền trên tay. Nhìn xấp tiền dày vậy chứ toàn là tiền lẻ, hai ngàn, năm ngàn, mười ngàn, gom lại thành xấp. Mẹ tôi tính toán kỹ càng, trừ tiền vốn, lời được bao nhiêu mẹ cất vào trong chiếc hộp gỗ, tờ nào theo tờ nấy. Tôi nhìn mẹ qua ánh nến lập lòe. Mẹ tôi hiền lắm. Mái tóc mẹ xõa một bên vai, dù không còn suôn mượt và óng dài nhưng vẫn đủ để khắc đậm hình ảnh đẹp của mẹ tôi.
Một lúc sau, mẹ tôi ngước lên. “Làm gì nhìn mẹ dữ vậy?”. Tiếng mẹ khiến tôi giật mình. Tôi nói lé thé: “Mẹ đẹp quá! Con thương mẹ quá!”. Mẹ tôi cười, đem chiếc hộp gỗ cất vào trong tủ – chỗ kín đáo nhất của gia đình tôi: “Bộ muốn đòi hỏi gì nữa, phải không cô nương?”. Tôi lắc đầu. Thật tình tôi rất thương mẹ tôi. Thương lắm! Dù chúng tôi không cùng dòng máu. Dù mẹ không phải là người đã rứt ruột sinh ra tôi…
Mỗi sáng, tôi thức dậy đi học, mẹ gánh hàng rong đi bán trước cổng trường tôi, trước công ty may mặc đối diện trường học. Mẹ thường kêu tôi đi trước, mẹ đi sau, hoặc ngược lại. “Đi chung với mẹ, ngại chết! Bạn bè cười, tội nghiệp con” – Mẹ tôi nói vậy. Nước mắt tôi rưng rưng. Giả bộ dụi dụi, trách gió thổi mạnh quá làm mắt tôi cay rát, tôi nói: “Bán hàng rong thì đã sao. Mình sống lương thiện, không hổ thẹn với lòng là được rồi, mẹ ha”. Mẹ tôi mỉm cười. Tôi thích là những khi nhìn thấy mẹ cười. Lúc đó, trông mẹ tôi duyên lắm. Hai mẹ con tôi cùng nhau bước đi. Trên đường, chúng tôi đã nói với nhau biết bao nhiêu câu chuyện. Đòn gánh trên vai mẹ lắc lư. Nắng vàng ngập lối.
Tôi không muốn nhắc tới, nhưng thi thoảng đầu óc trống rỗng tôi lại nhớ tới và nghĩ vu vơ. Chắc là người đó không thương tôi như mẹ. Chứ nếu thương tôi thì đâu nỡ bỏ tôi lưu lạc giữa chợ đời. Nếu thương tôi thì đã nắm lấy tay tôi, dù cho cuộc sống có khổ nghèo, dù người đời khinh khi, coi thường. Mẹ dặn tôi không bao giờ được trách người sinh ra mình, dù là trong suy nghĩ. Có lẽ người đàn bà ấy có một niềm riêng gì đó, một nỗi khổ nào đó nên không thể nào bước tiếp cùng tôi.
Mẹ tôi luôn nhân hậu, ngay cả trong suy nghĩ lẫn hành động.
Tôi cười đáp: “Mẹ đang nằm kế bên con mà nhớ gì?”. Mẹ nói tiếp: “Không phải, mẹ ruột của con kìa”. Tôi lặng đi. Mẹ cũng im lặng. Hình như mẹ nhận ra mình không nên hỏi tôi như vậy. Nhưng tôi biết, mẹ chẳng bao giờ muốn tôi quên đi mẹ ruột của mình. Không có công dưỡng thì cũng có công sinh. Ai quên đi thân sinh là kẻ phũ phàng, bội bạc, không xứng đáng làm người.
Tôi thì thào: “Con không biết nữa. Nói nhớ cũng không đúng, mà nói quên cũng sai. Chắc tại lâu quá rồi, con không còn nhớ rõ từng đường nét trên khuôn mặt của người ấy. Cả giọng nói và mùi hương trên cơ thể con cũng quên mất”. Tôi quên thật. Cũng đã mấy năm trôi qua rồi.
“Về với mẹ, mẹ thương, mẹ nghèo thật nhưng mẹ sẽ nuôi con nên người” – Tôi không bao giờ quên câu nói ấy. Mỗi khi nhớ lại hoặc nhắc lại, tôi lại bật khóc. Mẹ ôm tôi vào lòng. Vẫn cái cảm giác ấm áp và hạnh phúc như lần đầu mẹ ôm đứa trẻ cơ nhỡ vào lòng. Tôi thương mẹ lắm. Mẹ đã dành trọn thanh xuân cho tôi. Có tôi, đôi vai mẹ càng nặng quằn. Tuy vậy, mẹ vẫn lam lũ, chịu thương chịu khó. Chưa bao giờ mẹ để tôi buồn hoặc thiệt thòi với chúng bạn. Chưa bao giờ mẹ la rầy tôi, dù cho đôi lúc tôi làm mẹ buồn lòng. Trong mắt tôi, lòng mẹ rộng như biển cả…
Tôi ngồi trước cửa nhà học bài và đợi mẹ về. Hôm nay, mẹ tôi về muộn. Thường thì giờ này mẹ đã quảy gánh hàng rong lững thững đi về trên con đường lổn nhổn đất đá, có ổ gà chi chít, nước đọng lại lầy lội sau cơn mưa.
Tiếng xe máy đổ trước dãy trọ. Tôi đoán là xe ôm vì người phía trước mặc chiếc áo cũ kỹ, phai màu, đối lập với sự sang trọng của người phụ nữ ở đằng sau đang từ từ bước xuống, gỡ mũ bảo hiểm đưa lại và trả tiền. Tôi cũng chẳng để ý. Chiếc xe nổ máy, chạy ra khỏi hẻm. Tiếng ống khói khẹc khô khan nhỏ dần.
Sau khi đi hết hành lang dãy trọ, người đàn bà sang trọng ban nãy dừng lại trước mặt tôi. “Chào cháu” – Người đàn bà lên tiếng. Tôi ngạc nhiên nhưng cũng gật đầu cho phải phép: “Cô tìm ai ạ?”. “Cho tôi hỏi, đây có phải là nhà của cháu Thơm không? Thơm con bà Bảy, bán hàng rong ấy”. Tôi gật đầu. Mẹ con tôi chẳng có lấy một người là họ hàng ở thành phố này, vậy ai mà biết tên cả tôi lẫn mẹ, ai đang tìm chúng tôi. Tôi ngờ ngợ, hỏi lại: “Cháu là Thơm ạ! Mẹ cháu đi bán chưa về. Cô tìm mẹ con cháu có việc gì ạ?”.
Người đàn bà nhìn tôi trân trân. Vài giây sau, tôi thấy mắt bà đỏ hoe, rồi bà khóc sướt mướt. Một dấu hỏi lửng lơ trong đầu tôi cho đến khi tôi nghe được câu: “Thơm, con không nhận ra mẹ sao, mẹ là mẹ của con đây…”.
Tôi chết trân. Trời ơi, bao nhiêu năm trôi qua, những tưởng nỗi đau ngày nào đã lặn đi trong tôi, nhưng giờ đây khi đứng trước mặt người đã sinh ra tôi và bỏ tôi đi thuở tôi còn chưa thể một mình tồn tại trên đời, nỗi đau ấy lại trỗi dậy trong tôi. Tim tôi quặn thắt. Tôi không nói được câu nào, vì có cái gì nghẹn lại ở cổ, chỉ có nước mắt giàn giụa và bàn tay đưa về phía người đàn bà sang trọng để tìm lấy bàn tay ngày nào tôi nắm đi khắp các nẻo đường thành phố…
Tôi không đáp lại, bởi làm sao không giận cho được, nếu ngày ấy không có người phụ nữ gánh hàng rong cưu mang, có lẽ tôi sẽ lang thang đầu đường xó chợ, sẽ chết dẫm đâu đó hoặc trở thành một kẻ xấu xa. Làm sao không giận cho được khi tôi lạc mất mẹ giữa lúc tôi cần mẹ nhất, khi tôi chưa thể tự lập, cần có bờ vai vững chãi để dựa vào. Tôi bỗng nhớ lấy lời mẹ tôi: “Sống là để yêu thương chứ không phải để hờn giận, hận thù, nhất là với những người mình yêu thương”. Mẹ tôi nói đúng. Tôi chỉ thấy chạnh lòng chứ không căm giận, càng không hận thù. Tôi muốn sống một cuộc đời nhân hậu như mẹ tôi vậy.
Người đàn bà ngồi chải tóc cho tôi, nói tôi giống bà thời còn trẻ, nhất là đôi mắt. Còn tôi, tôi thấy mình giống mẹ hơn, dù chúng tôi chẳng phải ruột rà.
“Thơm, con về sống với mẹ đi. Mẹ sẽ xin bà Bảy, rồi bù đắp cho bà ấy một số tiền đủ để sống tốt quãng đời còn lại. Mẹ giờ khấm khá hơn xưa. Về với mẹ, con sẽ không phải chịu khổ”. Nghe nói đến đó, tự dưng nước mắt tôi lã chã. Tôi có phải chịu khổ bao giờ đâu, trừ quãng thời gian tôi lạc mất đấng sinh thành. Ở bên mẹ tôi, tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Tôi thích mỗi sớm lon ton theo sau gánh hàng rong của mẹ, mỗi trưa tan học lại chạy ra cổng trường phụ mẹ bán hàng, lau mồ hôi trên trán mẹ. Niềm vui của tôi là được thấy nụ cười trên khuôn mặt rám nắng của mẹ. Nhìn người đàn bà, lòng tôi rỗng tuếch. Tôi biết ơn bà vì đã sinh ra tôi, trong tim tôi vẫn dành cho bà một vị trí nhất định, nhưng tôi sẽ không bao giờ xa mẹ tôi được. Vì với tôi, mẹ, và căn phòng trọ này, và những chuỗi ngày đã qua đã hóa thành kỷ niệm thiêng liêng nhất, ngự trị ở một vị trí trang trọng nhất không thể đổi dời.
Người đàn bà nhìn tôi thật lâu, thật sâu. Có lẽ bằng cảm quan của người mẹ, người đã sinh ra tôi, bà hiểu thấu lòng tôi.
Và có lẽ bà cũng hạnh phúc khi con của bà đã trưởng thành, biết trước biết sau, sống ân tình, son sắt.
Bà từ giã tôi đi khi nắng chiều tắt hẳn. Xóm trọ lên đèn. Phố đêm lên đèn. Khi chiếc xe ôm vừa nổ máy chạy ra đầu hẻm là lúc mẹ tôi quảy gánh trở về. Nhìn bóng mẹ thập thững và nụ cười thấp thoáng trên môi, tôi thấy lòng mình bình yên vô cùng. Tôi không kể cho mẹ nghe câu chuyện lúc nãy, nhưng tôi ôm mẹ thật chặt, dụi đầu vào ngực mẹ như thể tôi còn bé lắm.
“Mẹ ơi! Con thương mẹ… nhiều lắm!”.
Cũng lâu rồi tôi mới nói với mẹ mình câu ấy, dù trong lòng chẳng bao giờ nguôi nỗi thương người đàn bà quảy gánh hàng rong nuôi tôi thành người.
Hoàng Khánh Duy